Cùng với sự phát triển của những mạng xã hội như Instagram hay Facebook và đặc biệt là nhờ những tính năng như Story, nhu cầu "sống ảo" đã ngày càng gia tăng. Có điều, chỉ sống ảo với bản thân hay selfie thôi thì chưa đủ, nếu bạn muốn profile của mình tràn ngập màu sắc và có sức hút khó cưỡng thì những bức ảnh chụp đồ ăn là "must-have".
Hoặc, chẳng nói gì sâu xa đến việc chia sẻ lên mạng xã hội, việc bạn tự chụp lại những bức ảnh thành quả đứng bếp vất vả của bản thân hoặc một món ăn ngon "xức xắc" cũng là một cách tuyệt vời để lưu giữ kỷ niệm.
Trong "lớp đại cương" này, bạn sẽ được chia sẻ vài bí kíp vô cùng đơn giản để khiến món ăn của mình hút mắt không thua gì ảnh chụp trên tạp chí du lịch chỉ với chiếc smartphone.
Hình ảnh sử dụng trong bài chỉ mang tính minh họa và không nhất thiết được chụp bởi smartphone, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể đạt được kết quả tương tự với cùng kỹ thuật và sự chuẩn bị.
Ánh sáng là yếu tố sống còn đối với ảnh chụp bất kỳ thể loại nào. Với đồ ăn, nguồn sáng lý tưởng nhất là ánh sáng tự nhiên từ mặt trời. Bạn có thể tận dụng nguồn sáng này bằng cách set up trong bối cảnh sân vườn, hoặc trên bệ cửa sổ…
Ánh sáng tự nhiên là nguồn sáng lý tưởng cho việc chụp ảnh đồ ăn
Sở dĩ là vậy vì để khiến các món ăn hấp dẫn, chúng phải được đặt dưới một nguồn sáng đều, rọi rõ được từng góc và chi tiết trên bề mặt món ăn.
Nếu bạn không thể set up với ánh sáng tự nhiên (vì ăn vào buổi tối tại một nhà hàng chẳng hạn), bạn vẫn có thể tận dụng các nguồn sáng nhân tạo. Gợi ý: ánh sáng có màu ấm và tỏa đều, dịu sẽ cho hiệu ứng tốt hơn ánh đèn huỳnh quang. Tuyệt đối không sử dụng đèn flash trực tiếp của điện thoại. Trong trường hợp môi trường quá thiếu sáng, hãy sử dụng flash kèm các "thiết bị" tản sáng sẵn có như khăn trắng, tờ giấy… Nếu thấy quá phức tạp, bạn chỉ còn có thể dựa vào các yếu tố còn lại như bố cục, hậu kỳ…
Nếu bạn đã xem cảnh hậu trường của những buổi chụp ảnh đồ ăn, có lẽ bạn sẽ không lạ lẫm gì với cảnh nhiếp ảnh gia đứng cả lên bục để lấy góc máy cao chụp xuống. Điều này rất bình thường và thậm chí góc chụp này cũng đã trở thành góc chụp "quốc dân". Lý do là bởi góc nhìn trực diện từ trên xuống sẽ phô ra toàn bộ chi tiết, kết cấu, décor và phần bày biện của đồ ăn một cách trung thực nhất.
Trường hợp ngoại lệ là các món ăn dạng xếp chồng nhiều lớp như bánh mille crepe, burger, pancake… Khi đó, bạn sẽ muốn "show" ra kết cấu theo chiều dọc của chúng.
Phông nền đóng góp đến một nửa thành công của bức ảnh đồ ăn đẹp. Tương tự như khi chụp chân dung, bạn cần lưu ý chọn loại phông nền có họa tiết đơn giản, không bắt mắt để nó không chiếm spotlight của chủ thể. Hãy sáng tạo một chút với phông nền, như sử dụng các loại khăn trải bàn, mặt bàn gỗ. Họa tiết kẻ, trơn hoặc cây cỏ, thiên nhiên trông sẽ luôn phù hợp và nịnh mắt với mọi món ăn.
Ảnh: Facebook Thương
Đôi khi, phông nền có thể chỉ tối giản đến mức là bề mặt đĩa đơn thuần
Một điểm cần lưu ý khác là hãy chọn tông màu phông nền phù hợp với màu sắc của món ăn – nhưng đừng quá tiệp màu để tránh làm chủ thể "chìm nghỉm". Các tông màu trầm như xanh đậm, xám, gỗ hoặc thậm chí là trắng sẽ là lựa chọn an toàn.
Ngoài phông nền, phụ kiện và décor cũng là những "nhân vật phụ" quan trọng góp phần làm nổi bật thêm cho chủ thể bức ảnh. Ví dụ, bạn có thể thêm các loại đồ trang trí như thành phần nguyên liệu của món ăn, rau xanh, đồ uống hoặc dụng cụ làm bếp, dụng cụ ăn…
Ảnh: Facebook Thương
Một phong cách phổ biến để sắp xếp các món đồ kiểu này là dạng bày biện hơi có chút bừa bộn. Ngoài đời thật, có lẽ chẳng ai lại xếp bàn ăn của mình như vậy, nhưng "nghệ thuật là ánh trăng lừa dối", một chút phá cách như thế có thể khiến bức ảnh ấn tượng hơn nhiều.
Chú ý là các món đồ décor và phụ kiện phải liên quan đến nhau và có liên hệ đến món ăn chính. Ví dụ, các món Âu như steak có thể bày trên thớt, còn pizza thì không ai lại để lên mẹt cả, đúng không nào?
Yếu tố con người cụ thể là sự hiện diện của con người để tạo cảm giác món ăn như thật sự đang "sống", đang được thưởng thức bởi con người thật sự. Yếu tố con người trong bức ảnh có thể đến ở dạng trực tiếp (như sự xuất hiện của đôi bàn tay) hoặc gián tiếp (hình ảnh thức ăn được gắp bằng đũa chẳng hạn).
Một chút biến tấu này sẽ làm bức ảnh sinh động hơn rất nhiều.
Tạo hiệu ứng chuyển động
Không cần đến Live Photo hay Boomerang, bạn vẫn có thể tạo ảo giác về chuyển động cho bức ảnh tĩnh bằng một số thủ thuật đơn giản.
Ví dụ đơn giản nhất cho thủ thuật này là hình ảnh lòng đỏ trứng chảy trong món trứng Benedict, hình ảnh khói bốc lên nghi ngút từ món ăn nóng, hoặc phô mai dính của chiếc pizza.
Hiệu ứng chuyển động khiến bức ảnh trở nên rất thật, "không hề giả trân" và tạo cho người xem cảm giác thèm ăn thật sự. Để đặc tả, bạn có thể sử dụng kỹ thuật chụp cận cảnh hay "close-up".
Tất cả sự sắp xếp, bố cục,... sẽ trở nên vô nghĩa nếu chủ thể của bức ảnh nhạt nhòa và kém sức sống. Vì thế, việc chuẩn bị và décor món ăn bạn sẽ chụp cho thật đẹp sẽ là ưu tiên hàng đầu. Có nhiều phong cách décor và trình bày món ăn khác nhau, thậm chí còn tùy thuộc vào cảm hứng sáng tạo của người đầu bếp, nên hãy thử nghiệm và chụp thật nhiều góc nếu bạn cảm thấy cần.
Hậu kỳ, chỉnh sửa, crop ảnh là những gia vị cuối cùng để hoàn thiện bức ảnh đồ ăn của bạn. Với sự tiện lợi của các app chỉnh sửa ảnh ngày nay, công việc này vô cùng dễ dàng và hoàn toàn có thể thực hiện ngay trên điện thoại, đôi khi chỉ cần 1 cái bấm nút chọn filter hay preset là bức ảnh của bạn trông đã tươi tắn lên rất nhiều rồi!
2 app chỉnh sửa ảnh phổ biến nhất là Foodie và VSCO, chúng đều có số người dùng đông đảo và luôn sẵn sàng chia sẻ mọi bí kíp, bảng màu đẹp.
Nguồn ảnh: Internet