- Mẹ, hôm nay cô giáo "tát" vào mặt con..., Tiểu Đinh Đông, con chị Vương (Trung Quốc) sau khi đi học về thổ lộ với mẹ.
- Tại sao con lại bị đánh?", bà mẹ cố kiềm chế cơn giận, hỏi.
- Vì con không ngủ trưa nên cô giáo "tát" vào mặt và con ngủ thiếp đi.
Đến đây, chị Vương không giữ bình tĩnh được nữa. Vừa xót con vừa giận dữ, bà mẹ lập tức gọi điện cho cô giáo nhưng không liên lạc được, chị càng thêm lo lắng... Cô giáo có đánh con thật không là câu hỏi quẩn quanh mãi trong suy nghĩ của chị. Nhưng Đinh Đông mới 4 tuổi thôi, con không thể nói dối được.
Buổi tối, thấy mẹ trằn trọc trở mình, Đinh Đông xoa mặt mẹ nói: "Mau ngủ đi! Hôm nay cô giáo đánh con thế này, bảo con mau đi ngủ đi. Làm vậy con sẽ ngủ được". Chị Vương lúc này như vỡ òa. Thì ra là như vậy, may mà cô giáo không nghe điện thoại, nếu không chị đã phạm sai lầm nghiêm trọng mất rồi.
Cha mẹ cẩn thận sẽ thấy rằng đôi khi trẻ sẽ nói về những điều không xảy ra. Ví dụ: "Bố mình có thể lái máy bay"; "Mình cũng có một món đồ chơi như thế này, lớn hơn của bạn". Hoặc đôi khi chúng sẽ nói: "Cô giáo đánh con"; "bạn đánh con".
Điều này có nghĩa là trẻ em đang học cách nói dối? Thật ra không hẳn. Đối với trẻ em, đây chỉ là một dạng tự ái, trốn tránh, tự thỏa mãn hoặc không phân biệt được thực tế và tưởng tượng, hiểu mơ hồ về nhiều khái niệm. Lúc này, trẻ cần nhất sự hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ.
1. Nhận thức khái niệm mơ hồ
Do trình độ nhận thức của trẻ nhỏ còn hạn chế nên một số khái niệm còn mơ hồ, nhiều khi nhầm lẫn "xoa má"; "nựng yêu" là "đánh", giống như trường hợp của Đinh Đông.
2. Lẫn lộn giữa tưởng tượng và thực tế
Trẻ nhỏ có trí nhớ kém chính xác và trí tưởng tượng phong phú nên rất dễ nhầm lẫn tưởng tượng với thực tế. Từ đó, chúng mô tả những gì sắp xảy ra như những gì đã xảy ra. Ví dụ, nếu một đứa trẻ muốn sở hữu một chiếc ô tô đồ chơi, nó có thể nói với những người khác: "Con có một chiếc ô tô đồ chơi!".
3. Bắt chước người khác
Trẻ từ 3 đến 6 tuổi có khả năng bắt chước rất mạnh nhưng lại thiếu khả năng phân biệt đúng sai và khả năng tự chủ, khi thấy hành động bạn bè hoặc người lớn xung quanh trẻ thường dễ dàng học theo.
4. Trốn tránh hình phạt
Trẻ nhỏ trong các gia đình có sự kiểm soát cao thường nói dối vì sợ bị chỉ trích hoặc trừng phạt khi làm sai điều gì đó hoặc không đáp ứng được kỳ vọng của người lớn.
5. Thu hút sự chú ý
Những đứa trẻ thường bị cha mẹ nói rằng kém cỏi hơn người khác, đã lâu không được quan tâm hay khen ngợi, sẽ dùng những lời nói dối để thỏa mãn sự trống rỗng bên trong và thu hút sự chú ý của cha mẹ.
1. Hướng dẫn đúng cách
Đừng dán nhãn trẻ là "nói dối", giúp trẻ học cách phân biệt đâu là thật và đâu là tưởng tượng; hướng dẫn trẻ nhận biết các khái niệm thông thường và rèn luyện khả năng thể hiện của trẻ.
Bên cạnh đó, hãy chú ý đến nguyên nhân trẻ nói dối, đó có phải là sự la mắng vì cha mẹ áp đặt và kỳ vọng quá cao? Tìm hiểu lý do tại sao, và sau đó suy ngẫm về trách nhiệm của chính mình. Hãy tạo cho trẻ một môi trường gia đình, nơi trẻ có đủ trung thực và dũng cảm để nhận lỗi.
2. Cha mẹ làm gương
Cha mẹ phải làm gương trung thực cho con cái, không dỗ dành con cái bằng sự gian dối, đã hứa với con thì nên thực hiện.
3. Có mức độ thưởng phạt
Khi trẻ mắc lỗi, đừng trách mắng mù quáng mà hãy hướng dẫn trẻ đối mặt với lỗi lầm và tìm cách giải quyết. Nên phân tích cho trẻ biết đây là hành động sai trái và hậu quả của việc nói dối để trẻ rút ra bài học. Khi trẻ thừa nhận lỗi của mình, cha mẹ cũng nên khen ngợi tinh thần nói thật của trẻ, chỉ bằng cách này, trẻ mới biết điều gì là đúng. Đồng thời giữa phụ huynh và con sẽ cùng thống nhất hình thức phạt để trẻ ghi nhớ không tái phạm lần sau.
Hãy dành cho con tình yêu vô điều kiện. Phần lớn hành vi xấu của trẻ đều xuất phát từ tình yêu có điều kiện của cha mẹ, chỉ có tôn trọng và yêu thương con bất chấp con giỏi giang hay bình thường thì trẻ mới có thể phát triển lành mạnh.
4. Hướng dẫn qua câu chuyện
Sử dụng những câu chuyện trong sách tranh hoặc trò chơi nhỏ để trẻ nhận ra rằng nói dối là một hành vi xấu, và trung thực, dám đối mặt với sai lầm là những hành vi đáng được khen ngợi.
Giáo sư Schlucker, một nhà giáo dục người Đức, từng nói: "Lần đầu tiên một đứa trẻ nói dối một cách có ý nghĩa là một bước phát triển quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ nói dối là dấu hiệu trẻ có trí tưởng tượng, đây là hành vi đột phá gắn kết với môi trường xung quanh".
Theo quan điểm này, việc trẻ nói dối không phải là điều xấu, nhưng chúng ta không được biến nó thành điều xấu! Đối mặt với việc nói dối như "cô giáo đánh con" nói trên, cha mẹ phải xử lý bình tĩnh, lý trí tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra trước khi có những hành động phù hợp tiếp theo. Đừng chỉ tin lời nói một chiều của con, nếu không sẽ hại con và còn có thể gây hại cho người khác.