8h sáng nay (5/9), Đà Nẵng đã chính thức kết thúc 20 ngày phong tỏa cứng toàn thành phố để khống chế dịch Covid-19.
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, trong vòng 20 ngày dừng tất cả các hoạt động, cách ly tuyệt đối nhà với nhà (từ 8h sáng 16/8 đến 8h sáng 5/9), Đà Nẵng đã dốc toàn lực tiến hành 5 đợt xét nghiệm toàn diện và phát hiện tổng 2.496 ca mắc Covid-19, trong đó đã bóc tách được 367 F0 ra khỏi cộng đồng.
Đặc biệt, trong hàng nghìn ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện qua 3 tuần "ai ở đâu ở yên đó", có đến 265 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình. Từ đây, phát hiện thêm 828 trường hợp liên quan, chủ yếu là người trong gia đình.
20 ngày phong tỏa cứng, Đà Nẵng đã dốc toàn lực lấy mẫu xét nghiệm toàn thành phố
"Đây là con số mà nếu không giãn cách nghiêm ngặt, xét nghiệm triệt để trên phạm vi rộng, hơn 2.400 F0 này mà lây lan ra diện rộng hơn thì nguy cơ lây nhiễm dịch ở mức độ sâu rộng đối với Đà Nẵng sẽ ở mức rất báo động", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định.
Cũng trong 20 ngày "phong thành", Đà Nẵng đã cho 1.666 bệnh nhân khỏi Covid-19 xuất viện, trong đó có rất nhiều ca bệnh nặng. Điển hình là cụ bà 101 tuổi,
Hiện, các bệnh viện đang điều trị cho 2.004 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, Bệnh viện dã chiến tại Ký túc xá phía Tây thành phố: 1.736 ca, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang: 180 ca và Bệnh viện Phổi: 88 ca. Trong đó có 75 ca bệnh nặng, 369 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 115 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2.
Thành phố cũng đang cách ly 1.632 người tại 50 cơ sở cách ly tập trung.
170 bệnh nhân khỏi Covid-19 ở Đà Nẵng được xuất viện trong ngày 4/9
Đặc biệt, hiện 2 chuỗi lây nhiễm lớn tại chợ đầu mối Hòa Cường (1.608 ca liên quan) và ổ dịch khu phong tỏa quận Sơn Trà (1.206 ca liên quan) đã được kiểm soát. Đến sáng nay, Đà Nẵng chỉ còn lại 2 chuỗi lây nhiễm nguy cơ cao.
Tính đến sáng 5/9, có 14 phường, xã không có ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp và hiện không có khu phong tỏa (vùng xanh) gồm: An Hải Bắc, An Hải Tây, Mân Thái, Phước Mỹ (quận Sơn Trà), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Nam Dương, Phước Ninh, Hải Châu 1 (quận Hải Châu), Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).
Có thể nói, xét về tổng thể, sau 20 ngày thực hiện biện pháp phong tỏa cứng toàn thành phố, Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Đà Nẵng chiều tối 4/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng khẳng định, những biện pháp giãn cách triệt để, các biện pháp phòng chống dịch mạnh trong 20 ngày qua đã đem lại kết quả tích cực.
Thời gian qua, các kiệt, hẻm tại Đà Nẵng liên tục ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới
Hiện, các kiệt, hẻm có nhiều ca mắc Covid-19 đã được tăng cường lực lượng quân đội đến tuần tra, giám sát
Ông Quảng chia sẻ, qua các đợt xét nghiệm đã tầm soát được mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Các đợt xét nghiệm cũng chứng minh đã giảm được số lượng F0 ngoài cộng đồng một cách cơ bản. Từ những số liệu này, lãnh đạo thành phố có cơ sở để đưa ra các quyết định, các phương án và biện pháp đúng sát với thực tế.
Theo đó, bắt đầu từ 8 giờ ngày 5/9, Đà Nẵng sẽ nới lỏng một số hoạt động ở vùng vàng và vùng xanh. Việc nới lỏng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản trên địa bàn, đồng thời giải quyết tư tưởng, tâm lý của người dân sau khi thực hiện phong tỏa cứng trong thời gian khá dài.
Từ 8 giờ sáng 5/9, người Đà Nẵng thuộc các trường hợp được ra khỏi nhà phải có giấy đi đường QRCode
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Đà Nẵng nhận định, dù đã qua 5 đợt xét nghiệm, nhưng nguy cơ F0 trong cộng đồng vẫn còn và những nguồn lây còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ở tất cả các lĩnh vực, các địa bàn. Trên toàn địa bàn Đà Nẵng hiện đang có 198 điểm phong tỏa cứng (vùng đỏ). Do đó, chỉ có thể thông qua xét nghiệm để tầm soát, khoanh vùng kịp thời. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục xét nghiệm để phát hiện những F0 còn lại trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong khu chung cư, kiệt hẻm. Trong đó, các phương án kiểm soát người dân tại những "điểm nóng" này như sử dụng flycam, camera an ninh để kiểm soát việc người dân "ở yên trong nhà" hay triển khai giãn dân để đề phòng nguy cơ lây nhiễm chéo, là những bước đi đã và đang mang lại hiệu quả.
Đà Nẵng di dời dân ra khỏi kiệt, hẻm có nhiều ca Covid-19 để tránh lây nhiễm chéo
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu, những ngày tới cần tập trung truy vết thật kỹ để quét hết F1 và các F liên quan. "Cần đánh giá thời gian hoàn thành cách ly đối với những trường hợp F0 nằm trong khu cách ly. Thực tế tại khách sạn và các khu cách ly có camera giám sát, người dân khai báo không gặp ai nhưng vẫn có tình trạng lây chéo", ông Chinh nhấn mạnh.
Đặc biệt, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trong những ngày tới, thành phố sẽ tiếp nhận lượng vắc xin lớn. Vì vậy, ngành y tế sẽ huy động tối đa nhân lực khoảng 2.000 người, mở rộng điểm tiêm lên 3 - 4 điểm/quận, huyện để hạn chế thấp nhất người dân đi xa và tập trung đông người.