Cô bé Tiểu Kiều 10 tuổi thừa hưởng từ mẹ sống mũi cao và làn da trắng mịn, nhưng cũng mang theo "gen di truyền" của mẹ – đôi mắt nhỏ. Trong khi mẹ thấy đó là một nét duyên thì với Tiểu Kiều, đó lại là "điểm trừ lớn nhất" trên gương mặt mình.
Một buổi cuối tuần, bé đứng thật lâu trước gương trong nhà vệ sinh, cố gắng dùng tay kéo mắt to ra rồi thở dài hỏi mẹ: "Mẹ ơi, sao mẹ lại truyền cho con đôi mắt nhỏ xíu này chứ? Xấu quá đi! Bạn con nói có thể đi thẩm mỹ để làm mắt to hơn đấy".
Người mẹ không vội phản bác, chỉ nhẹ nhàng ôm con vào lòng và nói: "Con của mẹ bắt đầu biết để ý đến ngoại hình rồi, con đang lớn thật rồi đấy".
Trẻ con nào cũng mong mình xinh đẹp, nổi bật – điều đó giúp các con cảm thấy tự tin hơn trong học đường và cuộc sống. Nhưng nếu bố mẹ không tinh tế nhận ra, nỗi lo này có thể trở thành rào cản khiến con mất tự tin lâu dài.
Người mẹ thông thái ấy đã lắng nghe, tìm hiểu và kiên nhẫn áp dụng 3 cách "chữa lành" đơn giản, giúp con từng bước vượt qua ám ảnh về ngoại hình.
ảnh minh họa.
Đôi mắt nhỏ của Tiểu Kiều từng là nỗi buồn, nhưng mẹ cô bé đã khéo léo biến điều đó thành nét duyên riêng biệt:
"Con thấy không, đôi mắt nhỏ này khi cười cong cong như vầng trăng non ấy, nhìn thật thân thiện. Mẹ ngày xưa đi phỏng vấn, người tuyển dụng nói chính ánh mắt ấy giúp tạo cảm giác gần gũi, khiến khách hàng yên tâm hơn."
Những lời kể giản dị ấy khiến bé không còn thấy mắt mình là "khiếm khuyết" nữa, mà là một phần đáng yêu, có giá trị. Trẻ em thường hình thành nhận thức về bản thân thông qua ánh mắt và lời nói của cha mẹ. Nếu bố mẹ biết "gán ý nghĩa tích cực" cho các đặc điểm trên cơ thể con, trẻ sẽ hiểu rằng vẻ ngoài không chỉ là đẹp hay xấu, mà còn là bản sắc riêng.
Người mẹ chia sẻ: "Hồi con còn nhỏ, ai cũng khen con xinh, nhưng mình cố gắng không để con chỉ thấy bản thân qua ngoại hình. Vì cái đẹp sẽ phai, chỉ tài năng và nhân cách mới bền vững".
Thay vì nói: "Hôm nay con đẹp quá!", chị sẽ nói:
"Con làm bài tập nhanh và rất gọn gàng".
"Bộ đồ con phối hôm nay nhìn rất tươi tắn, tràn đầy sức sống".
"Hôm nay con giúp mẹ xách đồ rất nhiệt tình, mẹ cảm thấy thật ấm lòng".
Buổi tối, hai mẹ con cùng nhau viết ra ba điểm tốt (không liên quan đến ngoại hình) về nhau. Điều đó giúp Tiểu Kiều dần nhận ra: Giá trị của mình không nằm ở đôi mắt to hay nhỏ, mà ở chính hành động, nỗ lực mỗi ngày.
Người mẹ thẳng thắn: "Khi con lớn lên, nếu vẫn không thích một nét nào đó trên gương mặt, con có thể chỉnh sửa – nhưng phải hiểu rằng thẩm mỹ cũng có rủi ro, và mẹ yêu con không phải vì con đẹp hay không."
Chị nhấn mạnh: "Mẹ yêu con, đơn giản vì con là con gái mẹ, là người mẹ sinh ra, là cô bé biết thở và sống trên đời này."
Thông điệp ấy giúp con hiểu rằng: ngoại hình có thể thay đổi, nhưng giá trị thật sự nằm ở việc con có sống chân thành và biết yêu bản thân mình hay không.
Từ đó, Tiểu Kiều không còn soi gương rồi chê mình xấu nữa. Một hôm cô bé hào hứng khoe: "Mẹ ơi, lúc đi chợ với ba, có chú bảo mắt con xinh lắm, lấp lánh như có ánh sao!"
"Body shaming" không chỉ đến từ người khác – mà đôi khi xuất phát từ chính nhận thức của trẻ với bản thân. Nỗi lo về ngoại hình thường ẩn chứa sự thiếu an toàn, thiếu tự tin.
Cha mẹ đừng chỉ nói: "Con đẹp lắm rồi!" mà hãy đồng hành cùng con, giúp con nhìn thấy bản thân bằng cái nhìn bao dung và vững vàng hơn.
Vì đứa trẻ tự tin nhất – không phải là đứa trẻ xinh đẹp nhất – mà là đứa trẻ biết mình đáng yêu theo cách rất riêng.