Labubu, túi mù babythree là thú vui đang khiến giới trẻ “điên đảo”. Tạm bỏ qua những tranh cãi quanh câu hỏi “Chi tiền triệu cho món đồ chơi này liệu có quá lãng phí hay không?”, vì suy cho cùng, khi đã tự kiếm được tiền, mỗi người đều có quyền chi tiêu cho sở thích và thú vui riêng của họ.
Nhưng với con trẻ thì khác, câu chuyện không còn đơn giản là “thích thì mua” được nữa. Gần đây, việc một bà mẹ từ chối cho con 300k mua túi mù “vì nó bằng bằng 2 ngày công của mẹ, 2 ngày mua thức ăn cho cả nhà” cũng khiến dân mạng tranh cãi nảy lửa.
Có người ủng hộ bà mẹ này, cho rằng việc cô từ chối đáp ứng mong muốn đó của con là đúng. Cũng có người không mấy đồng tình, cho rằng “có 300k thôi mà cũng tiếc”.
Nhìn nhận sự việc này một cách rộng hơn, chúng ta phải thừa nhận một điều: Dạy con về tiền bạc chưa bao giờ là việc dễ dàng, bởi tư duy của chúng ta và suy nghĩ của con trẻ về vấn đề này là hoàn toàn khác nhau.
Vậy nên làm gì để có thể khéo léo dạy con, mà không làm con tổn thương? Chúng tôi đã trao đổi với chị Nguyễn Kim Liên - Chuyên gia tư vấn tài chính, đầu tư và đồng thời cũng là một người mẹ, để tìm lời giải đáp cho thắc mắc này.
Với những người đã có con, có lẽ một trong những băn khoăn lớn nhất trong việc dạy con về tiền bạc, chính là: Khi nào thì nên bắt đầu trò chuyện, hướng dẫn con cách tiêu tiền hợp lý?
Chúng ta thường nghĩ tiêu tiền thì dễ, tiêu tiền hợp lý mới khó. Bằng chứng là không ít người kiếm bộn tiền nhưng chẳng tiết kiệm nổi. Từ đó, nhiều người mặc định phải đợi tới khi con lớn, có nhận thức rõ ràng một chút, thì mới dạy con về tiền bạc nói chung.
Nhưng chị Kim Liên lại có một góc nhìn khác về việc này.
"Thời điểm tốt nhất để chia sẻ với con về tiền bạc là khi con bắt đầu hình thành những sở thích cá nhân, và đòi hỏi bố mẹ đáp ứng những nhu cầu riêng. Thông thường, thời điểm này ở con trẻ là khi con 3-5 tuổi. Tuy nhiên cũng còn tùy gia đình, nếu ông bà, cha mẹ có thói quen mua sắm, chiều chuộng con cháu, thậm chí trước cả khi các bé có nhu cầu, thì câu chuyện về tiền bạc đến với các bạn nhỏ này sẽ muộn hơn.
Nhưng có 1 điều chắc chắn: Trẻ con chỉ bắt đầu có nhận thức về tiền khi những nhu cầu của chúng không được đáp ứng. Điều đó buộc các bạn nhỏ phải tìm hiểu xem đồ chơi, đồ ăn, đồ dùng hàng ngày,… của mình đến từ đâu?" - Chị Kim Liên chia sẻ.
Sau đó, chị cũng nhấn mạnh thêm rằng bố mẹ cần phải tự mình đặt ra các nguyên tắc sử dụng tiền bạc trong gia đình, và nguyên tắc này phải nhất quán với những gì bố mẹ dạy con về tiền bạc.
Hiểu một cách đơn giản, đây chính là "Luật chơi tiền bạc" và tất cả mọi người trong gia đình đều phải tuân thủ, không quan trọng đó là bố mẹ - người trưởng thành, hay đó là con cái - người chưa kiếm ra tiền và chưa có nhiều trải nghiệm, kiến thức tiêu tiền.
Ví dụ, cả nhà sẽ thống nhất rằng bố mẹ sẽ chỉ mua cho con những đồ dùng, đồ ăn thiết yếu. Nếu con thích mua sắm thứ gì đó khác, con phải dùng tiền của riêng con bằng cách làm việc nhà. Những việc nhà như thế nào sẽ được bố mẹ "trả lương", mức chi trả ra sao,.. Tất cả những điều đó phải được thống nhất.
Nếu con còn nhỏ, chưa biết cộng trừ, phân biệt tờ tiền, bố mẹ có thể dùng cơ chế thưởng quà thay cho việc đưa tiền mặt cho con.
"Luật chơi tiền bạc trong gia đình cũng cần thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn phát triển và nhận thức của con. Phần thưởng cũng nên thay đổi linh hoạt, có thể là tiền, là 1 chuyến đi chơi, là sự cho phép con được làm điều gì đó mà con thích,… Khi con lớn hơn, bố mẹ có thể tăng độ khó của công việc để con được "trả" nhiều tiền hơn.
Những công việc dễ trước đây có thể thành khoản "phạt" nếu con không hoàn thành đúng trách nhiệm của con.
Và có một lưu ý quan trọng: Bố mẹ chỉ nên đưa ra 1 vài luật "cấm" cụ thể như không được mua vật dụng nguy hiểm, không tốt cho sức khỏe,… và việc này cần thỏa thuận với bé ngay từ ban đầu. Bố mẹ không nên can thiệp vào cách con tiêu tiền, mà chỉ nên đưa cho bé gợi ý tham khảo, còn hãy để bé tự quyết định tiêu số tiền mà bé kiếm được.
Để "trò chơi tiền bạc" này thành công, tất cả mọi người phải tuân thủ luật đã đặt ra, bởi rất nhiều khi bố mẹ hoặc ông bà vì cưng chiều con mà tặc lưỡi phá lệ. Điều này sẽ làm bé không còn quý trọng những đồng tiền mà bé kiếm được.
Sự kiên nhẫn là yếu tố rất quan trọng khi dạy con về tiền bạc. Hãy giải thích với con lý do của luật chơi, cũng như bất kỳ câu hỏi nào của con để con "tâm phục khẩu phục". Các gia đình có từ 2 con trở lên, bố mẹ phải đảm bảo luật chơi được áp dụng công bằng với tất cả" - Chị Kim Liên giải thích.
Trước khi trở thành cha mẹ, cả chị Kim Liên và ông xã đều làm việc trong lĩnh vực tài chính, "máu chuyên gia" cũng phần nào đã có sẵn trong người. Chúng tôi khá thắc mắc rằng liệu việc bản thân là chuyên gia tài chính, có khiến chị - một người mẹ, vô hình tạo áp lực và kỳ vọng lớn cho các con trong việc có nhận thức về tiền bạc hay không.
"Chính vì là chuyên gia tư vấn tài chính, nên tôi hiểu 1 điều rất quan trọng là tính cách tài chính của mỗi cá nhân là khác nhau. Có người bản năng đã thích tiết kiệm, nhưng cũng có người chỉ thích tiêu tiền, kể cả là tiêu tiền cho người khác chứ không phải tiêu tiền cho bản thân mình,…
Tôi cho rằng không có tính cách tài chính nào là hoàn toàn xấu, hay hoàn toàn tốt. Điều quan trọng là chúng ta cần biết ưu - nhược điểm của từng kiểu tính cách, và hành xử cho phù hợp để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Vậy nên, khi dạy các con về tiền, tôi giống một người quan sát hơn là một người thầy. Tôi không phán xét hay áp đặt, để các con bộc lộ được tính cách tài chính của mình trước các tình huống khác nhau. Từ đó, đưa ra cho các con những chỉ dẫn mang tính tham khảo. Quyết định cuối cùng thuộc về con, kể cả khi đó tôi biết trước đó là lựa chọn không tốt, nhưng phải để con tự trải nghiệm, tự hiểu ra và tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, thì con mới có được và nhớ được những bài học đắt giá.
Khi bị mất mát, tổn thương, bất như ý, cơ chế phản ứng của cơ thể cũng giống như khi chúng ta gặp nguy hiểm, bản năng sinh tồn sẽ giúp chúng ta ghi nhớ lại sự kiện, hoặc là không để lặp lại sai lầm tương tự, hoặc là phải học hỏi để chinh phục và vượt qua nó” - Chị Kim Liên chia sẻ.
Là mẹ của 3 bạn nhỏ ở những độ tuổi khác nhau, mỗi bé 1 cá tính, một suy nghĩ, nên cũng không có gì lạ "bà mẹ chuyên gia này" đã trải qua rất nhiều những khoảnh khắc "không thể tin nổi", trong quá trình dạy con về tiền bạc.
"Đó là hồi con gái lớn của tôi gần 4 tuổi, một hôm đi học về, con nói rằng con thích balo công chúa màu hồng. Con nói bạn gái nào cũng đeo balo công chúa màu hồng hết, còn con phải đeo balo màu xanh con gấu giống con trai. Thực ra đó là chiếc balo chồng tôi mua cho con, với suy nghĩ chị dùng xong thì sau này em trai dùng tiếp.
Khi nghe con nói vậy, cả tôi và chồng đều nói với con rằng nếu con thích balo màu hồng, con hãy tự nghĩ cách kiếm tiền để mua đi, vì bố mẹ cũng đã mua cho con rồi và không có tiền để mua thêm, tiền còn phải để mua đồ ăn cho gia đình. Thế là con bé òa khóc rất to và rất lâu để đòi bố mẹ mua balo màu hồng cho bằng được.
Vợ chồng tôi đều cương quyết và kiên nhẫn, nhẹ nhàng nói với con rằng con hãy tự kiếm tiền để mua đồ con thích, và hãy coi việc đó như là một điều hiển nhiên. Cứ thế sau 1 – 2 lần con khóc lóc nhưng không được như ý, con bắt đầu chấp nhận làm việc nhà để tiết kiệm tiền.
Sau này, bé trai thứ 2 cũng bắt đầu đòi hỏi ở độ tuổi đó, nhưng chúng tôi không cần phải dạy lại cho con điều đó nữa, mà chính bé lớn giảng giải cho bé em rằng em cũng phải tự kiếm tiền giống chị. Mỗi khi con có thể tự mua món đồ mà con thích bằng chính số tiền con kiếm được, con rất nâng niu và trân trọng nó. Điều này cũng xây dựng cho con một thói quen rất tốt là biết giữ gìn đồ dùng cá nhân của mình" - Chị Kim Liên kể lại.
Mềm mỏng, nhẫn nại, luôn "chớp lấy thời cơ" để dạy con tư duy, thái độ với tiền bạc ngay từ khi con chỉ mới là một em bé còn chưa nói sõi, chúng tôi phỏng đoán chị và ông xã sẽ kỳ vọng các con trở thành những người giỏi kiếm tiền, giỏi đầu tư khi con trưởng thành. Nhưng trái ngược lại hoàn toàn, câu trả lời chị đưa ra là "không".
"Chỉ khi con có một ước mơ và bức tranh tương lai thật rõ ràng: Con muốn trở thành người như thế nào, muốn sống cuộc sống của mình ra sao, muốn trao đi giá trị gì cho mọi người - hay còn gọi là các mục tiêu tài chính, thì con mới có động lực kiếm tiền, có nghị lực để giữ tiền và có trí lực để đầu tư tiền".
Cảm ơn chị Kim Liên vì những chia sẻ chân thành và thú vị!