Thông thường, mọi người thường lựa chọn tắm rửa vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy, hoặc buổi chiều tối, khi đi làm về. Đây không chỉ là hoạt động thường ngày để làm sạch, đồng thời cũng giúp chúng ta thư giãn, đánh thức cơ thể.
Tuy nhiên, nếu bạn mắc phải những sai lầm này thì vô tình khiến việc tắm rửa trở nên nguy hiểm cho sức khỏe.
1. Tắm quá thường xuyên
Nhiều người ưa sạch sẽ, hoặc thích tắm rửa nên thường dành nhiều thời gian khác nhau trong ngày để tắm. Đặc biệt, vào những ngày thời tiết nắng nóng, mọi người dễ đổ mồ hôi và cảm thấy cả người khó chịu, việc tắm nhiều lần trong ngày thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, vệ sinh quá kỹ có thể làm mất lớp dầu tự nhiên trên da, cũng như tổn thương lớp sừng - tầng bảo vệ trên bề mặt da. Như vậy, hàng rào bảo vệ của da trở nên yếu đi. Làn da vừa trở nên thô ráp, vừa giảm khả năng chống lại vi trùng lạ, gây nguy cơ nhiễm khuẩn trên da.
Thậm chí, tiến sĩ Brandon Mitchell, phó giáo sư da liễu tại Đại học George Washington (Mỹ), cho rằng mỗi ngày đều tắm là không cần thiết. Tần suất tắm tốt nhất chỉ khoảng vài lần mỗi tuần, ông cho biết.
2. Không vệ sinh khăn tắm, bông tắm
Nhiều người thường phơi và cất khăn tắm, bông tắm hoặc các sản phẩm tắm khác trong chính không gian nhà tắm cho tiện. Tuy nhiên, đây là môi trường chứa nhiều độ ẩm, thích hợp để các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Chúng có thể lẩn trốn ngay trong các sản phẩm tắm của bạn.
Do đó, nếu không được vệ sinh thường xuyên, phơi khô ở nơi có ánh nắng mặt trời để diệt khuẩn thì đây là một “ổ vi khuẩn” đáng sợ. Bạn sử dụng chúng trong khi tắm, chẳng những cơ thể không sạch hơn, mà còn vô tình giúp vi khuẩn tiếp cận cơ thể dễ dàng hơn.
3. Dùng quá nhiều xà phòng, sữa tắm
Mức độ tiết dầu trên da có sự khác nhau ở mỗi bộ phận cơ thể. Khi sử dụng nhiều xà phòng, sữa tắm lên các vùng da ít tiết dầu sẽ khiến lớp lipit trên bề mặt da phục hồi không kịp và mất đi, da sẽ trở nên khô. Đặc biệt, đối với những người có cơ địa chàm hay da nhạy cảm, da sẽ trở nên khô bị bong tróc, đỏ gây ngứa ngáy khó chịu, có thể diễn tiến tới bệnh dị ứng da.
Tiến sĩ Mitchell cho rằng, mọi người không nên thoa xà phòng hay sữa tắm khắp người khi tắm mà chỉ nên ưu tiên tập trung vào những nơi có mùi hôi như nách hoặc chân.
4. Rửa mặt trực tiếp dưới vòi sen mạnh
Da mặt vốn rất mỏng manh, nhất là đối với những người có làn da nhạy cảm nên việc rửa mặt trực tiếp bằng vòi hoa sen sẽ gây kích ứng mạnh hơn. Thói quen này thậm chí có thể gây vỡ mao mạch da mặt, khiến da mẩn đỏ và dễ bị dị ứng nhiều hơn.
5. Tắm gội cùng một lúc
Nhiều người thường tắm, gội cùng một lúc để tiết kiệm thời gian. Thậm chí, họ còn dùng chung một loại xà phòng cho cả đầu, mặt và cơ thể. Điều này gây hại cho da không hề nhỏ.
Thứ tự tắm phù hợp nhất là: rửa mặt, tắm gội toàn thân, sau đó mới gội đầu. Hơi nóng trong phòng tắm sẽ làm giãn nở lỗ chân lông trên da, nếu rửa mặt trước sẽ giúp lỗ chân lông trên mặt không bị bít kín bởi bụi bẩn. Sau đó, bạn nên gội đầu sau cùng để tránh máu lưu thông kém, dễ gây ra các bệnh về mạch máu não.
Tắm trước khi gội giúp cơ thể quen với nhiệt độ nước, đem lại tác dụng tích cực hơn trong việc lưu thông tuần hoàn máu, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thống thần kinh
6. Chà mạnh cho sạch
Để làm sạch, nhiều người dùng khăn bông hoặc bông tắm chà xát khi tắm. Điều này sẽ phá hủy hàng rào bảo vệ của da. Lớp tế bào sừng chưa hoàn toàn sừng hóa trên da có thể bị bong tróc, không thể bảo vệ da khỏi các nhân tố gây hại ở môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, lớp sừng cũng đóng vai trò ngăn cản sự thất thoát chất dinh dưỡng của cơ thể, đặc biệt là nước. Nhờ có lớp sừng, người lớn chỉ mất khoảng 240-480ml nước mỗi ngày qua da. Nếu lớp tế bào này bị tổn thương, lượng nước mất đi sẽ tăng hơn 10 lần.
Do đó, chỉ nên chà xát kỹ càng ở những vùng có lớp biểu bì dày như đầu gối, gót chân… Nên sử dụng khăn mềm cho những vùng da còn lại trên cơ thể.
Sau khi hiểu những sai lầm dễ mắc phải trong khi tắm rửa hàng ngày, mọi người cũng cần có biết những lưu ý sau đây:
Về số lần tắm: Trong mùa hè, nhiệt độ cao dễ đổ mồ hôi, có thể tắm một ngày một lần, nhưng vào các mùa khác nên tùy theo tình hình cụ thể mà điều chỉnh. Đặc biệt, người già và trẻ nhỏ có thể giảm tần suất phù hợp.
Về thời gian tắm: Không nên tắm quá 30 phút vì sẽ gây thiếu oxy, thiếu máu cục bộ cho tim và não, đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi.
Về nhiệt độ nước tắm: Cần được kiểm soát phù hợp, tốt nhất là gần với nhiệt độ cơ thể người. Nhiệt độ nước quá cao sẽ gây giãn mạch và ảnh hưởng đến dòng chảy của mạch, dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Nước lạnh có thể gây cảm lạnh hoặc chuột rút.
*Theo Sohu, Dailymail