Shirley Caldwell và chồng của cô - Jeffrey - là những người rất thích ngắm chim. Vì sở thích này mà họ đã quyết định xây hẳn một khu dành riêng cho chim trong mảnh vườn đằng sau nhà tại Pennsylvania (Mỹ), những mong mỗi ngày được ngắm nhìn chim trời bay đến vui đùa.
Trong 25 năm qua đã có nhiều loài chim đã xuất hiện, nhưng gần đây họ được chứng kiến một "vị khách" hết sức kỳ lạ. Đó là một con chim chào mào lửa Bắc Mỹ (Cardinalis cardinalis). Loài chim này mang kích thước nhỏ bé thôi và vốn cũng không có gì hiếm. Chúng dài khoảng 21cm, con trống có màu lông đỏ rực rỡ, còn lông chim mái có màu olive hơi đỏ mờ.
Tuy nhiên chú chim ghé đến khu vườn nhà Caldwell lại mang trên mình bộ lông pha trộn của cả trống lẫn mái. Như trong hình dưới đây bạn có thể thấy nửa phía trước của con chim là màu đỏ rực của con trống, trong khi nửa sau nhạt hơn, đúng với màu của chim mái.
Tại sao con chim lại có màu sắc kỳ lạ vậy? Lý do còn bất ngờ hơn: hóa ra chú chim ấy quả thực là "bán nam bán nữ" theo đúng nghĩa đen. Tức là mỗi nửa của nó thuộc về 2 giới tính trái ngược nhau.
Hiện tượng này được khoa học gọi là "cá thể lưỡng tính" - bilateral gynandromorphism - lần đầu tiên được ghi nhận ở các loài chim vào những năm 1920, với trường hợp của loài gà.
"Quả thực chẳng bao giờ tôi nghĩ mình có dịp được chứng kiến một cá thể như vậy," - Shirley chia sẻ với National Geographic.
"Cá thể lưỡng tính" là một dạng của gene chimera - hay chimerism. Với khoa học, chimera - hay chimerism được dùng để chỉ những bộ gene tập hợp từ nhiều cá thể.
Chú chim này cũng vậy, nó chứa nhiều hơn một bộ ADN trong cơ thể. Chính xác hơn là hệ gene của nó là tổ hợp của 4 loại giao tử, đến từ 2 tinh trùng và 2 trứng. 2 quả trứng được thụ tinh lần lượt rồi bắt đầu phân chia, nhưng ngay từ giai đoạn đầu chúng đã kết hợp thành một hợp tử. Nó giống như trường hợp mang song thai ở loài người, sau đó bào thai mạnh hơn hấp thụ thai nhi yếu, để lại một cá thể mang bộ gene của cả hai.
Nếu 2 giao tử ấy mang giới tính khác nhau, cá thể còn lại sẽ mang đặc điểm sinh dục của cả 2 giới tính. Và tạo hóa tréo ngoe lại khiến cá thể ấy như bị chia làm 2 nửa, mỗi nửa thể hiện một giới tính.
Hiện tượng này thực chất đã từng xảy ra ở nhiều loài vật khác. Các tài liệu từ năm 1752 đã ghi nhận những con tôm hùm lưỡng tính. Ngoài ra, các loài cua, kiến, bướm và ngài cũng từng nhận được hiệu ứng này.
Nhìn chung thì đây là một hiện tượng đặc biệt hiếm. Năm 2015, nhà sinh học Michael Clinton từ ĐH Edinburgh cho rằng tỷ lệ chimerism xảy ra ở các loài chim là 1 phần triệu. Nhưng riêng với loài chào mào lửa Bắc Mỹ, người ta đã từng nhìn thấy những cá thể như vậy xuất hiện với tần suất cao hơn bình thường. Theo Brian Peer - chuyên gia sinh học từ ĐH Tây Illinois (Mỹ), lý do một phần cũng là vì cá thể chimerism của loài vật này có bộ lông nổi bật hơn nên có thể dễ dàng nhận ra.
Với trường hợp của chú chim trong vườn nhà Caldwell, có vẻ như cuộc sống của nó không phải chịu quá nhiều ảnh hưởng dù có bộ lông quá đặc biệt. Nó vẫn giao lưu cùng đồng loại, đặc biệt là với chim trống.
"Mỗi lần xuất hiện, nó đi cùng một con chim trống khác. Chúng bay lượn cùng nhau trong khu vườn," - Caldwell cho biết. Thậm chí, chúng còn cất tiếng hót cũng nhau nữa.
Hiện tại, Caldwell cũng chưa thể kết luận gì về khả năng sinh sản của con chim. Tuy nhiên, các báo cáo năm 1920 cho biết chú gà mắc chimerism vẫn có thể đẻ trứng, nên nhiều khả năng điều tương tự cũng sẽ xảy ra lần này.