Trong khi tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới ( COVID-19 ) tại Trung Quốc dần đi vào kiểm soát, thì nước này lại phải đối mặt với sự tái xuất hiện của một chủng virus cũ đã khiến một người đàn ông thiệt mạng ở tỉnh Vân Nam, báo Times of India đưa tin.
Cụ thể, báo này trích dẫn nội dung dòng tweet của Thời báo Hoàn cầu cho biết nạn nhân nói trên "đã tử vong trên đường trở lại tỉnh Sơn Đông làm việc, trên một chuyến xe khách. Kết quả xét nghiệm cho thấy nạn nhân dương tính với virus Hanta. 32 người khác có mặt trên chuyến xe cũng đã được xét nghiệm".
Theo báo Mỹ USA Today, dòng tweet nói trên đã được chia sẻ lại trên Twitter ít nhất 15.000 lần, kèm theo nhiều lời bình luận bày tỏ sự lo lắng do sự việc xảy ra trùng với thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, USA Today khẳng định rằng hiện nay không có dấu hiệu nào cho thấy virus Hanta có thể chuyển biến thành đại dịch trên toàn cầu như COVID-19.
Ảnh minh họa
Một số người dùng Twitter tỉnh táo hơn cũng cho rằng virus Hanta không đáng lo ngại như tưởng tượng của nhiều người: "Virus Hanta đã được phát hiện từ thập niên 70 của thế kỷ trước rồi. Nó có thể lây từ người sang người, nhưng trường hợp đó rất hiếm. Mọi người đừng đổ thêm dầu vào lửa nữa", một người bình luận dưới bài đăng của Thời báo Hoàn cầu.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), virus Hanta là một họ virus có trong cơ thể của các loài gặm nhấm.
Một trong hai hội chứng gây tử vong do loại virus này gây ra là Hội chứng Phổi Hantavirus (HPS) - được phát hiện tại Mỹ và còn được biết đến với cái tên virus Hanta của "Tân Thế giới". Người nhiễm HPS có những triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi, sốt và đau mỏi cơ, đặc biệt là ở vùng đùi, hông, lưng và vai.
Người nhiễm HPS cũng có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh và các vấn đề về đường tiêu hóa.
Trong khi đó, tại khu vực châu Âu và châu Á, chủng virus Hanta thường gây bệnh sốt xuất huyết kèm theo suy thận (HFRS) - hay còn được biết đến với tên gọi virus Hanta của "Cựu Thế giới".
Mỗi chủng virus Hanta lại ký sinh trong các loài vật chủ khác nhau, và được lây sang người qua phân, nước tiểu, nước bọt của loài gặm nhấm, một số trường hợp bị lây nhiễm virus qua vết cắn của vật chủ nhiễm bệnh.
Trên lý thuyết, bất cứ ai từng tiếp xúc với loài gặm nhấm mang virus Hanta cũng có nguy cơ nhiễm bệnh, kể cả những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những trường hợp này khá hiếm. Tại Mỹ, kể từ sau khi trường hợp nhiễm virus Hanta đầu tiên được phát hiện vào năm 1993 đến năm 2017, chỉ có tổng cộng 728 ca nhiễm bệnh được xác nhận. Con số này thấp hơn rất nhiều so với dịch COVID-19 vừa bùng phát tại Mỹ từ đầu năm nay.
Được biết, ca lây nhiễm virus Hanta từ người sang người từng được ghi nhận tại Chile và Argentina, nhưng các trường hợp tương tự rất hiếm gặp.