Cùng TS.BS Nguyễn Thanh Sơn tìm hiểu về biếng ăn tâm lý ở trẻ và cách khắc phục

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 22/09/2022

Không chỉ do đã ăn no trước đó, biếng ăn ở trẻ nhiều lúc còn là một "bệnh" tâm lý với những biến chứng khôn lường nếu không được nắm bắt, giải quyết kịp thời. Hãy cùng tham khảo ý kiến của TS.BS Nguyễn Thanh Sơn về lý do và cách khắc phục cho tình trạng này nhé!

Xin chào bác sĩ Sơn, bác sĩ có thể cho biết bệnh biếng ăn ở trẻ thường có những biểu hiện nào và liệu có dễ để phát hiện không ạ?

Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở mọi lứa tuổi, bất kể trẻ nhỏ hay người lớn. Các bé khi biếng ăn sẽ có một số hiểu biện đặc trưng, mẹ chỉ cần chú ý quan sát một chút là nhận biết được ngay.

Thứ nhất, thường xuyên không chịu ăn hết khẩu phần ăn của mình hoặc ngồi lâu, kéo dài bữa ăn đến hơn 30 phút/bữa.

Thứ hai, hay ngậm thức ăn trong miệng, không chịu nhai và nuốt.

Thứ ba, ăn ít hơn ½ khẩu phần ăn thông thường theo đúng tuổi của mình hoặc từ chối không chịu ăn. 

Thứ tư, khi nhìn thấy thức ăn có phản ứng nôn ọe, gào thét, khóc lóc, từ chối không chịu ăn mặc dù mẹ đã dỗ bằng rất nhiều cách.

Thứ năm, không tăng cân liên tục trong 3 tháng liền. Để phát hiện điều này, mẹ cần thường xuyên kiểm tra cân nặng của con.

Ngoài ra, tùy theo cách biểu hiện của từng bé mà có thêm dấu hiệu khác. Nhưng, nếu có từ hai biểu hiện trên đây trở lên thì có thể xác định con đang mắc chứng biếng ăn.

Cùng TS.BS Nguyễn Thanh Sơn tìm hiểu về biếng ăn tâm lý ở trẻ và cách khắc phục - Ảnh 1.

Trên các cộng đồng hỗ trợ sức khỏe mẹ bé của mình, BS.TS Nguyễn Thanh Sơn nhận được rất nhiều câu hỏi về chứng biếng ăn ở trẻ

Được biết, biếng ăn nhiều lúc còn xuất phát từ mặt tâm lý. Vậy theo bác sĩ, biếng ăn tâm lý là như thế nào và nguyên nhân chủ yếu gây ra là gì ạ? 

Hiểu rất đơn giản, biếng ăn tâm lý là tình trạng con chán ăn do bị tác động từ yếu tố tâm lý, tâm trạng.

Thông thường, các mẹ hay có xu hướng ép con theo khuôn khổ nào đó như phải ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn, mang khăn ăn hoặc giao "khoán" thời gian phải hoàn thành bữa ăn, cho thuốc vào luôn bữa ăn, sữa của bé,... Về lâu dài, những điều này sẽ khiến con cảm thấy không thoải mái, không còn hứng thú với việc ăn uống nữa.

Nhiều lúc, không khí bữa ăn quá căng thẳng, con bị kể tội, nói xấu, nhắc nhở nhiều,... và các yếu tố về môi trường xung quanh khác cũng có thể là nguyên nhân làm cho con bị tâm lý, dẫn đến chán ăn.

Trẻ mắc chứng biếng ăn, đặc biệt do tâm lý nếu kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và hệ miễn dịch của con. Có những cách nào để khắc phục tình trạng này thưa bác sĩ?

Có thể thấy, nguyên nhân của tình trạng này không đâu xa mà xuất phát từ chính các bậc phụ huynh. Cha mẹ cần nắm bắt đúng về biếng ăn tâm lý ở trẻ và đưa ra giải pháp phù hợp.

Mẹ nên cho con ăn, uống theo cữ cố định, mỗi bữa tối đa 30 phút nhưng để con ăn theo nhu cầu, không ép buộc. Sau 30 phút dọn đồ ăn đi và không giữ tâm lý con chưa ăn đủ thì bù lại bằng cách cho uống sữa, ăn vặt.

Cùng TS.BS Nguyễn Thanh Sơn tìm hiểu về biếng ăn tâm lý ở trẻ và cách khắc phục - Ảnh 2.

Biếng ăn tâm lý ở trẻ - nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ

Các bữa ăn cũng cần đảm bảo cân bằng chất dinh dưỡng, giảm đồ ăn có nhiều chất béo. Đồng thời, không để con bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như xem phim, hoạt hình, đi rong,... Những điều này sẽ hình thành thói quen không tốt - bữa ăn phải làm đúng như thế thì con mới ăn nhiều.

Một câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất nhiều từ các mẹ chính là "Làm thế nào để đề phòng biếng ăn tâm lý ở trẻ?". Bác sĩ có thể chia sẻ thêm phương pháp hiệu quả giúp mẹ bỉm giải quyết nỗi lo này không ạ?

Muốn đề phòng biếng ăn tâm lý ở bé, ngay từ đầu mẹ nên xây dựng một nếp ăn uống hợp lý, cho con ăn bổ sung đúng thời điểm vào khoảng tháng tuổi thứ 6, không sớm hoặc muộn hơn.

Từng lứa tuổi sẽ có số cữ và lượng ăn khác nhau, mẹ cần chú ý tìm hiểu và đảm bảo cho con ăn khẩu phần phù hợp, vừa đủ. Cho ăn quá nhiều sẽ làm con có tâm lý sợ ăn.

Mỗi bữa ăn đều phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thay đổi đa dạng loại thức ăn để phòng tránh việc thừa hoặc thiếu vitamin, khoáng chất.

Khi ăn nên hạn chế các yếu tố gây mất tập trung như xem tivi, hoạt hình, đồ chơi,... và nếu con không muốn ăn nữa thì cho dừng, không nên ép buộc.

Cùng TS.BS Nguyễn Thanh Sơn tìm hiểu về biếng ăn tâm lý ở trẻ và cách khắc phục - Ảnh 3.

Theo bác sĩ Sơn, cha mẹ nên hình thành nếp ăn uống tốt để đề phòng biếng ăn tâm lý ở trẻ

Lời khen ngợi, không khí vui vẻ trong bữa cũng có thể tạo cho con tâm lý thoải mái khi nhìn thấy thức ăn và được ăn. Tôi hi vọng các mẹ sẽ chú ý những điều này và thực hiện các biện pháp đề phòng thật sớm.

Vâng ạ, xin cảm ơn bác sĩ Sơn đã dành thời gian chia sẻ những thông tin quý báu về biếng ăn tâm lý ở trẻ. Chúc bác luôn mạnh khỏe và công tác tốt! 

Thông tin liên hệ:

Fanpage: https://www.facebook.com/BSNguyenThanhSon

Group: https://www.facebook.com/groups/reviewsuacongthucnaotot