Chuyện chương trình lớp 1 năm nay nặng, quá tải không chỉ là vấn đề đau đầu với phụ huynh có con học lớp 1 mà còn vô tình tạo áp lực lên vai của những cha mẹ có con chuẩn bị lên tiểu học. Sợ con đuối, không theo kịp bạn bè nên ngay từ bây giờ, nhiều bố mẹ đã bắt đầu ép con rèn chữ . Thế là thay vì chỉ ăn, ngủ và chơi, những đứa trẻ với đôi tay chưa đủ cứng cáp để cầm bút đã phải ngày ngày cặm cụi trên bàn nắn nót tô chữ, viết chữ cho vừa ý bố mẹ.
Hành động này lợi đâu chưa thấy nhưng trước mắt, nhiều mẹ đã phải hối hận vì "ép trái xanh chín sớm". Trẻ bị gò ép vào khuôn phép quá sớm sẽ căng thẳng, bực bội, những kỹ năng chưa thành thạo cộng với việc tiếp thu bài chưa tốt sẽ khiến trẻ tự ti, sợ học. Thậm chí, nhiều trẻ còn lâm vào tình trạng hoảng loạn như chia sẻ của một bà mẹ tên H.Nguyen trên một hội nhóm dành cho phụ huynh mới đây.
"Con em đang học lớp lá, khoảng 1 tuần nay em có cho tập viết chữ với cô giáo sau buổi học tầm 45p/buổi. Mới chỉ viết nét cơ bản và tầm 4-5 dòng/buổi thôi. Nhưng tối ngủ bạn lại có biểu hiện hoảng loạn sau khi ngủ được khoảng 1h. Người run, tay chân lặp đi lặp lại những biểu hiện khó hiểu, mắt mở nhưng hỏi thì bé không trả lời. Vỗ về bé 10-15 phút thì bé ngủ lại. Sáng ra thì bình thường. Em có tìm hiểu trên mạng là hội chứng rối loạn giấc ngủ có thể gặp khi trẻ bắt đầu đi học. Có con mẹ nào ở đây bị như vậy không ạ?".
Đáng nói, khi câu chuyện này được chia sẻ, nhiều phụ huynh phát hiện ra đây không chỉ là trường hợp đặc biệt mà có khá nhiều bà mẹ có con trải qua tình trạng này. Một người mẹ khác kể: "Ôi y như con mình cách đây 1 năm, lúc mở mắt nhìn mình nhưng không ý thức được, tay chân nắm quắp lại, mồ hôi toát đầm đìa, vùng vẫy ghê lắm, cứ ngủ khoảng 1 giờ là bị như vậy. Nó bị kéo dài phải cả tháng luôn".
Nhiều mẹ khi theo dõi câu chuyện này cho rằng, so với việc con vào lớp 1 học chậm hơn các bạn với việc ép con học khi con chưa sẵn sàng, họ sẽ lựa chọn vế đầu tiên.
Một phụ huynh nêu ý kiến: "Ôi mẫu giáo mà 45 phút viết 4,5 dòng là quá nhiều luôn bạn ạ, con mình lớp 1 ngồi 10 phút chưa được 1 chữ hoàn chỉnh đây này. Mình không hiểu các mẹ cứ rối lên bắt con học sớm làm gì, năm nay chương trình nặng thật nhưng các mẹ không đặt nặng nó thì cũng có sao đâu, chỉ cần con trung bình là được. Bé nhà mình hồi đầu cô giáo cũng giao nhiều bài nhưng mẹ lười con lười cứ chây ì ra thôi, giờ vẫn ổn".
"Con của em lớp lá không đi học thêm, giờ lên lớp 1 cũng chưa từng học thêm buổi nào. Mấy ngày đầu thì bỡ ngỡ kém các bạn nhưng giờ vào chương trình rồi vẫn viết chữ và đọc như bình thường. Cứ cho con tập tô chữ theo nét đứt, dạy con nhận biết các số 1-10 và thuộc bảng chữ cái rồi dạy ghép vần, thi thoảng đố thêm bớt kẹo. Rồi sau Tết dạy con viết buông nét cơ bản rồi sang viết chữ. Học dần dần chứ ép sớm quá bé nản bạn à", một mẹ khác đồng tình.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi Hội Trị liệu Tâm lý Trăng Non (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TP.HCM) cho biết: "Không thể chỉ thông qua một vài biểu hiện để kết luận trẻ bị rối loạn giấc ngủ là do việc ép con học sớm. Trên thực tế, chuyện mất ngủ có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân như môi trường gia đình, chế độ ăn uống, sức khỏe của trẻ... Giấc ngủ đối với trẻ em là vô cùng quan trọng, khi trẻ có những biểu hiện bất thường, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân. Nếu xác định có sang chấn tâm lý thì bản thân trẻ và gia đình cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Tuy nhiên, sẽ là phản khoa học nếu bắt ép trẻ dưới 6 tuổi học chữ",
Bác sĩ Tiến nói thêm: "6 tuổi là mốc tuổi trẻ đã có sự phát triển toàn diện về nhân cách, thể chất, tinh thần, độ khéo léo… thích hợp nhất cho việc học theo một chương trình đào tạo. Trong khi 4-5 tuổi là giai đoạn trẻ có nhu cầu vui chơi, khám phá… Trẻ chưa đủ trưởng thành để ngồi yên một chỗ quá lâu, tay trẻ chưa đủ khéo để uốn cây bút viết chữ theo ý muốn.
Có rất nhiều cơ hội vui chơi cho trẻ ở bất cứ đâu. Trò chơi vận động, tô màu, xếp hình, vẽ tranh... sẽ giúp trẻ luyện khéo léo đôi bàn tay, khỏe mạnh, vui vẻ… Tôi nghĩ, dù làm gì thì cha mẹ cũng cần tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con mình, đừng nôn nóng hay so sánh với những đứa trẻ khác để bắt ép con thực hiện những điều không phù hợp với lứa tuổi".