Mỗi đứa trẻ đều có một giai đoạn nghịch ngợm, nổi loạn và đó cũng là giai đoạn mà cha mẹ phải trải qua. Trong quá trình này, cả trẻ lẫn cha mẹ đều vừa học hỏi vừa sửa sai.
Gần đây, cô Quách (Chiết Giang, Trung Quốc) luôn phải đau đầu vì đứa con trai 4 tuổi của mình. Một thời gian trước, cô đưa con đến siêu thị mua đồ, trong lúc cô đang chọn đồ, từ xa nghe thấy tiếng con trai khóc nên cô nhanh chóng đặt đồ ăn trên tay xuống rồi chạy về phía con trai.
Chạy đến nơi con trai gặp sự cố, cô phát hiện dưới chân con mình, trứng gà vỡ đầy đất. Quần áo của con trai cô cũng dính đầy lòng trứng. Thấy cảnh tượng trước mắt, cô Quách gần như đoán ra ngay nguyên nhân sự việc, dẫu vậy, cô vẫn kiên nhẫn hỏi con trai đầu đuôi mọi chuyện.
Quả nhiên, đúng như cô Quách đoán, trong lúc nô nghịch, con trai cô đã vô tình làm rơi một vỉ trứng gà trên kệ xuống đất, dẫn đến cảnh tượng vừa rồi. Sau khi biết rõ nguyên nhân, cô Quách vừa giáo dục con vừa chờ nhân viên xử lý đến. Thực tế, trước khi nhân viên siêu thị đến, cô Quách đã nghĩ đến việc sẽ bồi thường theo giá gốc.
Nhưng điều bất ngờ là, nhân viên siêu thị không chấp nhận lời xin lỗi của cô Quách và từ chối phối hợp với cách giải quyết mà cô đưa ra, thay vào đó, người nọ yêu cầu cô Quách phải bồi thường gấp 10 lần giá gốc của số trứng, nếu không siêu thị sẽ không chịu mọi trách nhiệm pháp lý liên quan.
Nghe vậy, cô Quách bình tĩnh đáp: "Con trai tôi làm vỡ trứng, gây thiệt hại cho siêu thị, đây là lỗi của thằng bé và cả tôi vì đã không quản lý con cho tốt. Chúng tôi bồi thường là điều nên làm, nhưng siêu thị không có quy định rõ ràng rằng thiệt hại phải được bồi thường gấp 10. Yêu cầu của anh là không hợp lý, tôi không thể đồng ý".
Người bán hàng nghe xong không nói nên lời, cuối cùng chỉ đành nhượng bộ, chấp nhận để cô Quách bồi thường số trứng bị vỡ theo giá gốc.
Sau đó, cô Quách đăng tải sự việc lên mạng và thu hút rất nhiều sự bàn luận của cư dân mạng. Một số cư dân mạng cho rằng thực sự là do cô Quách không quản lý con mình tốt và gây ra thiệt hại cho siêu thị, yêu cầu bồi thường vượt mức của nhân viên là hợp lý. Cũng có người cho rằng dù sao con trai cô Quách cũng chỉ là một đứa trẻ, hơn nữa thằng bé cũng không cố ý làm thế, nhân viên siêu thị không nhất thiết phải so đo với một đứa trẻ như thế.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người dành sự khen ngợi cho cách làm của cô Quách, bởi lẽ khi con trai cô vô tình làm vỡ trứng, cô đã không bênh con mình bất chấp mà đã thừa nhận sai lầm của con và chấp nhận bồi thường hợp lý. Bên cạnh đó, người mẹ này cũng biết bảo vệ hợp lý quyền và lợi ích của mình, thay vì chăm chăm làm theo yêu cầu bồi thường vô lý của nhân viên siêu thị.
Trên thực tế, bất cứ bậc cha mẹ nào cũng từng trải qua tình huống tương tự như trải nghiệm mà cô Quách gặp phải. Để không làm mình xấu hổ trước mặt người khác và tranh thủ cơ hội giáo dục con cái, nhiều bậc cha mẹ sẽ giải quyết vấn đề theo cách tương tự nhưng điều này chỉ làm tăng thêm khả năng đứa trẻ mắc lại sai lầm tương tự.
1. Đừng giáo dục con trước mặt mọi người
Một số bậc cha mẹ trong tiềm thức tin rằng trẻ nhỏ không hiểu cái gì gọi là "giữ mặt mũi", nhưng thực tế, vì còn nhỏ nên lòng tự trọng của trẻ càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, khi giáo dục trẻ, chúng ta phải chú ý đến hoàn cảnh, không nên giáo dục trẻ nơi đông người, nếu không sẽ khiến trẻ phản ứng ngược, thậm chí vì thế mà gây ra bi kịch. Nên nhớ, trẻ còn coi trọng lòng tự trọng hơn người lớn.
2. Không giáo dục bằng bạo lực
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng "yêu cho roi cho vọt", vì vậy, khi giáo dục trẻ, không ít người chọn cách bạo lực bằng lời nói hoặc đủ loại hình thức đánh đập. Phương pháp giáo dục này không những không mang lại kết quả nào mà còn làm trẻ hành xử tệ hại hơn.
Tình trạng này kéo dài không những làm trẻ sợ hãi cha mẹ còn còn khiến chúng không còn tin tưởng cha mẹ nữa. Nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ quen với bạo lực và điều này chắc chắn là không có chút ích lợi nào cho sự phát triển tâm lý và thể chất của chúng. Trẻ có thể sẽ trở nên yếu đuối hơn, ngay cả khi bị đối xử bất công ở ngoài, trẻ cũng chỉ biết nhẫn nhịn, không dám phản kháng hoặc ngược lại, chính trẻ lại trở thành người sử dụng bạo lực.
3. Phòng ngừa từ trước
Bất kể đó là tình huống bình thường hay đặc biệt, phụ huynh đều có thể thỏa thuận trước với con. Trước khi làm việc gì hoặc tham gia sự kiện nào đó, hãy nói trước trẻ rằng cái gì trẻ có thể và không thể làm. Nếu trẻ làm, hậu quả sẽ ra sao và nhắc nhở chúng, chúng sẽ phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình.
Bằng cách này, cha mẹ có thể ngăn trẻ phạm phải những lỗi lầm tương tự ở một mức độ nào đó, hoặc ngay cả khi mắc lỗi, trẻ cũng sẽ nói cho cha mẹ đầu tiên và biết rõ chúng sai ở đâu. Cách làm này tốt hơn là lúc nào cũng chọn giáo dục trẻ sau khi sự việc đã xảy ra.
4. Dạy trẻ chịu trách nhiệm về hậu quả
Mỗi khi cha mẹ thấy con mình mắc lỗi, họ sẽ giúp con xin lỗi, hoặc sau khi phê bình gay gắt sẽ giúp con giải quyết hậu quả. Hậu quả của việc này sẽ chỉ khiến đứa trẻ tiếp tục vấp ngã ở cùng một chỗ, bởi vì cha mẹ đã tước đi khả năng chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của con. Chỉ khi để trẻ tự mình gánh chịu hậu quả, biết được sự nghiêm trọng của vấn đề thì trẻ mới có thể sửa đổi và không tái phạm nữa.
Nguồn: Sohu