Cựu học sinh nói về "kỷ luật sắt" ở THPT Nguyễn Khuyến: Chúng ta đang chỉ trích đến môi trường học mà bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề

Thục Hạnh - Quang Minh, Theo Helino 07:10 15/04/2018
Chia sẻ

"Nếu mọi người đang nói đến áp lực của việc học trong một môi trường được ví là "khắc nghiệt như trong quân đội" thì riêng bản thân mình nghĩ áp lực của việc học chẳng thể nào so sánh được với áp lực của ba, của mẹ hay thậm chí của cả gia đình", một cựu học sinh THPT Nguyễn Khuyến cho biết.

Sự việc nam sinh 16 tuổi tại trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP HCM) nhảy lầu tự tử đến giờ vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, em cho biết mình quyên sinh vì áp lực học tập, áp lực về sự kỳ vọng của chính gia đình.

Cũng từ sự việc đau lòng ấy mà dư luận lại bàn nhiều về phương pháp giáo dục hàng chục năm qua của trường Nguyễn Khuyến, trong đó các cựu học sinh của nhà trường đã đồng loạt lên tiếng. Dù đã từng cùng được đào tạo dưới 1 mái trường, dưới 1 hình thức giáo dục nhưng với những cựu học sinh ấy, họ lại có nhiều đánh giá khác nhau về THPT Nguyễn Khuyến.

Cựu học sinh nói về kỷ luật sắt ở THPT Nguyễn Khuyến: Chúng ta đang chỉ trích đến môi trường học mà bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề - Ảnh 1.

Trường THPT Nguyễn Khuyến - nơi xảy ra vụ việc nam sinh lớp 10 nhảy lầu tự tử.

Trường THPT Nguyễn Khuyến nổi tiếng với "kỷ luật sắt". Tại đây, nhà trường áp dụng những nội quy riêng như học sinh không được sử dụng điện thoại di động và Internet, phụ huynh phải làm quen với việc không được gọi điện liên lạc với các con mỗi ngày. 60% học sinh nội trú trong trường chỉ được liên lạc với gia đình thông qua hệ thống điện thoại của nhà trường. 

Trên mạng xã hội, không ít cựu học sinh của trường đã chia sẻ cảm giác "nhẹ nhõm" khi mình đã tốt nghiệp.

Anh V.Q.Minh - 1 cựu học sinh của trường Nguyễn Khuyến viết trên Facebook: "Ngôi trường này chính là địa ngục trần gian chứ không phải nhà tù nữa. Tôi ghét nó".

Một vài cựu học sinh hoặc người từng trải nghiệm 1, 2 năm học trước khi chuyển sang trường khác cũng viết: "Nhà tù", "May quá tôi đã ra trường rồi", "Quá đáng sợ",...

Nhiều cựu học sinh không dành nhiều tình cảm với trường cũ - Ảnh chụp màn hình.

Thế nhưng bên cạnh những lời chê bai chỉ trích, phần lớn cựu học sinh Nguyễn Khuyến lại phản đối việc gọi ngôi trường của mình là "chạy theo thành tích" hay "học gạo", một số bạn còn cho biết, họ nhận được nhiều niềm vui và những kỷ niệm thời thanh xuân khó quên nhất dưới mái trường Nguyễn Khuyến. 

"Nơi tôi không phải lo nghĩ gì ngoài việc ăn, học và vui chơi"

Trên FB, anh D.Nguyễn viết: "NKP not Nguyễn Khuyến Prison but this is Nguyễn Khuyến Paradise (Nguyễn Khuyến không phải nhà tù mà nơi đây chính là thiên đường - PV). Đây là nơi tôi không phải lo nghĩ gì nhiều ngoài việc ăn học vui chơi. Vì vậy đừng đánh giá nó là nhà tù mà đó là nơi thanh xuân của tôi đã gửi trọn".

Tập thể lớp của anh D.Nguyễn tại trường Nguyễn Khuyến - Ảnh: FB D.Nguyễn

Cùng quan điểm như anh D.Nguyễn, anh L.T.Đạt cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm đẹp của mình tại mái trường Nguyễn Khuyến nơi anh từng học tập.

"Mình là cựu học sinh trường Nguyễn Khuyến, sau khi ra trường mình vẫn phát triển một cách có tư duy và là người có ích cho xã hội! 

Nếu mọi người đang nói đến áp lực của việc học trong một môi trường được ví là "khắc nghiệt như trong quân đội" thì riêng bản thân mình nghĩ áp lực của việc học chẳng thể nào so sánh được với áp lực của ba, của mẹ hay thậm chí của cả gia đình, dòng họ khi phải mỗi tháng gồng gánh chi trả học phí cho con, em mình học thành tài tại ngôi trường tốt.

Việc một nam học sinh tự tử không thể chỉ trích mỗi việc môi trường học của em ấy có vấn đề, còn xuất phát từ gia đình, xuất phát từ xã hội và dường như chúng ta đang chỉ trích đến mỗi cái môi trường mà bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề" - anh L.T.Đạt viết trên Facebook.

Cựu học sinh nói về kỷ luật sắt ở THPT Nguyễn Khuyến: Chúng ta đang chỉ trích đến môi trường học mà bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề - Ảnh 4.

Chia sẻ của anh L.T.Đạt - Ảnh chụp màn hình.

Từng bị thầy cô đánh vào mông, nhưng không phải vì trù dập hay thù ghét

Có 2 người anh họ và chính bản thân mình cũng là cựu học sinh trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, anh T.Q.Minh cũng đưa ra một góc nhìn khác về "kỷ luật sắt" ở trường. Anh Minh cho biết trong 2 người anh của anh thì một người học đến lớp 8 thì bị đuổi khỏi trường vì học hành chểnh mảng và vi phạm kỉ luật, người còn lại thì đã tốt nghiệp và đỗ hai trường đại học. Vậy sự khác biệt ở đây là gì?

Anh Minh thừa nhận lý do ba mẹ gửi anh vào trường Nguyễn Khuyến từ năm lớp 8 chỉ vì "người nhà nói thầy cô sẽ đánh đòn học sinh nếu vi phạm kỉ luật. Ba mẹ tôi đồng ý với điều này và tôi chính thức vào học tại Nguyễn Khuyến".

Theo anh Minh, chương trình lớp 8 tại Nguyễn Khuyến thường như bao ngôi trường cấp hai khác, có phân loại học sinh để có thể có cách tiếp cận tốt nhất. Dù cho áp lực học tập chưa có nhiều nhưng anh cũng dần làm quen với sự nghiêm khắc của thầy cô giáo. 

"Nếu vi phạm kỉ luật, các học sinh sẽ bị đánh đòn, dùng cây đánh vào mông. Nhưng tôi không thấy sự trù dập hay thù ghét cá nhân nào cả, các thầy cô làm vậy cũng chỉ muốn học sinh tốt hơn. Tôi học chung với con trai của cô giáo chủ nhiệm, cô rất quý tôi. Và lúc sau, tôi mới phát hiện ra chính cô là người đuổi học anh họ của mình", anh kể.

Cựu học sinh nói về kỷ luật sắt ở THPT Nguyễn Khuyến: Chúng ta đang chỉ trích đến môi trường học mà bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề - Ảnh 5.

Các học sinh trường Nguyễn Khuyến.

Khi vào lớp 9, anh Minh mới thực sự trải nghiệm quá trình học gian khổ của Nguyễn Khuyến. Chỉ trong một học kỳ từ tháng 9 đến tháng 12, các học sinh đã học xong chương trình của toàn lớp 9. Từ sau tháng 12 đến tháng 5 là chương trình ôn luyện để thi tốt nghiệp và thi vào cấp 3. Lịch học lúc này bắt đầu thay đổi, học sinh phải học từ 6h sáng cho đến 10h đêm. Khối 12 còn có lịch học còn dày đặc hơn, ăn ngủ tại trường, chỉ đến ngày chủ nhật mới được về nhà. 

Từ sáng đến chiều, học sinh học những dạng bài nâng cao, từ chiều tối đến đêm là lúc để ôn luyện những dạng bài trọng điểm cho kì thi tốt nghiệp. Thầy cô có thể gọi bạn lên bất cứ lúc nào để kiểm tra, nếu không thuộc bài thì sẽ bị phạt và đánh đòn.

"Đối với nhiều học sinh khác, có lẽ lịch học này sẽ khiến cho họ cảm thấy quá sức. Tuy nhiên, thời gian học buổi tối thực ra không quá kinh khủng như vậy, đây cũng là lúc cả lớp có thể nói chuyện với nhau nhiều hơn. Thầy chủ nhiệm của chúng tôi, lúc này cũng cởi mở rất nhiều với học sinh. Thầy kể chuyện về gia đình, nói việc khi lên cấp 3 thì cuộc sống của bọn em sẽ khác rất nhiều. Nó sẽ là quãng thời gian trải qua rất nhanh nhưng cũng chính là thời điểm quan trọng nhất để nghĩ về việc mình phải trở thành một con người như thế nào", anh Minh chia sẻ.

Cựu học sinh nói về kỷ luật sắt ở THPT Nguyễn Khuyến: Chúng ta đang chỉ trích đến môi trường học mà bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề - Ảnh 6.

Học sinh trường Nguyễn Khuyến trong giờ ra chơi. Ảnh: Facebook.

Học sinh dành 14 tiếng để học thì thầy cô cũng mất chừng đó thời gian để kèm cặp

Anh Minh quan niệm rằng, nói đi cũng phải nói lại, một ngày có 24 tiếng, học sinh dành ra 14 tiếng để học, thì thầy cô giáo của cũng mất chừng đó thời gian để kèm cặp và uốn nắn. "Có lần khi trên đường từ trường về nhà, tôi có đi qua công viên và chợt thấy thầy giáo của mình đi cùng bạn gái. Còn nghe loáng thoáng cô bạn gái phàn nàn về việc tại sao lúc nào đến gần nửa đêm mới được gặp nhau. Thầy giáo tôi chỉ cười mà không nói gì".

Càng gần đến ngày thi thì những buổi kiểm tra cũng dồn dập hơn. Tuần nào cũng vậy, hai ngày thứ 7 và Chủ Nhật sẽ là lúc học sinh phải thi thử 6 môn tốt nghiệp. Bất kì điểm thi môn nào dưới 7 cũng sẽ bị kỉ luật. Lúc đó, Sinh Học là một trong những môn thi tốt nghiệp, đề thi sẽ có phần vẽ hình các bộ phận cơ thể người. Đề cương thi gồm có 6 hình phải nhớ và mỗi học sinh lớp 9 trường Nguyễn Khuyến khi đó, vẽ mỗi hình không dưới hàng trăm lần.

Cựu học sinh nói về kỷ luật sắt ở THPT Nguyễn Khuyến: Chúng ta đang chỉ trích đến môi trường học mà bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề - Ảnh 7.

Các em học sinh bịn rịn trong khoảnh khắc tốt nghiệp, chia tay bạn bè. Ảnh: Facebook.

Theo anh Minh, áp lực từ việc thi cử, từ thầy cô giáo và và gia đình là rất lớn. Giờ tan học cũng là lúc có nhiều bạn mệt lả. Nhưng như vậy cũng không là gì so với các anh chị lớp 12. Họ ở lại trường, phải thức dậy từ rất sớm, mỗi người cầm một quyển sách và một cái ghế nhựa, ra ngồi ở góc cầu thang và học. Các thầy cô cũng nghiêm khắc hơn rất nhiều. Thầy giáo cũng luôn lấy các anh chị khối trên làm gương và tìm cách động viên học sinh khối dưới.

Trong suốt thời gian đó, anh Minh cũng nhiều lần tự hỏi rằng phải học nhiều như vậy liệu có kết quả gì hay không. Nhưng chỉ đến ngày thi, anh mới thấy câu trả lời của mình. Tại trường thi, nếu như các học sinh trường khác vẫn lo lắng khi cầm trên tay sách vở để xem lại kiến thức trước giờ thi thì học sinh Nguyễn Khuyến ai cũng vui vẻ và ngồi nói chuyện vui vẻ. Đề thi lúc này, chỉ đơn giản là những bài kiểm tra bạn đã làm hàng trăm lần. Và năm đó, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cũng như đại học của trường Nguyễn Khuyến không dưới 95%.

Cựu học sinh nói về kỷ luật sắt ở THPT Nguyễn Khuyến: Chúng ta đang chỉ trích đến môi trường học mà bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề - Ảnh 8.

"Học sinh ở lại trường phải thức dậy từ rất sớm, mỗi người cầm một quyển sách và một cái ghế nhựa ra ngồi học"- Ảnh: Nguyen Khuyen Confession.

Trong suốt thời gian học tại Nguyễn Khuyến, anh Minh cũng cảm thấy may mắn khi gia đình đã không tạo ra quá nhiều áp lực vì sự tin tưởng dành cho trường Nguyễn Khuyến. "Các thầy cô giáo cũng tin vào học lực của tôi và quan trọng hơn rằng tôi cũng tin vào việc mình sẽ thi đỗ. Bên việc học kiến thức, tôi tin rằng việc tạo ra sự tự tin cho học sinh cũng quan trọng không kém. Việc tạo ra áp lực lên học sinh là cần thiết, nhưng nó cần phải có giới hạn, gia đình cũng phải biết học lực của con em mình đang ở mức nào và có một hướng đi đúng đắn. Tôi đồng tình với ý kiến của thầy hiệu trưởng Lê Trọng Tín khi nói rằng các học sinh Nguyễn Khuyến đỗ cao không chỉ vì thích nghi được với sự nghiêm khắc của nhà trường mà còn cảm thấy thoải mái với môi trường học như thế này", anh Minh nói.

Trước đó, trong buổi họp thông tin với báo chí vào ngày 12/4, thầy Hiệu trưởng Lê Trọng Tín cho biết, vì kỳ vọng của phụ huynh đặt vào con rất nhiều nên nhà trường phải nỗ lực dạy dỗ. So với trường bạn thì thời gian học và khối lượng kiến thức mà học sinh trường Nguyễn Khuyến có được sẽ nhiều hơn.

"Vấn đề ở đây không phải là phương pháp dạy mà là đại bộ phận các em có thích nghi được hay không. Đa phần các em đỗ cao không chỉ vì các em thích nghi được mà còn cảm thấy thoải mái với môi trường học như thế này" - thầy Tín cho biết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày