Khi phát hiện trẻ nói dối, cha mẹ thường cảm thấy phiền lòng và cho rằng con không ngoan. Thậm chí nhiều phụ huynh còn lo lắng cho tương lai của trẻ, sợ con lớn lên sẽ trở thành người lươn lẹo nói dối không chớp mắt.
Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi chưa thực sự có thể phân biệt được đâu là thực tế và đâu là tưởng tượng. Điều đó có nghĩa là đứa trẻ 1 hoặc 2 tuổi không thể hiểu được khái niệm nói dối và nói sự thật. Vì vậy đôi lần trẻ nói dối chỉ là sự phóng đại trí tưởng tượng của mình mà thôi. Và như thế việc con nói dối chưa hẳn đã là xấu. Thậm chí còn kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ.
1. Trí tưởng tượng tích cực
Đôi khi trẻ nhầm lẫn giữa tưởng tượng và thực tế: trẻ kể cho bạn nghe về những chuyến phiêu lưu kỳ thú, sức mạnh siêu nhiên của mình hoặc của ai đó trong nhà... Việc nói dối giúp cho trẻ trở nên đặc biệt hơn trong mắt người mà con muốn thể hiện. Cha mẹ không cần quá nghiêm khắc với những lời nói dối như vậy, theo thời gian trẻ lớn thì những lời nói dối như thế cũng sẽ tự động biến mất mà thôi.
2. Trẻ hay quên
Đôi khi trẻ đã làm một việc gì đó nhưng con quên mất. Khi cha mẹ trách phạt, trẻ một mực nói mình không làm. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân trẻ không nhớ chứ không phải con có ý nói dối hòng thoát tội.
3. Trẻ sợ bị mắng, đánh đòn
Nhiều bậc phụ huynh áp dụng phương pháp giáo dục "Thương cho roi cho vọt" nên khi trẻ phạm bất cứ một lỗi nào đó, điều này dẫn đến việc trẻ không thành thật. Nhiều khi trẻ con nói dối vì chúng biết nói thật sẽ bị phạt. Hãy khuyến khích con nói thật bằng cách nào đó để trẻ không còn sợ hãi việc bị phạt nữa, chẳng hạn như giảm nhẹ hình phạt khi trẻ thành thật nhận tội.
4. Trẻ cảm thấy có lỗi
Việc phải chịu nhiều áp lực có thể khiến trẻ nói dối. Thông thường, bé sẽ nói dối khi đối mặt với điều sai trái. Bởi chúng cảm thấy sợ cha mẹ thất vọng. Nếu phản ứng của bạn đối với sự thật bớt u ám đi thì con cũng sẽ bớt lo ngại tổn thương bạn vì nói thật.
5. Trẻ đang lịch sự
Đôi khi một đứa trẻ được cha mẹ giáo dục thật kỹ chúng sẽ có cách nói dối để giữ phép lịch sự. Ví dụ trẻ sang hàng xóm chơi và được mời ăn cơm cùng gia đình. Con sẽ nói mình không đói hoặc nhà mình ăn rồi. Thực chất là bé đang đói và nhà cũng chưa ăn cơm. Nhưng con nói dối để giữ phép tắc, lịch sự. Điều này là đáng khen.
6. Vì lợi ích cá nhân
Có thể thấy, với trẻ nhỏ, ích lợi mà chúng nghĩ rất nhỏ bé, có thể chỉ là một lời khen, muốn có sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, muốn có cái bánh hay một món quà chúng muốn có từ lâu…, chúng sẽ nói dối và bịa ra những điều chúng không làm, chỉ để vừa lòng người lớn và đạt được lợi ích chúng muốn.
7. Trẻ học người lớn
Trẻ con luôn bắt chước người lớn. Trong một môi trường toàn những lời nói dối, trẻ cũng sẽ học cách nói dối. Khi cha mẹ bé không thành thật, điều này dẫn đến những tín hiệu khó hiểu cho một đứa trẻ luôn được bảo là phải sống trung thực. Việc chứng kiến cảnh cha mẹ nói dối có thể con cái sẽ bắt chước theo.
Khuyến khích trẻ nói thật: Thay vì trách mắng khi trẻ không trung thực, cha mẹ hãy khuyến khích và khen ngợi lời nói thật của con. Phụ huynh nên nhẹ nhàng sẽ khiến trẻ thấy được tin tưởng và luôn trung thực trong lời nói của mình.
Không buộc tội trẻ: Ví dụ, con làm đổ hộp đồ chơi ra sàn, mẹ không mắng mà hãy nhẹ nhàng hỏi: "Sao hộp đồ chơi rơi hết ra sàn thế nhỉ? Ước gì có ai đó dọn giúp mẹ vào đúng vị trí". Sau câu nói đó, có thể trẻ sẽ là người nhặt gọn đồ chơi vào đúng vị trí.
Không đặt quá nhiều áp lực lên trẻ: Cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và quy tắc rồi bắt con nghiêm túc tuân thủ hay đạt được.
Xây dựng niềm tin: Hãy để trẻ biết rằng, cha mẹ tin tưởng mình và mình cũng tin tưởng cha mẹ. Khi đã có niềm tin, trẻ sẽ không còn sợ hãi để phải che giấu sự thật. Hãy cố giao tiếp với trẻ như những người bạn, tôn trọng trẻ và giải thích đâu là đúng, đâu là sai. Như thế con sẽ tin cha mẹ là những trọng tài công tâm trong cuộc sống.