Câu chuyện về thẻ tín dụng có lẽ không quá xa lạ với giới tài chính, nhưng với người chưa hiểu rõ về chúng, đây có thể là cái bẫy khiến họ rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Dùng thẻ tín dụng là khi bạn không có tiền, ngân hàng sẽ cho vay 1 khoản theo mức đăng ký. Nếu không trả tiền đúng kỳ hạn, bạn sẽ cần trả thêm lãi cho các khoản dư nợ được thanh toán chậm. Đây cũng là lý do rất nhiều người trở thành “con nợ” của thẻ tín dụng, đi làm mãi mà chưa thấy giàu.
“Bao nhiêu năm không biết nợ là gì, bỗng nhiên nợ đầm đìa sau khi dùng thẻ tín dụng”, Nhật Hoàng nhớ lại câu chuyện của bản thân. Năm 2020, do bản tính “nhiệt tình” với nhân viên ngân hàng kèm với khoản thu nhập dư dả, chàng trai mở liên tiếp 3 thẻ tín dụng từ ngân khác khác nhau.
“Khi mới làm thẻ tín dụng, mình cảm thấy chi tiêu giờ quá dễ dàng. Nếu cứ thiếu tiền thì quẹt tạm thẻ, khi nào có lương thì trả lại tiền sau. Thời gian đầu dùng thẻ tín dụng, mình luôn tuân theo hạn mức chi tiêu cố định. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi mình nảy sinh cảm giác ‘bản thân không thiếu tiền', cộng với một chút muốn khoe khoang thì mình bắt đầu tiêu dùng vượt kiểm soát.
Lạ cái là khi dùng thẻ tín dụng, các công ty hình như biết mình có tiền nên cũng bắt đầu tìm đến và mời chào mua dịch vụ. Không có đủ tiền thì họ cho phép mình quẹt thẻ tín dụng. Trong cơn hăng say, mình bị cuốn theo làn sóng ‘mua sắm bốc đồng' lúc nào không hay".
Ảnh minh họa
Cho đến một năm sau, nhận được giấy báo dư nợ lên đến gần 300 triệu đồng, Nhật Hoàng nhận ra bản thân đã chủ quan, rơi vào vòng xoáy thẻ tín dụng. Đúng thời điểm đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc kinh doanh không suôn sẻ. Nợ chồng nợ, anh chàng càng thêm áp lực trong thanh toán đúng hạn dư nợ thẻ tín dụng ngân hàng.
“Sau đó, mình có đến xin ngân hàng cho giãn nợ vì lý do bất khả kháng, nhưng tất nhiên không được chấp nhận. Lúc đó, mình chấp nhận lãi suất thẻ tín dụng là 27%/năm nên lãi mẹ đẻ lãi con. Cứ như thế, phải mất 3 năm sau mình mới trả được hết nợ tín dụng”, anh chàng cho hay.
Trái ngược với Nhật Hoàng, vợ chồng Minh Anh (Hà Nội) tìm đến thẻ tín dụng khi tài chính của gia đình không mấy dư dả. Thời gian đầu mới cưới, gặp đúng dịch bệnh Covid-19 khiến kinh tế gia đình khó khăn, để sống tốt tại Hà Nội với tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng/tháng, họ đã “cầu cứu" chiếc thẻ mỗi khi hết tiền.
Nói về khoản nợ thẻ tín dụng hơn 100 triệu đồng, Minh Anh cho hay: “Trong 2 năm, do kinh tế suy thoái, làm ăn buôn bán khó khăn nên chúng mình cứ thiếu tiền lại quẹt thẻ tín dụng. Vợ chồng mới cưới, chưa biết cách quản lý tài chính nên càng khó khăn, càng chăm chỉ quẹt thẻ tín dụng nhiều hơn. Lúc đó, chúng mình có 2 cái thẻ tín dụng. Cứ hết thanh toán chi phí điện nước rồi lại quay sang dùng chúng trả tiền mặt bằng kinh doanh”.
Ảnh minh họa
Cô cho biết thêm, trước đây bản thân luôn ngưỡng mộ những người dùng nhiều tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm dùng thẻ tín dụng, cô nhận ra thực tế không như mơ.
“Nghe lời nhân viên ngân hàng, cộng với niềm đam mê tìm hiểu thẻ tín dụng, mình đã mở thẻ. Sau vài năm, mình mới hiểu thẻ tín dụng chỉ là cái cứu nguy tạm thời cho bản thân lúc kinh tế khó khăn, còn về lâu dài không phải phương án tốt. Bạn càng nợ nhiều thì lãi ngân hàng trả càng khủng khiếp. Cho đến một ngày, tiền lương của bạn chỉ đủ trả nợ tín dụng thì mới thấy cái thẻ này có thể ghê gớm thế nào".
Trước áp lực phải trả lãi từ thẻ tín dụng, đi kèm những sao kê dồn dập đòi nợ từ ngân hàng, vợ chồng Minh Anh đã quyết định trả hết dư nợ chỉ trong thời gian ngắn. Thậm chí, họ còn phải đi máy tính để giảm bớt áp lực khoản nợ, tránh trường hợp “lãi mẹ đẻ lãi con".
Sau hơn 1 năm tích góp và nỗ lực trả dứt điểm nợ, vợ chồng Minh Anh đã thanh toán xong hết dư nợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, chúng sẽ còn là bài học đắt giá với họ sau này.
Ảnh minh họa
“Với mình, dùng thẻ tín dụng đúng là không có cảm giác mất tiền, trong khi cầm tiền giấy thì tiêu đồng nào mất đồng đó. Nên từ sau, cứ nghe nhân viên mời mở thẻ tín dụng là kể ngay chuyện vợ chồng từng mang nợ, vậy là họ không dám mời chào nữa luôn.
Từ trải nghiệm cá nhân, mình khuyên người dùng thẻ tín dụng nếu lỡ có vay thì cần trả lẹ. Bởi sau này lãi sinh ra rất nhiều. Thẻ tín dụng được quảng cáo là nhiều ưu đãi và thuận tiện, nhất là tính năng hoàn tiền. Nhưng về mặt bản chất, đó là hình thức kích thích nhu cầu chi tiêu nhiều hơn, mặc dù mình không cần thiết phải tiêu nhiều tiền như thế. Do đó, mình nghĩ nên dùng tiền mặt nhiều nhất có thể, nếu số tiền quá lớn mới cần dùng đến thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng", Minh Anh bày tỏ.
Không riêng gì 2 bạn trẻ trên, có nhiều người trẻ đã trở thành “con nợ" của tín dụng. Tất nhiên, sai lầm phần lớn thuộc về họ khi đã chi tiêu mù quáng, không biết kiểm soát tài chính cá nhân. Song, đây cũng là lời nhắc nhở cho những người trẻ dùng thẻ tín dụng, đừng lún sâu vào bẫy tiêu dùng, dẫn đến một ngày chính chiếc thẻ tín dụng lại trở thành “chủ nhân" cho tiền lương của mình trong tương lai.