Nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng, lương vừa nhận đã lo hết tiền: Người trẻ học dùng thẻ tín dụng đúng cách

Vân Anh, Theo Nhịp sống thị trường 22:23 23/03/2024
Chia sẻ

Câu chuyện của hai chàng trai dưới đây là lời nhắc nhở người trẻ cần biết chi tiêu thông minh khi sử dụng thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng đã quá quen thuộc với giới trẻ, tuy nhiên không phải ai cũng biết xài chúng đúng cách. Với hình thức thanh toán "chi tiêu trước, trả nợ sau" thì không ít bạn trẻ đã rơi vào "bẫy dư dả" khi sở hữu thẻ tín dụng. Họ vô tư quẹt tiền, dư nợ này thanh toán chưa xong lại đến dư nợ khác. Từ đó, sự tiện lợi ban đầu khi dùng thẻ tín dụng đã nhanh chóng biến mất mà chỉ để lại cho người dùng khoản nợ và điểm CIC "chạm đáy".

Mắc nợ vì dùng thẻ tín dụng

Ngọc Minh (29 tuổi) là nhân viên văn phòng trong lĩnh vực IT, đang sinh sống ở Hà Nội. Cách đây 2-3 năm trước, ở "đỉnh cao" trong sự nghiệp thì Minh kiếm tới 55 triệu/tháng, nếu chịu khó nhận thêm những công việc bên ngoài. "Tự tin với khả năng kiếm tiền của mình, lại giàu lòng trắc ẩn nên cứ lần nào có nhân viên ngân hàng gọi điện 'mời gọi' mở thẻ tín dụng, Minh đều 'ok'", cậu bạn hài hước chia sẻ.

Lúc đó, Minh có 3 chiếc thẻ tín dụng của 3 ngân hàng khác nhau với hạn mức lần lượt là 20 - 50 - 150 triệu. Bản thân Minh chưa bao giờ nghĩ rằng 3 chiếc thẻ tín dụng này lại khiến mình rơi vào cảnh mang nợ.

Nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng, lương vừa nhận đã lo hết tiền: Người trẻ học dùng thẻ tín dụng đúng cách - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Gần 2 năm trở lại, Minh không còn công việc văn phòng fulltime, mà chỉ thi thoảng nhận job bên ngoài. Trong suốt khoảng thời gian ấy, 3 chiếc thẻ tín dụng đã "nuôi sống" Minh. Chỉ trong khoảng 1 năm, Minh đã dùng hết hạn mức của cả 3 chiếc thẻ tín dụng này.

Quẹt nhiều từ thẻ tín dụng là thế nhưng Minh chỉ có thể thanh toán số dư nợ tối thiểu của khoản tiền đã tiêu. Tháng nào kiếm được job và có tiền, Minh sẽ dồn hết lương vào thẻ tín dụng, rồi lại dùng chính số tiền ấy để trang trải cuộc sống. Vòng lặp này cứ tái đi tái lại suốt gần 2 năm qua. Tổng số dư nợ tối thiểu mà Minh phải thanh toán cho cả 3 thẻ tín dụng này lên tới 13,5 triệu/tháng. Hay Minh đã gánh trên vai khoản nợ 220 triệu đồng từ việc sử dụng thẻ tín dụng.

Một trường hợp khác, Hoàng (26 tuổi, Hà Nội) và vợ vừa mới ra ngân hàng để trả hết dư nợ thẻ tín dụng. Sau 2 năm sử dụng thì tổng số nợ thẻ tín dụng của cặp đôi là hơn 100 triệu đồng và mỗi tháng họ cần trả tiền nợ là gần 10 triệu đồng.

Lý giải về khoản nợ này, Hoàng cho biết: Thời gian đầu sau khi cưới, do không biết quản lý tài chính nên cặp đôi thường xuyên chi tiêu nhiều hơn khả năng kiếm được. Thẻ tín dụng lúc này trở thành cứu cánh để họ trang trải các khoản chi phí trong cuộc sống như tiền nhà, điện nước… Đó còn chưa kể, có những món đồ đắt tiền nhưng vợ Hoàng vẫn dám dùng thẻ tín dụng để mua với suy nghĩ “tháng sau có lương thì bù vào".

Nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng, lương vừa nhận đã lo hết tiền: Người trẻ học dùng thẻ tín dụng đúng cách - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Mọi chuyện lớn dần khi gánh nặng chi trả tiền lãi từ thẻ tín dụng lớn, trong khi công việc của hai vợ chồng trẻ đều bị ảnh hưởng.

“Tiền lãi trả nợ thẻ tín dụng lớn, còn lương thưởng và các khoản khác của chúng mình bị cắt giảm. Tiền trả nợ phần lớn thì bị trừ thẳng hết vào tiền lương của hai đứa, sau đó chúng mình còn phải tính tiền thuê nhà, tiền ăn và tiền cho con đi học. Cực chẳng đã, nên mình đã vay người thân để dứt điểm đi khoản nợ, không cho lãi của thẻ tín dụng tăng lên", Hoàng nói.

Nhận lại được gì sau khi "còng lưng" trả nợ cho thẻ tín dụng?

Đối với Hoàng, anh chàng rút kinh nghiệm là không nên dùng thẻ tín dụng khi còn chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân. Thêm nữa, vợ chồng Hoàng không có dự tính tiếp tục xài thẻ tín dụng trong tương lai.

Thay vì dùng thẻ tín dụng, Hoàng chỉ dùng dòng thẻ debit card và quản lý chi tiêu trên app.  "Khi dùng app, bất kỳ khoản chi nào đều được cập nhật nên có thể thấy ngay số tiền hiện có, cũng như khoản chi của mình. Từ đó, mình có thể giảm tối đa các khoản chi không cần thiết. Vả lại, mình nghĩ nếu có nợ thì cứ xoay từ những nguồn vốn lãi suất 0% như người thân đầu tiên, để tránh mang nợ sau này.

Còn về phía thẻ tín dụng, hình thức thanh toán này giống như con dao hai lưỡi. Nếu bạn không biết kiềm chế ham muốn thì rất dễ rơi vào bẫy ‘nợ chồng nợ' và gặp áp lực tài chính", Hoàng chia sẻ.

Nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng, lương vừa nhận đã lo hết tiền: Người trẻ học dùng thẻ tín dụng đúng cách - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Còn về phía Minh, sau thời gian dài mất công việc văn phòng, anh cũng tìm được nguồn thu nhập ổn định và bắt đầu hành trình trả nợ thẻ tín dụng. Khi đó, Minh có công việc fulltime với mức lương thực nhận khoảng 17,5 - 18 triệu/tháng. Nếu không có khoản nợ 220 triệu đè lên vai, đây là mức thu nhập đủ để một chàng trai độc thân trang trải cuộc sống, thậm chí còn có thể có dư.

Trong hành trình trả nợ thẻ tín dụng, Minh đã phải tiết kiệm trong nhiều khoản chi phí của cuộc sống như chấp nhận ở ghép cùng 2 người nữa để giảm tiền thuê nhà xuống còn 1,8 triệu đồng/tháng, không dám yêu đương vì túi tiền thường cạn kiệt...

Đến hiện tại, Minh đã hoàn thành khoản nợ thẻ tín dụng. Và chàng trai tự nhắc mình sẽ không bao giờ được phép quên bài học này. " Gần 3 năm quanh quẩn với 3 cái thẻ tín dụng khiến điểm tín dụng CIC của mình xấu lắm rồi. Không biết sau này có vay được tiền để mà cưới vợ, mua nhà không", Minh thở dài chia sẻ.

Ngoài ra, Minh cũng hối hận vì đã từng tự tin bản thân đủ giỏi để không bao giờ thất nghiệp và đủ thông minh để không bao giờ rơi vào vòng xoáy nợ nần của thẻ tín dụng. " Thà là nợ vì đầu tư nghe còn dễ hiểu, đằng này, mình lại nợ vì quá tự tin.", chàng trai ngậm ngùi.

Tạm kết

Có thể thấy, giờ đây sẽ không khó để bạn tìm kiếm các bài viết nói về những tiện ích của thẻ tín dụng. Tất nhiên, thẻ tín dụng không có lỗi. Mà liệu dùng chúng có tốt hay không còn phụ thuộc vào việc thẻ tín dụng nằm trong tay ai.

Thẻ tín dụng có thể là "con dao hai lưỡi" khiến người dùng vướng vào cảnh nợ nần nếu không biết tận dụng tiện ích, đồng thời lạm dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày. Ngược lại, nếu thẻ tín dụng nằm trong tay người biết quản lý tài chính thì chúng sẽ phát huy tác dụng hoàn toàn trái ngược và tạo "đòn bẩy tài chính" hiệu quả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày