Nhiên liệu thân thiện
Nhà máy thu carbon để tái chế nhiên liệu máy bay. Ảnh: Wikimedia Commons
Có nhiều đột phá trong công nghệ năm 2019 để hỗ trợ thị trường hàng không. Một trong những lĩnh vực quan trọng mà các công ty hàng không quan tâm là nhiên liệu máy bay. Do thải nhiều quá CO2 trong quá trình bay nên thế giới đã có nhiều tiếng nói kêu gọi xem xét lại vai trò của các hãng hàng không trong vấn đề vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Nhiều hãng hàng không đang nghiên cứu cách mới để sử dụng nhiên liệu trong hoạt động bay. Trong mùa hè, hãng British Airways của Anh đã khởi động sáng kiến làm nhiên liệu máy bay từ rác thải gia đình. Công ty mẹ của British Airways là Tập đoàn Hàng không Quốc tế đang đầu tư 400 triệu USD để phát triển nhiên liệu bền vững trong vòng 20 năm tới. Ngoài ra, công ty còn đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy đầu tiên biến rác thải thành nhiên liệu ở Lincolnshire.
Các đề xuất khác về nhiên liệu cũng sẽ có kết quả tốt đẹp. Công ty công nghệ SkyNRG đã phối hợp với sân bay Rotterdam để trở thành nhà sản xuất thương mại đầu tiên thế giới làm ra nhiên liệu máy bay từ khí thải chứa carbon. Hai bên sẽ thực hiện dự án vào năm 2021, dọn đường cho những công ty khác đi theo.
Các hãng hàng không buộc phải tìm cách giảm khí thải vào môi trường vì hành khách ngày càng có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường và họ sẽ chọn dịch vụ ít gây hại cho môi trường. Các chính phủ cũng sẽ chịu áp lực đưa ra quy định về hàng không bền vững.
Mới đây, Anh đã thông báo kế hoạch đầu tư 300 triệu bảng để phát triển các hình thức bay “xanh” hơn. Một lĩnh vực lớn trong kế hoạch đầu tư trên liên quan tới tăng cường phát triển phương tiện chạy bằng điện như thiết bị bay chở hàng, taxi bay đô thị, máy bay chở khách bằng điện…
Trí tuệ nhân tạo
Một lĩnh vực công nghệ khác sẽ được chú ý hơn trong năm tới là trí tuệ nhân tạo (AI). Phòng thí nghiệm SITA đã giới thiệu quầy đăng ký KATE để triển khai tại các khu vực đông đúc trong sân bay nếu cần thiết.
Nhiều sân bay đã lắp đặt công nghệ AI để giúp hành khách. Hệ thống YAPE đã được thử nghiệm ở sân bay Frankfurt (Đức) để giúp hành khách mang hành lý. Các mô hình này có thể mang hành lý nặng tới 30kg với tốc độ 6km/h.
Hãng hàng không KLM của Hà Lan vừa giới thiệu hệ thống tự học Blue Bot, giúp khách hàng đặt vé máy bay, giải đáp câu hỏi. Dịch vụ khách hàng trước chuyến bay sẽ ngày càng được số hóa trong 10 năm tới.
Công nghệ sinh trắc
Hãng Delta Air Lines đang tiếp tục mở rộng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Hãng Lufthansa đã đưa công nghệ sinh trắc vào để kiểm tra hành khách lên máy bay từ Miami tới Munich từ tháng 2. Hãng hàng không Đức này cho biết 350 hành khách có thể lên máy bay Airbus A380 chỉ trong vòng 20 phút.
Đây là một thành công phi thường mà các hãng hàng không khác hy vọng có thể theo kịp trong tương lai gần. Khi các chương trình thị thực và thẻ lên máy bay ngày càng được số hóa, hộ chiếu có thể sẽ được số hóa tương tự trong một số trường hợp.
Hệ thống kết nối thông minh
Hành khách có thể sử dụng wifi trên máy bay. Ảnh: Pixabay
Internet Vạn vật (IoT) sẽ cách mạng hóa cách thức hoạt động của các hãng hàng không trong giai đoạn tới. Nhờ khả năng kết nối mọi vật thể trong cuộc sống hàng ngày mà IoT có thể giúp chia sẻ dữ liệu, cho phép các hệ thống vận hành thông minh hơn, an toàn hơn.
Tập đoàn Airbus bắt đầu thử nghiệm bay mẫu A350 với công nghệ buồng lái kết nối IoT. Thử nghiệm gồm mô hình iSeat – ghế ngồi hành khách thông minh. Ngoài ra, còn có bếp ăn kết nối và hệ thống quản lý buồng lái không dây.
Đây là khởi đầu của thế hệ kết nối hàng không mới, giúp tạo ra doanh thu cho các hãng hàng không.
Nhờ tiến bộ của IoT, sẽ có thêm tiến bộ trong kết nối với kiểm soát không lưu. Đầu tháng 10, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã thiết lập quan hệ đối tác với Inmarsat để khởi động Iris. Đây là chương trình không lưu sẽ sử dụng mạng lưới vệ tinh mở rộng của Inmarsat để quản lý không lưu bốn chiều.
Chương trình cũng tìm cách xây dựng kết nối dữ liệu giá rẻ, băng thông rộng tốc độ cao khắp châu Âu. Chương trình sẽ bắt đầu vào năm 2020 và có thể thay đổi lớn cách vận hành hệ thống kiểm soát không lưu.
Để đáp ứng nhu cầu trong ngành, cuối những năm 2020, sẽ không ngạc nhiên khi mọi hãng hàng không lớn đều có dịch vụ wifi trên máy bay.
Tóm lại, trong 10 năm tới, công nghệ mới có rất nhiều đất phát triển trong ngành hàng không để tiết kiệm chi phí và mang lại dịch vụ tuyệt vời cho hành khách.