Đã quá mệt mỏi, giới trẻ bỏ dùng luôn smartphone: “Đặt điện thoại xuống để thấy thế giới” có thực sự chữa lành?

Chi Chi, Theo Đời sống pháp luật 00:05 18/06/2024

Sự lo lắng về chứng nghiện MXH lại đang dẫn đến sự yêu thích ngày càng tăng đối với Polaroid, bưu thiếp cũng như thế giới “thực sự” bên ngoài màn hình điện thoại.

Đối với Bea, những khoảnh khắc như thấy mình lướt tin tức liên tục ngay cả khi đang ở trong nhà vệ sinh khiến cô cảm thấy cần phải đánh giá lại “mối quan hệ” của mình với chiếc điện thoại.

Người phụ nữ 37 tuổi đến từ London (Anh) bắt đầu cảm thấy không thoải mái với cách các thông báo như đang “xâm phạm” cuộc sống của cô. Vì vậy, khi chiếc iPhone của cô bị hỏng cách đây hơn một năm, Bae quyết định mua Nokia 2720 Flip - một chiếc điện thoại gập bấm phím.

Người phụ nữ cho rằng đã đến lúc chuyển sang một thiết bị cho phép cô giữ liên lạc với người khác trong khi giảm thiểu sự xao lãng. Bà mẹ 2 con đã đưa ra lựa chọn của mình sau khi đọc nghiên cứu về tác động của việc sử dụng màn hình đối với trẻ em. 

Cô nói: “Tôi thấy mình đã phá vỡ tất cả các quy tắc tôi đặt ra khi có con, tôi lướt màn hình quá nhiều. Tôi không muốn con cái mình nghĩ rằng đây là cách sống bình thường, ngay cả khi nó là điều bình thường thật sự trong thế giới ngày nay”.

Xu hướng bỏ MXH, bỏ smartphone

Gần hai thập kỷ sau khi chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt, không ít Gen Y và Gen Z đang “đu” theo xu hướng vừa mới lại vừa cũ: sử dụng các thiết bị công nghệ thấp.

Nhiều người đang nỗ lực sống ngoại tuyến nhiều hơn. Thời gian qua, trên mạng cũng đã nổi lên phong trào “newtro” (từ ghép của new - “mới” và retro - “cổ điển”) đang báo trước sự hồi sinh của các phương tiện truyền thông từ nhiều thập kỷ trước như băng cassette, tạp chí fanzine hay đĩa vinyl.

Đã quá mệt mỏi, giới trẻ bỏ dùng luôn smartphone: “Đặt điện thoại xuống để thấy thế giới” có thực sự chữa lành? - Ảnh 1.

Những tấm bưu thiếp Jess Perriam nhận được thông qua trang Postcrossing.

Khi Jess Perriam, 39 tuổi, cảm thấy chán newsfeed Instagram của mình, cô đã xoá trang cá nhân. Tuy nhiên, cô vẫn muốn kết nối với người khác. Vì vậy, Jess chuyển sang dùng Postcrossing, một trang web kết nối những người muốn gửi và nhận bưu thiếp từ những người lạ trên khắp thế giới. 

Cộng đồng này có hơn 800.000 thành viên đến từ 207 quốc gia, với 77 triệu bưu thiếp đã được trao đổi kể từ khi ra mắt vào năm 2005. Jess đã kết bạn được với nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Họ thường xuyên gửi thư từ để kể về cuộc sống của mình, theo cái cách khác hoàn toàn và chậm hơn rất nhiều so với việc liên lạc qua mạng xã hội. 

Jess chia sẻ: “Có điều gì đó thực sự đặc biệt khi cầm trên tay từng bức thư, tấm thiệp. Qua cách liên lạc này, tôi có bằng chứng vật chất về tình bạn của mình. Đó là thứ gì đó hữu hình, và tôi cảm thấy ý nghĩa hơn nhiều”.

Tìm kiếm lại “thế giới thực”

Andreas Nygren, một sinh viên 25 tuổi ở Tallinn (Estonia) thì cho biết anh thấy chụp ảnh phim hấp dẫn hơn nhiều so với chụp ảnh kỹ thuật số.

Anh cho biết tính vật lý của ảnh phim là điều thu hút hơn cả: “Với analog, bạn phải tương tác với những gì đang diễn ra chặt chẽ hơn nhiều. Bạn phải tiếp xúc nhiều hơn với môi trường và ánh sáng”.

Nygren cũng đã thử nghiệm việc từ bỏ hoàn toàn mạng xã hội và điện thoại thông minh, nhưng cảm thấy khó khăn trong việc giữ liên lạc với bạn bè và các dự án ở trường đại học. Anh nói: “Khi bạn không hoạt động và nhắn tin, mọi người sẽ quên bạn và bạn không được mời tham gia mọi việc”. 

Đã quá mệt mỏi, giới trẻ bỏ dùng luôn smartphone: “Đặt điện thoại xuống để thấy thế giới” có thực sự chữa lành? - Ảnh 2.

Andreas Nygren

Thay vào đó, Nygren đang cố gắng chuyển hướng hầu hết các nền tảng truyền thông xã hội sang tin nhắn SMS và WhatsApp để không bị xao nhãng mà chỉ thuần tuý nhắn tin mà thôi. 

Theo thời gian, anh nhận thấy việc quá phụ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số đã khiến anh cảm thấy xa cách thế giới vật chất như thế nào: “Nó làm giảm sự sống động của cuộc sống và khiến bạn có cảm giác như đang lơ lửng trong trạng thái bàng hoàng. Giống như bị mắc kẹt trong hang động ngắm nhìn bức tường bóng tối, thay vì bước ra ngoài thế giới. Những xu hướng như thế này thực sự chỉ là một nỗ lực để chống lại điều đó và nắm bắt lại thực tế”.

Nguồn: The Guardian

https://kenh14.vn/da-qua-met-moi-gioi-tre-bo-dung-luon-smartphone-dat-dien-thoai-xuong-de-thay-the-gioi-co-thuc-su-chua-lanh-20240617173603747.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày