Con không chép bài, không làm bài tập và 6 bước xử lý thấu tình đạt lý của bà mẹ ở Hà Nội

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 13:35 14/10/2022
Chia sẻ

Chúng ta có thể thuyết phục con, phạt con, hoặc chiều theo con. Có điều, rõ ràng chúng ta không thể “sa thải” con.

Bạn sẽ làm gì nếu một ngày, đứa con đang tuổi "ẩm ương" bỗng dưng "đình công" với việc học? Thường thì bố mẹ sẽ mắng, phân tích hậu quả, sẽ ép con phải học vì tương lai tốt đẹp của con ở phía trước, và có thể sẽ đánh con. Có trẻ sẽ sửa đổi hành vi, nhưng có con sẽ trơ ra, và có con thì nói thẳng là mình muốn nghỉ học để "làm một việc gì đó khác".

Chuyện này, về bản chất thì cũng tương tự như người lớn khi đi làm ở một công ty nào đó và tuyên bố "Tôi không muốn làm nữa!". Phía công ty có thể sẽ thuyết phục, phạt hoặc sa thải bạn. Nhưng là những ông bố, bà mẹ có con "đình công" với việc học, chúng ta có thể thuyết phục con, phạt con, hoặc chiều theo con để hy vọng sau khi con được đáp ứng nhu cầu thì con sẽ ngó ngàng đôi chút đến việc học. Có điều, rõ ràng chúng ta không thể "sa thải" con.

Con không chép bài, không làm bài tập và 6 bước xử lý thấu tình đạt lý của bà mẹ ở Hà Nội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Là mẹ của ba đứa con, hai trai một gái (sinh năm 2006, 2010, 2017), chị Quỳnh Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – một kỹ sư thiết kế sân bay cũng có những lúc đối diện với những ngày "mưa nắng thất thường" của các con.

Thời điểm khủng hoảng của gia đình là khi bé trai thứ hai học lớp 6, bé gái lớn cũng vừa qua một giai đoạn điêu đứng trước kỳ thi vào lớp 10 gần 1 tháng. Cô chị gái cũng từng đình công với việc học vì ham chơi điện tử, nhưng nhờ có kiến thức cơ bản tốt nên vực lên tương đối nhanh để đỗ được vào lớp 10 trường công.

Giai đoạn này khiến trong lòng chị Hương có một nỗi sợ hãi to lớn. Con không chép bài trong giờ học, không làm bài tập. Chị cứ đuổi theo con để thúc giục con chép bài và làm bài tập, nhưng không thể nghỉ làm ở nhà để xem con học gì trong giờ học và được giao bài gì để làm.

Chị Hương sau đó đã lập ra một kế hoạch để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này:

Bước 1: Đầu tiên, nhìn nhận lại bản thân

Chị đã mất nhiều ngày và cả nhiều đêm (vì mất ngủ) để tìm hiểu nỗi lo sợ của bản thân mình.

"Thứ nhất, mình sợ con mất kiến thức cơ bản và sẽ không thể học tiếp lên cao. Thứ hai, sợ con học dốt, không thể học hết cấp 2, rồi con không có việc làm tốt, con sẽ có cuộc sống vất vả. Và mình thấy mình thật kém cỏi khi không dạy con nên người. Những điều mình đang lo sợ là những điều chưa xảy ra trong hiện tại.

Mất kiến thức lớp 6 thì có học tiếp lên được không? Chính chồng mình đã tự học lại hoàn toàn kiến thức Toán, Lý, Hóa từ lớp 6 đến lớp 9 vào các năm cấp 3. Anh khẳng định với mình là nếu muốn sẽ học được. Nếu chỉ học hết lớp 6, con có thể làm gì? Con có thể làm công nhân và các công việc chân tay. Vẫn có những người công nhân có thu nhập đến 15 triệu/tháng nếu có tay nghề tốt (ngay trong công trình của chồng mình). Như vậy những nỗi lo của mình là những nỗi lo không có căn cứ. Những nỗi lo minh chứng cho sự kém cỏi của bản thân mình, mang tính chất than thân trách phận", bà mẹ 3 con chia sẻ.

Bước 2: Tìm phương hướng để thoát khỏi tình trạng bế tắc

Thứ nhất: Cần chấp nhận rằng con không thích học, và có thể không có khả năng học.

Thứ hai: Ở hoàn cảnh không có bằng cấp, chị Hương cần cùng con tìm giải pháp kiếm tiền phù hợp với con để con có thể tự nuôi sống chính bản thân con.

Thứ ba: Con cần biết con sẽ sống cuộc sống của chính con, không sống ỷ lại vào bố mẹ hay anh chị em khác.

Thời gian để bà mẹ này "thoát ra khỏi những suy nghĩ không mang giải pháp tích cực của chính mình" mất khoảng 1 tháng. Trong 1 tháng này, chị nói với con rằng "Mẹ đã quá mệt mỏi với tình trạng của con! Con hãy làm những gì mà con thấy là đúng! Mẹ sẽ quản lý thiết bị điện tử chặt hơn trước. Mỗi ngày con chỉ được chơi 1h khi mẹ ở nhà. Con vẫn phải làm việc nhà mỗi ngày".

Con không chép bài, không làm bài tập và 6 bước xử lý thấu tình đạt lý của bà mẹ ở Hà Nội - Ảnh 2.

Bé trai nhà chị Hương từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ sự đồng hành của mẹ

Bước 3: Khám phá bản thân con và tìm mục đích sau những hành vi của con

Con trai chị Hương là một cậu bé nhạy cảm, tình cảm, lười vận động, hay để ý đánh giá của người khác, dễ nản chí, hay bỏ cuộc, dễ mất tập trung, thích hóng chuyện. Cậu bé có một ưu điểm là thông minh. Con cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ tiêu cực, đã từng mất ngủ thời gian dài (hơn nửa năm chỉ ngủ khoảng 2-4h/ngày) - có dấu hiệu trầm cảm.

Đặc điểm nổi bật của cậu bé vào thời điểm khủng hoảng là vô cùng tự ti, thấy mình là một sản phẩm thất bại, thấy mình không có bất kỳ khả năng gì. "Khi nghĩ kỹ về các tính cách của con, mình thấy thương con vô cùng. Con đã vô cùng cô đơn, bất an, không thấy chút xíu niềm vui nào cho sự tồn tại của chính con. Con thu hút sự chú ý của gia đình bằng những trò đùa ‘lầy’, bằng những lời mắng chửi em bé", chị Hương nói.

Bước 4: Cho con thấy con là một cá thể độc lập, duy nhất, độc đáo và được yêu thương

Chị Hương đã cố gắng tìm hiểu rất nhiều định nghĩa, đặc biệt về cảm xúc, để có thể thể hiện rõ nhất tình cảm của mình dành cho con.

Khái niệm yêu: Yêu một ai đó là chấp nhận người đó không hoàn hảo, tin rằng người đó có khả năng thay đổi để tốt lên, có thể học hỏi và xứng đáng được hạnh phúc. Như vậy trước kia chị cảm thấy mình chưa hoàn toàn yêu con. Bây giờ mới đang học cách yêu con. Giai đoạn này, con vẫn bị hạn chế dùng thiết bị điện tử (tối đa 1h/ngày) và hàng ngày con vẫn phải làm việc nhà.

Ban đầu, con không tin mẹ đang thay đổi. Giai đoạn hai, con biết mẹ đang chiều con thì con hay đặt điều kiện với mẹ, kiểu: "Mẹ muốn con học bài thì mẹ phải cho con chơi". Giai đoạn ba, con biết mẹ yêu con nhưng không chiều theo con vô điều kiện và mẹ hay kể chuyện với con đủ thứ chuyện như với một người bạn, thì con hay tâm sự với mẹ đủ thứ chuyện diễn ra quanh con. Mẹ nói với con về niềm vui khi con nói chuyện được thêm với một người bạn. Mẹ khen con khi con kể lại với mẹ về bài học của con trên lớp. Mẹ thể hiện sự thán phục khi con kể với mẹ về những điều hay ho mà con khám phá ra.

Bước 5: Cùng con xác định mục tiêu cho tương lai của con

Sau hơn 3 tháng kể từ khi nhìn nhận lại bản thân, chị Hương thấy cả mình và con đã sẵn sàng cho một giai đoạn mới.

"Trong buổi nói chuyện riêng giữa hai mẹ con, tôi hỏi con về dự định cho cuộc sống tương lai của con: Con sẽ làm gì khi học hết cấp 2? - Con sẽ có những lựa chọn nào hả mẹ?

Tôi nói: Nếu học tốt, con sẽ thi đỗ vào lớp 10 công lập. Và con sẽ học cấp 3. Tiếp tục học lên Đại học. Sau đó đi làm, thường là làm văn phòng như bố mẹ. Nếu học kém hơn, không có khả năng thi đỗ lớp 10 công lập, bố mẹ sẽ cho con học trung cấp. Con sẽ đi làm sớm hơn là học qua Đại học. Con sẽ làm công nhân kỹ thuật cao, công việc vất vả hơn bố mẹ, nhưng thu nhập cũng không quá thấp.

Trường hợp xấu nhất là con bị đúp và không học được hết lớp 9. Con sẽ đi học nghề và đi làm công nhân luôn vào thời điểm nghỉ học. Thu nhập thấp hơn cả công nhân kỹ thuật cao nhưng con vẫn có tay nghề và vẫn đủ khả năng nuôi sống bản thân con. Con suy nghĩ rồi cho mẹ biết lựa chọn của con thế nào nhé!".

Con trả lời sau khoảng 15 phút suy nghĩ rằng sẽ cố gắng thi vào lớp 10 công lập. Chị Hương hẹn con ngày mai hai mẹ con sẽ tìm hiểu về kế hoạch cụ thể cho mục tiêu vào lớp 10 công lập của con!

Bước 6: Cùng con lên kế hoạch chi tiết cho mục tiêu của con

Chị Hương in bảng điểm chuẩn đỗ lớp 10 công lập của các năm học gần đây và cho con xem. Con nhận thấy để có thể học trong nội thành Hà Nội, điểm ba môn Toán – Văn – Anh của con phải trung bình từ 7.0 trở lên – cách tương đối xa với điểm trong năm lớp 6 của con. Hai mẹ con lên kế hoạch lấy lại kiến thức căn bản cho ba môn học chính.

Với môn Toán, chị Hương và con làm bài tập trong sách Toán cơ bản và nâng cao của thầy Tôn Thân. Nhờ là dân kỹ thuật, chị học cùng con và tìm những cách truyền đạt dễ hiểu nhất để giảng cho con, khuyến khích con đặt câu hỏi và cùng con tìm câu trả lời. Điểm Toán đầu năm của con đã có khởi sắc từ 7 trở lên (do con làm ẩu) và có cả 9, 10.

Với môn Văn, chị Hương và con tìm hiểu nghĩa của những từ chưa biết. Và chị chuyển con vào học lớp có cô giáo dạy Văn nhiệt tình, kiên nhẫn với những bạn học thiên về logic như con.

Với môn tiếng Anh, chị Hương học phiên âm từ để cố gắng làm bạn với con. Đồng thời, tìm cho con lớp học thêm logic và hệ thống tốt nhất. Với các môn học khác, chị đề nghị con chép ý chính và liên hệ thực tế nhiều nhất có thể; nếu có bài tập thì phải làm theo đúng yêu cầu. Trường hợp bài quá khó, con hỏi mẹ để có hỗ trợ. Đồng thời với việc củng cố các môn học, chị chuyển con từ lớp chọn sang lớp thường để giảm áp lực thành tích và giảm lượng bài tập các môn học.

Thành quả

Con vào lớp học mới gần hai tháng như cá gặp nước. Mỗi ngày con đều muốn là ngày đi học để được gặp các bạn, được biết thêm nhiều kiến thức mới. Con còn dám thể hiện mình ở những lĩnh vực từ trước đến giờ con nghĩ là mình kém cỏi như vẽ, hát, đóng kịch, phát biểu trước lớp. Con không còn sợ bị đúp và tin rằng mình có thể đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu của lớp trong tháng tới.

Cùng con trải qua giai đoạn khó khăn, chị Hương cho rằng, khi mẹ thay đổi, con sẽ thay đổi; trẻ sẽ làm theo những gì bố mẹ làm chứ không làm theo những gì bố mẹ nói. Bên cạnh đó, mẹ dám nhìn vào nỗi sợ của mình và chấp nhận nỗi sợ đó tồn tại, thì con cũng chấp nhận được nỗi sợ của con.

"Khi mẹ chấp nhận con người con, chấp nhận rằng có thể con không có khả năng học, và mẹ có thể hỗ trợ để con tìm ra điều mà con có khả năng thực hiện nhất, con sẽ rũ bỏ được tất cả các áp lực, sẵn sàng để thấy mình là chính mình, độc đáo và duy nhất. Đồng thời con cũng học được rằng cho dù thế nào luôn có người tin tưởng con có khả năng thay đổi để tốt lên, có người luôn yêu thương con dù con chỉ là con.

Khi con thấy mình luôn được yêu thương dù không có lý do gì. Con cũng yêu thương gia đình vô điều kiện, cho dù bố mẹ không kiếm tiền giỏi như bố mẹ bạn khác, cho dù bố mẹ không phải là quan chức như bố mẹ bạn khác, cho dù bố mẹ cũng còn vô vàn những điều chưa bằng bố mẹ bạn khác", chị Hương chia sẻ.

Con không chép bài, không làm bài tập và 6 bước xử lý thấu tình đạt lý của bà mẹ ở Hà Nội - Ảnh 3.

Q.M khắc tên mình trên cát

Theo chị Hương, quá trình xác định mục tiêu và lên kế hoạch giúp con hiểu "luôn phải có kế hoạch cụ thể cho mỗi mục tiêu". Quá trình thực hiện kế hoạch cần tính kỷ luật cao. Ví dụ mỗi ngày con phải làm hết bài tập về nhà của ba môn chính thì bạn phải đảm bảo biết được con học gì trong ngày và có bài tập gì. Nếu con chưa học xong thì đừng cho con xem phim, dùng điện thoại và chơi máy tính – thiết bị điện tử luôn chi phối tâm trí và làm con khó tập trung vào việc học. Việc nhà con phải làm mỗi ngày giúp con biết "cần lo ăn uống cho bản thân mình".

"Khi con thể hiện năng khiếu rõ rệt ở một lĩnh vực cụ thể nào đó, hãy cho phép con dành toàn bộ sự chú ý, đam mê, thời gian cho môn năng khiếu đó; và cho phép con bớt chú ý với những kiến thức cơ bản như Toán, Văn, Anh.

Chị bạn mình đã chấp nhận con chỉ có năng khiếu vẽ, mỗi lần đi họp phụ huynh chỉ cần con lên lớp là chị đã rất vui mừng; con học hết lớp 9, chị sắp xếp để con đi học Cao đẳng nghệ thuật. Bạn học cùng lớp con trai mình có năng khiếu hát. Bạn ấy cũng được mẹ chuyển từ trường điểm (đúng tuyến) sang trường thường trái tuyến để giảm áp lực học. Con sẽ học Cao đẳng nghệ thuật khi hết lớp 9.

Con trai mình có năng khiếu cờ vua, nhưng khi bị ép học kiểu ‘Học cờ xong mới được chơi game’ thì con đã bỏ cờ vua một cách dứt khoát. Đến bây giờ, khi đã bỏ cờ vua được hơn 6 tháng, con vẫn rất cảnh giác khi mẹ nhắc đến chữ ‘chơi cờ’. Vì thế, hãy cảnh giác khi đặt điều kiện với việc học của con. Con hoàn toàn có thể vứt bỏ việc học khi cảm thấy bị thách thức", bà mẹ ba con lưu ý thêm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày