Con đường "sa chân" vào ma tuý của cô giáo dạy văn cấp 2

Nguyễn Hiền, Theo VOV 11:05 24/06/2024

Từ một cô giáo dạy văn cấp 2, V.T.L đã “sa chân” vào con đường nghiện ngập ma tuý. Để rồi từ đó, tài sản tiêu tán, con cái thiếu vắng tình thương.

“Nếu cho tôi chọn một từ để nói về cuộc đời tôi lúc này? Tôi xin trả lời nhà báo rằng, đó là chữ “Nhục”. Ngay lúc này, tôi cảm thấy rất nhục nhã vì những gì tôi đã làm. Tôi từng là một đảng viên, một công chức, một nhà giáo nhưng lại dính vào ma tuý, tôi không biết tôi sẽ lấy lại danh dự bằng cách nào và bao lâu nữa?” .- Đó là chia sẻ của chị V.T L.một học viên hơn 40 tuổi, đang cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện tỉnh Vĩnh Phúc. V.T.L từng là một giáo viên dạy Văn.

Con đường sa chân vào ma tuý của cô giáo dạy văn cấp 2 - Ảnh 1.

Từ một cô giáo dạy văn cấp 2, chị V.T.L đã sa chân vào con đường nghiện ngập ma tuý

Biết bạn cho ma tuý vào nước ngọt nhưng vẫn sử dụng

Theo lời kể của L, năm 2001, chị được nhận vào dạy môn văn tại một trường THCS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. 15 năm trong nghề, bằng sự tần tảo của người phụ nữ chịu thương, chịu khó, chị đã xây dựng được cho mình một gia đình hạnh phúc với hai con nhỏ, một quán cà phê và một cửa hàng đồ lưu niệm.

Đến năm 2015, hai vợ chồng L. ly hôn do không tìm thấy tiếng nói chung. Thương các con còn nhỏ, chị chịu khó làm ăn, tích luỹ được chút vốn. Đến năm 2019, chị mở thêm dịch vụ karaoke vì nghe bạn bè nói lợi nhuận rất cao.

Ngày đó, theo lời kể của L, chị là một người phụ nữ rất đảm đang. Mỗi tháng có thể kiếm được 40-45 triệu do nhiều nguồn thu nhập. Lúc này, mới 38 tuổi, L. đã “tậu” cho mình được 4 miếng đất ở vị trí đẹp. Nhưng cũng chính từ đây, L. bắt đầu sa chân vào ma tuý.

“Kinh doanh phòng hát, thanh niên thường đến sử dụng chất kích thích. Để lấy lòng khách, trong quá trình kinh doanh, tôi hay giao lưu với họ. Trong đó, có một lần và đây cũng là lần đầu tiên họ bỏ thuốc lắc vào nước cho mình uống. Lúc này, tôi không có cảm giác phê pha, chỉ nằm yên một chỗ, chân tay lịm dần, 6 tiếng sau mới tỉnh. Trong giới chơi ma túy, người ta gọi đây là cảm giác “đóng băng”- L. xót xa kể lại.

Cùng thời điểm này (2019), trong một lần giao lưu với khách, L. cùng nhóm bạn bị công an bắt khi đang sử dụng ma tuý. Bị ngành giáo dục họp Đảng từ huyện đến trường, nhưng trong trí nhớ của L, chị vẫn cãi và nói rằng, mình sử dụng thuốc tây không rõ nguồn gốc. Nhưng sau đó chị xin nghỉ dạy học vì tự thấy xấu hổ không dám đến trường.

“Từ đây tôi chính thức trượt dài. Đến năm 2023 tôi nghiện ma tuý không dứt ra được. Giữa năm đó, tôi bị công an bắt, đưa vào đây cai nghiện bắt buộc. Nhưng có một điều, đến khi tôi bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, bố mẹ tôi vẫn không tin. Còn chị gái tôi, thì nói với tôi rằng “đây là một điều điên rồ nhất mà chị nghe thấy, làm sao mà ra kết quả này được”. Vì thực sự trong mắt mọi người, tôi là một đứa con gái, em gái rất ngoan và thành đạt. Nhưng lúc này, kết quả xét nghiệm rõ ràng trên giấy trắng, mực đen thì tôi không còn cãi gì được nữa”.- L. kể lại

Khi chơi với bạn không tốt, họ chỉ mong mình xấu hơn

“Khi dính vào ma tuý, tôi không quản lý được quán hát, dần dần buông hết, để các em làm. Thời gian còn lại tôi chỉ tụ tập bạn bè, đi Hà Nội, đi nhiều nơi để “bay lắc”. Nhiều lần tôi bỏ con cho người giúp việc chăm rồi đi chơi. Mỗi lần như thế tốn khoảng 10 triệu đồng cho 5-6 người. Thời điểm đó, bằng 2 tháng lương công chức”. Tốn kém là vậy, nhưng theo chia sẻ của L. khi đã sa chân vào ăn chơi thì thường nổi lên bản tính thích thể hiện. Khi đó, chỉ cần nghe nói có “ông anh xã hội” ở tỉnh này, tỉnh kia mà trong giới dân chơi tung hô “đấy là những người anh mình phải tôn trọng” đến phòng hát thì chị thấy “oai” lắm. Vì nó thể hiện đẳng cấp, và cảm giác được tiếp xúc với người sang trọng. Cho nên, lúc này biết họ mời ma tuý, chị L. vẫn sử dụng.

“Biết mình ly hôn, có điều kiện, bạn bè cứ rủ rê mình. Những người có bản tính chơi bời, khi chơi với mình chắc chắn không tốt đẹp, đó là sự thật. Khi người ta không tốt, người ta kéo theo mình không tốt, thành một ekip, bè lũ ăn chơi sa đoạ. Nếu muốn tốt đẹp, mình phải tách ra khỏi bạn xấu, nếu không mình sẽ đi rất xa và không có đường về. Bây giờ nghĩ lại, nếu để làm lại, tôi sẽ không kinh doanh quán hát nữa. Bởi, kinh doanh trong lĩnh vực này kéo theo rất nhiều hệ luỵ. Hệ luỵ lớn nhất là mình chơi bời không lối thoát. Chính vì vậy, nên 4 mảnh đất đẹp tôi đứng tên, giờ bay hết”- chị L. kể lại.

Nhẩm tính lại, L. cho biết, sau hơn 1 năm chính thức nghiện ngập, chị “đốt” khoảng 4-5 tỷ đồng. Số tiền ngoài chi phí cho mỗi lần bay lắc, còn lại là chơi game.

“Chất kích thích làm cho con người ảo lắm, cứ hút vào nghĩ đến game luôn. Tài khoản nạp vào, ngày nạp nhiều nhất khoảng 35 triệu, trung bình mỗi ngày 2-3 triệu. Mỗi tháng tôi chi tiêu khoảng 100 triệu”-L.nhớ lại. Tiền hết, gia đình ly tán, điều L.mong mỏi nhất lúc này là nhanh chóng cai nghiện thành công để về với các con. Khi trở về, việc đầu tiên chị làm là thay một bộ quần áo thật đẹp, sang thắp hương bên nhà bố mẹ đẻ. Sau đó, quỳ xuống xin lỗi bố. Vì bố L. là bộ đội xuất ngũ. Sau đó, L. sẽ mở một cửa hàng bán đồ ăn vặt ở cổng trường cấp 3 vì đó là căn nhà duy nhất L.còn. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất là chị chưa biết làm thế nào để đối diện với các con.

“Đến giờ, tôi vẫn giấu con tôi, không cho con biết. Nhưng tôi nghĩ con tôi đã biết. Hiện nay tôi đi được 11 tháng rồi, người nhà vẫn nói tôi đang đi Vũng Tàu công tác. Con trai lớn tôi năm nay chuẩn bị thi Đại học. Giờ tôi muốn nói chuyện với con cũng không có điều kiện. Ngày thi của con đến bây giờ tôi cũng không biết con thi ngày nào. Bởi ở trong này, mọi thông tin bên ngoài chỉ có cái ti vi. Và nếu tôi ở ngoài, có lẽ giờ này, việc tôi làm là chăm sóc con thật tốt”- chị L. bộc bạch.

Con đường sa chân vào ma tuý của cô giáo dạy văn cấp 2 - Ảnh 2.

Ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện tại cơ sở cai nghiện đang có 382 học viên, trong đó có 5 nữ. Cũng theo ông Dũng, sau 6 năm công tác ở cơ sở cai nghiện, cơ sở lúc nào cũng thành phần học viên rất đa dạng, không kể già, trẻ, có cả công chức, viên chức. Thậm chí, có cán bộ đang công tác tại cơ sở cai nghiện đã nghiện ma tuý, bây giờ lại vào đây thực hiện cai nghiện. Theo ông Dũng, để xảy ra tình trạng này là do mặt trái của xã hội, xã hội càng phát triển thì tệ nạn xã hội càng gia tăng.

“Khi mình quốc tế hoá toàn cầu có thể có những cái mình du nhập từ bên ngoài. Khi đời sống xã hội càng lên cao thì tệ nạn xã hội được kéo theo. Như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: “Khi chúng ta thực hiện đổi mới, mở cửa ra để đón gió lành thì cuốn theo cả bụi bặm”. Đấy là lý do ma tuý ngày một phát triển, đối tượng nghiện hiện nay gia tăng theo xu hướng phát triển của xã hội”- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, tất cả những trường hợp nghiện kéo dài đều gây loạn thần, không kiểm soát được hành vi tác phong, không cảm giác được ngôn ngữ, dễ sinh ảo giác. Cho nên các học viên vào đây đều trải qua 5 giai đoạn cai nghiện. Một là, phân loại học viên. Hai là, cắt cơn giải độc. Ba là, giáo dục hành vi, nhân cách. Bốn là, lao động trị liệu và cuối cùng là tái hoà nhập cộng đồng. Và tất cả các học viên vào đây chậm nhất trong hai năm cơ thể sạch sẽ ma tuý. Tuy nhiên tại sao tỷ lệ tái nghiện cao vì nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố gia đình, xã hội”- ông Dũng nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày