Ngày 4/12, Sina đưa tin nữ sĩ Quỳnh Dao đã quyết định tự tử tại nhà riêng để kết thúc cuộc đời mình theo cách bà mong muốn.
Nữ văn sĩ được mệnh danh là "bà hoàng dòng tiểu thuyết ngôn tình" Trung Quốc đã sống một cuộc đời rực rỡ, tiếng tăm như "ánh lửa cháy hết mình" nhưng cũng nhiều tranh cãi.
Đầu tiên có thể kể đến việc Quỳnh Dao luôn mang danh là người thứ ba chen chân vào gia đình của ông Bình Hâm Đào.
Cả hai gặp nhau khi nhà văn tìm nhà xuất bản cho cuốn sách đầu tiên mang tên Song Ngoại của mình. Lúc này, Bình Hâm Đào là tổng biên tập của tạp chí Hoàng Quán, đã hết lòng giúp đỡ Quỳnh Dao có được thành công đầu tiên trên văn đàn.
Quỳnh Dao khi đó đã trải qua một cuộc hôn nhân. Bà biết ông Bình Hâm Đào đã có gia đình, nhưng trong suy nghĩ của nhà văn chuyện tình yêu là vấn đề cảm tình, không phụ thuộc vào đạo đức, quan niệm xã hội. Chính vì vậy, Quỳnh Dao chấp nhận sống bên Bình Hâm Đào suốt 8 năm, cho đến khi người vợ chính thức của ông quyết định buông bỏ để hai người đến với nhau.
Sự việc này mãi là vết nhơ trong cuộc đời Quỳnh Dao, khiến nhiều khán giả có cái nhìn thiếu tích cực với bà. Đồng thời, cũng do tư tưởng coi chuyện tình yêu là quan trọng hơn tất cả nên các nhân vật trong tiểu thuyết của Quỳnh Dao luôn có cách hành xử cảm tính, lụy tình với sự hy sinh vô điều kiện của nữ giới.
Những nhân vật này không còn phù hợp tư tưởng cấp tiến của thời đại mới khi phụ nữ trở nên độc lập, tự chủ hơn, không phụ thuộc vào đàn ông. Do đó, công chúng cho rằng tiểu thuyết của Quỳnh Dao đã lỗi thời.
Những bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của bà như Tân dòng sông ly biệt, Một thoáng mộng mơ, Xóm vắng... trước kia từng được coi là kinh điển, được chiếu đi chiếu lại hàng nghìn lần, nhưng hiện nay không còn được ưa chuộng.
Dẫu vậy, Quỳnh Dao vẫn có công trong việc lăng xê hàng loạt mỹ nhân nổi tiếng nhất giới giải trí Hoa ngữ như Lưu Tuyết Hoa, Tưởng Cần Cần, Trần Đức Dung, Triệu Vy , Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng ... hay các tài tử Tô Hữu Bằng, Tần Hán, Lưu Đức Khải...
Bên cạnh đó, Quỳnh Dao còn từng gây tranh cãi về việc không muốn chữa bệnh cho chồng vào năm 2017.
Khi ông Bình Hâm Đào bị bệnh nặng ở tuổi 90, nữ nhà văn kiên quyết phản đối việc đặt ống dẫn thức ăn qua mũi để kéo dài sự sống cho chồng. Việc này vấp phải ý kiến phản đối của con riêng ông Bình Hâm Đào. Họ cho rằng cha đã mất trí nhớ, Quỳnh Dao không có quyền tự ý quyết định sinh mệnh của ông, đồng thời chỉ trích việc Quỳnh Dao là người phá hoại gia đình họ.
Sau đó, Quỳnh Dao quyết định trao quyền chăm sóc chồng cho hai con riêng. Nữ sĩ chia sẻ nhà họ Bình được giàu có sung túc là nhờ công của bà. Bà và chồng đã cùng làm việc viết sách làm phim, các con riêng cũng mở công ty sản xuất phim và nhận tiền từ chính những tác phẩm do Quỳnh Dao viết.
"Không có tôi thì không có công ty, nhưng tôi để ông ấy có tất cả hào quang, vì tôi yêu ông ấy. Giờ đây ngẫm lại, 50 năm qua là một giấc mơ, tôi chẳng còn gì cả", Quỳnh Dao viết.
Cuối cùng, nữ nhà văn căn dặn hai con của mình khi bà già yếu nhưng vẫn còn minh mẫn thì hãy để bà tự quyết định điểm dừng cho cuộc đời mình. Nữ sĩ yêu cầu con cái không được tự quyết việc phẫu thuật hay đặt các loại ống hỗ trợ sự sống. Thậm chí, Quỳnh Dao dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã, không làm giỗ, không cúng bái tiết Thanh Minh.
Chính vì có suy nghĩ như vậy, Quỳnh Dao đã quyết định tự sắp xếp hậu sự cho mình. Bà gọi điện cho trợ lý tới nhà sau khi hoàn tất quá trình chuẩn bị tự tử, viết sẵn di thư an ủi người ở lại.
Quỳnh Dao từng nói: "Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình tới phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi".