Với những chai nước màu đen có hình dáng uốn lượn đẹp mắt, Coca-Cola đã để lại trong lòng người tiêu dùng một ấn tượng khó quên về một thương hiệu nước giải khát phủ khắp toàn cầu. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Coca-Cola còn chịu chi hàng triệu triệu đô-la vào việc quảng cáo cũng như các phát minh mới nhất nhằm biến thương hiệu này trở thành một trong những nhãn hiệu nổi bật hàng đầu thế giới. Nổi tiếng nhất có lẽ là việc Coca-Cola trở thành gương mặt quảng cáo quen thuộc trong dịp Giáng sinh. Rất nhiều clip quảng cáo trên TV cũng như trên các mặt báo đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người mỗi khi dịp năm mới đến.
Trụ sở hiện tại của tập đoàn Coca-Cola tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ.
Tuy vậy, số phận của John Pemberton, cha đẻ của công thức pha chế Coca-Cola, người anh hùng đứng đằng sau thành công vượt bậc của đế chế nước giải khát này, lại có cuộc sống vô cùng cơ cực và bất hạnh cho đến cuối đời. Vốn xuất thân là một dược sĩ, ông từng tham chiến vào cuộc Nội chiến ở Mỹ với tư cách là lính của Liên bang miền Nam. Vào tháng 4/1865, Pemberton khi đó đang tham gia trận đánh Columbus, được ví như là trận đánh cuối cùng của cuộc Nội chiến. Ông không may bị dính một vét chém chí tử vào vùng ngực và phải viện đến thuốc giảm đau moóc-phin để cầm cự trong một khoảng thời gian dài. Dần dần, chính ông cũng xuất hiệu triệu chứng của bệnh nghiện moóc-phin nặng.
Để chữa trị căn bệnh này, Pemberton quyết định vận dụng kiến thức về y học của mình để sáng chế ra thuốc điều trị, dựa trên nhiều loại thảo dược khác nhau. Trong đó có cả tinh chất của cây cacao. Vào năm 1866, tức là chỉ 1 năm sau khi trận chiến ở Columbus kết thúc, ông đã đưa ra thị trường một loại đồ uống có cồn lấy tên gọi là "Rượu Cacao của Pemberton". Nơi sản xuất được đặt tại một hiệu thuốc tư nhân có tên là "Pemberton’s Eagle and Drug House" do chính ông làm chủ.
Chân dung John Pemberton
Theo những gì được quảng cáo, loại đồ uống trên có công dụng không khác gì một chất giảm đau, chống trầm cảm và kiêm cả thuốc tráng dương. Điều này khiến nó bỗng chốc nhận được sự quan tâm đặc biệt đến từ người tiêu dùng.
Tuy vậy, mọi thứ xoay chuyển một cách nhanh chóng khi vào năm 1886, chính quyền Hạt Atlanta quyết định thông qua luật hạn chế đồ uống có cồn, nói cách khác là cư dân sinh sống ở địa phương không được phép sản xuất hay mua bán các loại rượu bia nói chung. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới công việc kinh doanh của Pemberton, buộc ông phải điều chỉnh công thức để biến sản phẩm của mình trở thành một loại nước giải khát không chứa cồn.
Quảng cáo treo trước cửa hàng y dược của Pemberton
Ông quyết định đăng ký bản quyền cho tên gọi Coca-Cola và tiếp tục hoàn thiện công thức trứ danh của mình với sự hỗ trợ từ một người bạn lâu năm có tên Willis E. Venable. Cả hai ban đầu chỉ có ý định quảng cáo sản phẩm của mình như một loại thuốc y dược mà thôi, nhưng sau một lần vô tình trộn lẫn dung dịch sirô ấy với nước có ga, họ quyết định sẽ cung cấp ra thị trường sản phẩm nước giải khát như chúng ta thấy ngày nay.
Trái ngược với dự đoán của chính Pemberton rằng một ngày nào đó thức uống này sẽ trở thành "đồ uống của toàn dân", ban đầu Coca-Cola chưa thực sự thu hút được nhiều người tiêu dùng, dẫn đến việc Pemberton buộc phải bán bản quyền sáng chế công thức bí ẩn này cho các đối tác kinh doanh khác ở thành phố Atlanta. Điều không may là ở chỗ Coca-Cola không những không có tác dụng chữa trị chứng nghiện moóc-phin của Pemberton mà nó còn làm cho tình trạng sức khỏe của ông trở nên thêm trầm trọng.
Được coi như phiếu quà tặng đầu tiên trên thế giới, chiếc coupon tặng một cốc Coca-Cola miễn phí này được phân phối lần đầu tiên vào năm 1888 nhằm giúp sản phẩm được phổ biến hơn trong lòng người tiêu dùng. Đến năm 1913, công ty Coca-Cola đã thu về gần 8,5 triệu phiếu các loại.
Hồi đó, moóc-phin là một loại hợp chất vô cùng đắt đỏ, thế nên Pemberton đã phải tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ chỉ để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Ông ra đi vì căn bệnh ung thư dạ dày vào năm 1888, trong tình trạng ốm kiệt quệ và trong túi không còn một đồng xu nào.
Sinh thời, Pemberton từng có ý định sẽ để lại phần lớn số cổ phần cho người con trai cả của mình, Charles Pemberton, nhằm nắm quyền điều hành công ty. Thế nhưng điều không may cho những lớp thế hệ kế cận của gia đình nhà Pemberton, cậu con trai Charles, vốn cùng là một kẻ nghiện moóc-phin nặng, đã quyết định bán toàn bộ số cổ phần ấy cho tập đoàn Coca-Cola. Người này cũng qua đời chỉ 6 năm sau cái chết của bố và cả hai đều không bao giờ còn có cơ hội được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Coca-Cola những năm sau đó.
Một mẩu quảng cáo Coca-Cola thuở sơ khai
Nguồn: The Vintage News