Trong vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả và cả tại các phòng vé. Thay vì bị lấn át bởi các tác phẩm ngoại nhập như trước kia, các bộ phim Việt cũng trở thành ưu tiên của công chúng khi không chỉ nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người xem mà còn gặt hái thành công vang dội về mặt doanh thu. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực đó, phim Việt cũng đối mặt với một vấn đề lớn: sự thiếu hụt về chất lượng trong bối cảnh bùng nổ số lượng phim. Dù có sự phát triển mạnh mẽ về mặt sản lượng, nhưng nhiều tác phẩm vẫn chưa thể thoát khỏi những lối mòn trong kịch bản, thể loại và phong cách sáng tạo. Câu hỏi đặt ra là liệu điện ảnh Việt đã sẵn sàng để vươn ra ngoài khuôn khổ và thực sự tạo dựng được những dấu ấn khác biệt trong làn sóng phim ảnh toàn cầu?
Chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, điện ảnh Việt đã chứng tỏ cú bứt tốc chưa từng có về quy mô sản xuất. Nếu như trước đây, phim Việt chủ yếu ra rạp vào dịp Tết để tránh cạnh tranh với các “ông lớn” và tận dụng tâm lý thư giãn dịp lễ của khán giả, thì hiện nay phim nội địa đã có mặt quanh năm tại các cụm rạp lớn nhỏ. Thậm chí còn chiếm lĩnh cả lịch chiếu vào những mùa cao trào từng thuộc về Hollywood, cho thấy tham vọng chiếm lĩnh thị phần không chỉ vào dịp thuận lợi mà cả trong những giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất.
Theo thống kê từ Cục Điện ảnh, năm 2010 chỉ có khoảng 8 phim Việt được phát hành. Con số này tăng lên gấp 6 lần từ năm 2018, với hơn 40 phim ra rạp trong một năm. Tần suất làm phim dày đặc đến mức trung bình mỗi tháng có ít nhất 4–5 bộ phim Việt trình làng. Sự bùng nổ về số lượng cho thấy sức nóng của thị trường và mức độ cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà làm phim.
Bên cạnh tăng trưởng về số lượng, phim Việt còn ghi nhận tín hiệu đáng mừng về doanh thu. Năm 2024, theo thống kê của Box Office Việt Nam dù số lượng phim ra rạp giảm nhẹ còn 29 tác phẩm, nhưng tổng doanh thu lại tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm gần 41% thị phần phòng vé trên cả nước, một kỷ lục chưa từng có của điện ảnh Việt. Điều này cho thấy khán giả không chỉ ngày càng quan tâm đến phim nội địa mà còn sẵn sàng chi trả để ủng hộ những tác phẩm họ thấy hấp dẫn, dù cạnh tranh với loạt phim quốc tế hoành tráng. Sự xuất hiện liên tục này không chỉ cho thấy sức sống ngày càng mạnh mẽ của thị trường phim Việt, mà còn phản ánh tham vọng rõ rệt của các nhà làm phim trong việc mở rộng thị phần và khẳng định vị thế ngay trên sân nhà.
Dù điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về số lượng và doanh thu trong vài năm trở lại đây, chất lượng nội dung vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Khi thị trường bùng nổ về quy mô, khoảng trống trong chiều sâu kịch bản và sự đa dạng thể loại lại ngày càng bộc lộ rõ khuyết điểm. Sự thiếu ổn định về chất lượng không chỉ thể hiện qua phản ứng trái chiều của khán giả, mà còn được chứng minh bằng chính vòng đời ngắn ngủi của nhiều bộ phim ra rạp rồi nhanh chóng bị lãng quên.
Nếu theo dõi thị trường phim nội địa Việt thời gian qua, có thể tạm chia làm hai cực rõ rệt: một bên là các phim đề tài gia đình quen thuộc, với những gương mặt “át chủ bài” như Trấn Thành hay Lý Hải dẫn dắt; bên còn lại là trào lưu làm phim kinh dị, giật gân ngày càng lan rộng.
Ở cực thứ nhất, các bộ phim gia đình, tình cảm của Trấn Thành như Bố Già, Nhà Bà Nữ, Mai hay loạt Lật Mặt từ Lý Hải đã tạo nên dấu ấn rõ nét trên bản đồ điện ảnh Việt. Những tác phẩm này không chỉ đạt doanh thu khủng mỗi lần ra rạp, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc định hình thị hiếu số đông, kéo khán giả trở lại rạp sau một thời gian dài điện ảnh quốc nội bị thờ ơ. Công thức thành công của các bộ phim này khá rõ ràng khi lấy gia đình làm trung tâm, đẩy cảm xúc lên cao trào bằng mâu thuẫn giữa các thế hệ, và khép lại bằng thông điệp nhân văn. Sự quen thuộc trong chủ đề, cộng với khả năng nắm bắt tâm lý đại chúng tốt, khiến dòng phim này dễ chạm đến cảm xúc người xem.
Tuy nhiên, cũng chính công thức này đang trở thành "con dao hai lưỡi" khi mô-típ, cấu trúc kịch bản, cách dẫn dắt cảm xúc và kiểu nhân vật dần trở nên rập khuôn, khán giả bắt đầu cảm thấy sự trùng lặp và thiếu đột phá. Phim sau lặp lại tinh thần của phim trước, chỉ thay đổi bối cảnh hoặc tình huống bên ngoài, trong khi chiều sâu cảm xúc không còn mới mẻ. Lật Mặt 8: Vòng Tay Nắng là một minh chứng rõ rệt. Dù tiếp tục được đầu tư kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật và duy trì phong cách làm phim tốc độ cao đặc trưng của Lý Hải, phần mới nhất lại không tạo được tiếng vang như các phần trước. Phim bị đánh giá là thiếu sức nặng cảm xúc, cốt truyện khiên cưỡng và các tình tiết được xử lý vội vàng, gượng ép, khiến khán giả khó đồng cảm. Sự hụt hơi về mặt nội dung cho thấy yếu tố kỹ thuật, bối cảnh hay diễn xuất không còn đủ để “gánh” một câu chuyện thiếu đột phá.
Bên cạnh đó, ở cực đối lập khi các dòng phim kinh dị, vốn từng là "vùng đất mới" đầy hứa hẹn cho điện ảnh Việt cũng đang trở thành điểm trũng về chất lượng. Chỉ riêng năm 2024 đã có hàng loạt tác phẩm như Ma Da, Linh Miêu ra rạp, với doanh thu không hề thấp. Mặc dù những bộ phim này vay mượn chất liệu dân gian, cổ tích hay tín ngưỡng tâm linh, vốn là kho tàng văn hóa phong phú và quen thuộc với số đông khán giả nhưng thay vì tập trung khai thác câu chuyện trọn vẹn, không khí kịch tính thì các nhà làm phim lại chỉ sử dụng chúng như cái cớ để thu hút khán giả.
Chẳng hạn như Ma Da, dù có sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi như Việt Hương, Thành Lộc và Cẩm Ly, nhưng lại khiến khán giả thất vọng khi câu chuyện trong phim bị đánh giá là hời hợt, phần cao trào được xây dựng gấp gáp, và cú twist cuối cùng không đủ thuyết phục vì thiếu dẫn dắt. Trong khi đó, Linh Miêu, dù đầu tư vào bối cảnh khi phục dựng căn biệt thự 150 năm tuổi tại Huế nhưng khi xem phim lại khiến người xem bật cười nhiều hơn là sợ hãi. Việc lạm dụng jump-scare rập khuôn, kỹ xảo giả tạo và diễn xuất gượng gạo từ dàn diễn viên trẻ khiến bộ phim trở nên kém thuyết phục.
Điều đáng tiếc là khán giả Việt vốn yêu thích thể loại kinh dị, nhưng ngày càng khó tính hơn, công chúng cần nhiều hơn những cú hù dọa hay ánh sáng lập lòe, đòi hỏi một cốt truyện đủ chiều sâu, nhân vật có nội tâm rõ ràng và một thông điệp đủ sức neo lại trong lòng người xem.
Mặc dù điện ảnh Việt hiện tại đang cho thấy dấu hiệu bão hòa nhưng không vì thế mà thiếu vắng những điểm sáng. Mới đây nhất, Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu của đạo diễn Victor Vũ đã trở thành một cú hích đáng kể cho thị trường. Ngay từ khi ra mắt, Thám Tử Kiên đã gây chú ý nhờ việc khai thác thể loại trinh thám, cổ trang, một thể loại vốn hiếm hoi trong điện ảnh Việt. Câu chuyện theo chân thám tử Kiên khi điều tra một vụ án mạng bí ẩn tại làng quê hẻo lánh, từ đây chuỗi xác chết không đầu được phát hiện liên tiếp đã buộc vị thám tử phải mở ra một hành trình điều tra căng thẳng và đầy uẩn khúc.
Điều làm nên sự khác biệt của Thám Tử Kiên không chỉ nằm ở thể loại, mà còn ở cách kể chuyện thông minh và giàu chất điện ảnh. Phim từ chối dựa vào những yếu tố dễ dãi như hài hước thị trường hay các màn hù dọa rập khuôn, thay vào đó là nhịp phim chậm nhưng chặt chẽ, hình ảnh được trau chuốt kỹ lưỡng, và một không khí đặc sệt chất trinh thám phương Đông. Từng chi tiết nhỏ trong bối cảnh, từ cảnh quan thiên nhiên Cao Bằng cho đến nội thất trong từng ngôi nhà, đều được xây dựng tỉ mỉ, góp phần tạo nên cảm giác rờn rợn, cô lập và đầy sức gợi. Đặc biệt, hình tượng thám tử Kiên được xây dựng là một nhân vật ít lời, sắc sảo và giàu nội tâm cũng đã mở ra hy vọng về một biểu tượng điện ảnh mới.
Không quá khi nói rằng Thám Tử Kiên là một cú lội ngược dòng ấn tượng, khi không chỉ vượt mặt cả Lật Mặt 8 về doanh thu mà còn giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả khán giả lẫn giới chuyên môn. Bộ phim hiện đạt mốc 197 tỷ, trở thành tác phẩm ăn khách nhất trong sự nghiệp của Victor Vũ.
Sự thành công của Thám Tử Kiên cho thấy điện ảnh Việt không thể tiếp tục dựa vào số lượng phim ra rạp hay hiệu ứng nóng sốt ngắn hạn. Khán giả ngày nay cũng đã bước qua giai đoạn dễ dãi khi bắt đầu mệt mỏi với những công thức lặp lại, những tiếng cười gượng ép và quay lưng với những chiêu trò bề nổi mà không tập trung vào chất lượng nội dung. Điều họ mong chờ không chỉ là giải trí, mà là được trải nghiệm một bộ phim đúng nghĩa, nơi cảm xúc và tư duy đều được tôn trọng.
Muốn đi xa và có được lòng tin bền vững của khán giả, các nhà làm phim cần mạnh dạn thử nghiệm, đa dạng hóa thể loại và tìm kiếm chất liệu mới từ chính văn hóa, lịch sử, xã hội Việt Nam. Thay vì "làm phim để bán vé bằng mọi giá", hãy bắt đầu từ việc làm phim để kể một câu chuyện có giá trị thật sự, bằng cách tạo nên bản sắc riêng, dám thử nghiệm, và kiên trì với những đề tài tưởng chừng không dễ bán.