Covid-19 rất đáng ghét nhưng nhờ dịch bệnh, bóng đá Việt Nam có thời gian xoá bỏ "cạm bẫy" trên sân cỏ

NHÂN VĂN, Theo Trí Thức Trẻ 20:00 01/04/2020
Chia sẻ

Khoảng thời gian tạm dừng vì dịch Covid-19 là thời điểm bóng đá Việt Nam có thể cải thiện nhiều khâu và nhận ra sự sẻ chia giữa CLB với cầu thủ.

Khi mặt sân không còn là cạm bẫy

Thông tin SVĐ Vinh được cải tạo dù không thu hút được nhiều sự chú ý từ dư luận nhưng với nhiều cầu thủ, đấy là tin vui. Họ vui vì một nơi từng được coi là "thánh địa" của V.League được cải tạo, tạm thoát khỏi cái danh "hiểm địa". Quan trọng hơn, họ hạnh phúc vì không còn phải nơm nớp lo sợ chấn thương mỗi lần thi đấu ở nơi ấy

Sau trận SLNA gặp Bình Dương ở vòng 2 V.League 2020, mặt sân Vinh lại trở thành tâm điểm bàn luận. "Nhếch nhác" và "tối om" là hai từ được dùng để miêu tả. "Vì những đôi chân lành lặn" là thông điệp được lan toả trên nhiều diễn đàn bóng đá sau đó. Những lo ngại dành cho đôi chân – "cần câu cơm" của các cầu thủ Việt Nam lâu rồi mới được đẩy lên thành một làn sóng lớn đến thế. Nhiều người còn tự đặt câu hỏi có thể đây chính là nguyên nhân khiến tiền đạo tài năng Phan Văn Đức gặp chấn thương đứt dây chằng vào giữa năm 2019.

SLNA bị lên án mạnh mẽ khi không cải tạo mặt cỏ sân Vinh. Sự nghiệp của những tài năng như Phan Văn Đức có thể bị ảnh hưởng nặng nếu còn tiếp tục thi đấu trên mặt sân như vậy. Ảnh: VPF. 

Đại dịch Covid-19 đem đến nhiều mặt tối cho đời sống xã hội nhưng cũng nhờ nó mà câu chuyện mặt sân được quan tâm hơn cả. Và chính trong khoảng thời gian tất cả các giải thể thao ở Việt Nam tạm dừng, lãnh đạo SLNA có vừa đủ thời gian để cải tạo tạm thời mặt cỏ, xoá đi những "cạm bẫy" đối với cầu thủ.

Không chỉ sân Vinh, SVĐ Lạch Tray (Hải Phòng), SVĐ Thanh Hoá cũng được phủ lên một diện mạo mới. Đấy là niềm vui nho nhỏ nhưng là hành động cần thiết để bảo vệ những nhân vật chính, đồng thời đem lại các trận đấu chất lượng hơn cho khán giả.

Bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp hơn 20 năm nhưng chuyện "cái sân xấu", "nhà vệ sinh bẩn" vẫn gây nhiều nhức nhối. Hào quang từ VCK U23 châu Á 2018 bắt đầu giảm nhiệt, từ đấy, người ta nhận ra bóng đá Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm. Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn nhưng cũng là thời cơ để khắc phục một số gốc rễ, như cái mặt sân ở thành phố Vinh.

Covid-19 rất đáng ghét nhưng nhờ dịch bệnh, bóng đá Việt Nam có thời gian xoá bỏ cạm bẫy trên sân cỏ - Ảnh 2.

Sau nhiều phản hồi, sân Lạch Tray cũng đã cải tạo mặt cỏ. Ảnh: Hải Phòng FC.

Cầu thủ chủ chốt bớt quá tải, ĐTQG hưởng lợi

Hôm qua (31/3) đáng lẽ là ngày đội tuyển Việt Nam làm khách trước Malaysia ở Bukit Jalil. Một trận đấu "lành ít dữ nhiều" với thầy trò HLV Park Hang-seo khi một loạt trụ cột ở hàng thủ chấn thương hoặc phong độ thấp. Thế nhưng, nhờ dịch Covid-19, mọi thứ đã không diễn ra như kế hoạch.

Hàng loạt cầu thủ U22 Việt Nam vừa chinh chiến ở SEA Games 2019 và VCK U23 châu Á 2020 có thêm thời gian nghỉ ngơi. Hàng loạt tuyển thủ quốc gia có thể trở lại cùng đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á vào tháng 10 và 11.

Quang Hải có thêm thời gian xoá bỏ đi ám ảnh chấn thương cơ đùi sau. Xuân Trường, Huy Hùng, Đình Trọng chắc chắn hồi phục hoàn toàn trước tháng 7. Duy Mạnh cũng khấp khởi mừng thầm vì có thể trở lại vào tháng 11 dù gặp chấn thương nặng. Đấy là chưa kể những Văn Lâm, Văn Hậu sẽ có thêm thời gian để đẩy phong độ trở lại tốt như cũ.

6 tháng đầu năm với HLV Park Hang-seo bỗng chốc trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng 3 tháng cuối năm được dự báo sẽ đầy chông gai. 3 trận đấu quyết định ở vòng loại World Cup 2022, AFF Cup 2020 với mục tiêu bảo vệ chức vô địch tạo nên thử thách thứ 4 và được dự báo khó nhằn hơn nhiều hai năm trước.

Những cầu thủ chủ chốt của bóng đá Việt Nam có thêm thời gian hồi phục chấn thương và cải thiện phong độ. Ảnh: Hiếu Lương - Tuấn Mark - AFC.

Sự sẻ chia với cộng đồng

Đại dịch Covid-19 len lỏi vào nhiều ngóc ngách của đời sống xã hội và đây là lúc nhiều CLB, cầu thủ thể hiện trách nhiệm xã hội trong thời gian bóng ngừng lăn.

Những khoản tiền quyên góp cho cộng đồng của Văn Toàn, Văn Quyết,… nhận được nhiều lời cảm ơn. Những video, hình ảnh cổ vũ chống dịch của HLV Park Hang-seo, của cầu thủ nhận được nhiều chia sẻ. Đó không phải những khoản tiền quá lớn, những hành động quá đặc biệt nhưng thể hiện được vai trò của giới bóng đá trong thời gian xã hội gặp biến động.

Sự sẻ chia còn đến trong chính nội bộ đội bóng như trường hợp các cầu thủ CLB TPHCM đồng ý giảm lương tháng 4. Một số CLB cũng có thể làm như trên nhưng trước mắt họ vẫn đang đảm bảo được thu nhập của tất cả mọi thành viên trong đội.

Covid-19 đem đến nhiều khó chịu khi những món ăn tinh thần từ thể thao đều phải tạm ngưng. Thế nhưng, cũng từ đây, tất cả có thể sống chậm rãi hơn để nhìn lại và khắc phục một số thiếu sót trong hệ thống, tạo nền móng cho một sự trở lại tốt hơn trong tương lai.

HLV Park Hang-seo và nhiều cầu thủ Việt Nam thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong mùa dịch. Ảnh: VFF - FBNV.

Covid-19 rất đáng ghét nhưng nhờ dịch bệnh, bóng đá Việt Nam có thời gian xoá bỏ cạm bẫy trên sân cỏ - Ảnh 6.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày