Công bằng cho vận động viên nữ

Đông Linh, Theo Người lao động 10:00 04/08/2024
Chia sẻ

Buộc đối thủ phải xin dừng trận đấu và chấp nhận thua cuộc khi đôi bên mới so găng được 46 giây, nữ võ sĩ quyền Anh Imane Khelif đã khiến dư luận nổi sóng tại Olympic Paris trong những ngày qua

Chiến thắng ngỡ chỉ là một kết quả đơn thuần đối với một cá nhân, cùng lắm là chút ý nghĩa dành cho đội quyền Anh Algeria khi nữ võ sĩ 25 tuổi Imane Khelif nỗ lực tìm kiếm cơ hội cải thiện thành tích xếp hạng 5 tại Olympic Tokyo 3 năm trước.

Hơn cả một trận đấu

Ở trận đấu vòng loại hạng 66 kg hôm 1-8, võ sĩ người Ý Angela Carini sau khi nhận liên tiếp 2 cú đấm thẳng như trời giáng vào mặt từ đối thủ Imane Khalif đã xin dừng trận đấu và chấp nhận thua cuộc. Nữ võ sĩ 25 tuổi này nấc lên trong tiếng khóc: "Mũi đau quá và chảy máu nên tôi quyết định xin dừng. Dù thi đấu thường xuyên ở đội tuyển, kể cả đấu tập với võ sĩ nam, nhưng chưa khi nào tôi đau đớn như vậy".

Carini vừa giành chức vô địch hạng 66 kg Giải đấu tuyển chọn Busto Arsizio hồi tháng 4-2024 mang tính chất vòng loại Olympic. Chi tiết này, cộng thêm thái độ giận dữ của nữ Thủ tướng Ý Giorgia Meloni khi theo dõi trực tiếp trận đấu và chứng kiến thất bại khó tin của Carini (vị nữ nguyên thủ này sau đó còn hội kiến với Chủ tịch IOC Thomas Bach để đòi làm rõ sự việc) xem ra đã cung cấp thêm chất liệu để truyền thông quốc tế biến màn so găng kể trên thành một cuộc chiến đòi công lý cho thể thao nữ giới tại các đấu trường lớn.

Vấn đề ở đây chính là việc Imane Khelif, cùng với nữ võ sĩ người Đài Loan (Trung Quốc) Lin Yu-ting, từng bị loại khỏi Giải Vô địch thế giới năm 2023 do không vượt qua được cuộc kiểm tra giới tính của Hiệp hội Quyền Anh quốc tế (IBA) nhưng lần này vẫn được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép tham dự Thế vận hội Paris 2024.

Theo Chủ tịch IBA Umar Kremlev, tại Giải Vô địch quyền Anh nữ thế giới 2023 tổ chức ở Ấn Độ, các võ sĩ có vấn đề về giới tính đã "phải trải qua một phần kiểm tra riêng biệt với chi tiết cụ thể được giữ bí mật nhưng được tất cả công nhận". Từ cuộc kiểm tra như thế, cả Khelif lẫn Lin nhận được kết quả "không đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện cần thiết để thi đấu do kết quả cho thấy có lợi thế so với các đối thủ nữ khác".

Công bằng cho vận động viên nữ- Ảnh 1.

Imane Khelif và Angela Carini ở trận đấu gây sốc dư luận tại Olympic Paris. Ảnh: REUTERS

Cạnh tranh quyền lực

Không lâu sau Giải Vô địch quyền Anh nữ thế giới 2023, IBA bị IOC tước bỏ tư cách quản lý môn quyền Anh nghiệp dư tại Olympic Paris với lý do tổ chức này không kiểm soát được các vấn đề về quản trị, tài chính và đạo đức. Theo Indian-Express, IBA tố cáo quyết định của IOC bị tác động bởi "các yếu tố chính trị".

Với quan điểm IBA loại bỏ Khelif và Lin là "rất tùy tiện, thiếu cơ sở", IOC vẫn cho phép 2 võ sĩ tham gia tranh tài tại Olympic Paris 2024. Khi cả hai cùng giành được những trận thắng như dự báo, tiến bước vững chắc ở các hạng 57 kg cũng như 66 kg, kể cả khả năng giành huy chương cao nhất, làn sóng phản đối họ ngày càng nhiều trong dư luận các quốc gia phương Tây.

Trong khi Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tuyên bố trên X: "Cuộc tranh cãi có nguy cơ làm lu mờ Thế vận hội, đó là một cuộc chiến "không bình đẳng" và tôi không đồng ý với IOC. Tôi nghĩ rằng các vận động viên có đặc điểm di truyền nam không nên được cho tranh tài với phụ nữ".

Mấu chốt vấn đề

Năm 2021, IOC giao quyền cho các liên đoàn thể thao quốc tế phát triển bộ quy tắc riêng của từng tổ chức nhưng lưu ý các nguyên tắc chính về "công bằng", "hòa nhập", "không phân biệt đối xử", "cách tiếp cận dựa trên bằng chứng", "không giả định về lợi ích" và "ngăn ngừa tác hại".

Một số môn thể thao đã hạn chế mức testosterone cho phép đối với các VĐV tham gia thi đấu của phụ nữ. Sự khác biệt của rối loạn tình dục (DSD) là một nhóm các tình trạng hiếm gặp liên quan đến gien, hormone và cơ quan sinh sản. Một số người mắc DSD được nuôi dưỡng như nữ nhưng có nhiễm sắc thể giới tính XY và nồng độ testosterone trong máu ở mức nam giới.

Dư luận gây ồn ào nhưng "người trong cuộc" thì sao? Angela Carini nói với vẻ hối lỗi: "Nếu có thể, tôi muốn xin lỗi Khelif. Tôi thua là do không thể thi đấu tiếp, không phải vì yếu tố công bằng hay phân biệt gì. Vì tôi mà cô ấy gặp rắc rối". Ngay cả đối thủ tiếp theo của Khelif là Luca Hamori (Hungary) cũng không tỏ ra quan tâm đến yếu tố giới tính của đối phương: "Tôi không sợ và sẽ không bỏ cuộc". 

IBA "châm dầu vào lửa" khi tuyên bố sẽ tặng cho Carini 50.000 USD, thêm 50.000 USD cho HLV và Liên đoàn quyền Anh của Ý, như để đền bù. Tương tự, Sitora Turdibekova, võ sĩ thất bại trước Lin Yu-ting cũng được nhận số tiền như thế. Xung đột giữa IBA và IOC đã lên đến cao trào và trừ khi quyền Anh có thể cho thấy nó được tổ chức bởi một "liên đoàn quốc tế đáng tin cậy, được quản lý tốt"; nếu không, môn thể thao này sẽ vắng bóng tại Olympic Los Angeles 2028.

Công bằng cho vận động viên nữ- Ảnh 2.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày