Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một cô vợ đã trải lòng về những bức bối trong hôn nhân. Vấn đề tuy không có gì mới lạ, nhưng vẫn khiến nhiều người phải thở dài, thốt lên “đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Cô mở đầu bài tâm sự của mình bằng một câu hỏi: Có nhà nào mà vợ gánh tài chính toàn phần như em không ạ?
“Em ở nội thành Hà Nội. Thu nhập của em khoảng 20-30 triệu, của chồng khoảng 8 triệu. Mỗi tháng, chồng chỉ dưa em 3 triệu để đóng học cho con. Tiền học của con 7 triệu/tháng.
Các khoản chi lặt vặt trong nhà thì lương chồng còn bao nhiêu sẽ trả bây nhiêu, em thì lo những khoản to. Tháng nào có dư thì gửi tiết kiệm. Về cơ bản, em kiếm tiền chính nên em mặc định chồng sẽ đỡ đần việc nhà, nấu nướng, giặt giũ và chăm con. Vì để kiếm 20-30 triệu/tháng, em cũng phải làm thêm nữa.
Nhưng khoảng tầm 1 năm trở lại đây, chồng em lơ là việc nhà, em có nhắc cũng không chịu làm. Nhà cách công ty 5 phút đi xe nhưng có hôm anh về muộn 1 tiếng rưỡi, con đi học về không có gì ăn, em ở lại tăng ca vài buổi tối/tuần nên về muộn, xong lại tất bật lo cơm nước. Còn chồng em thì đi làm về là lên phòng riêng, bảo làm việc, kêu là rất nhiều việc, em cũng không biết là việc gì, nhưng chẳng thấy có thu nhập thêm.
Thậm chí gần đây, em phải nhắc vài lần mới chịu gửi tiền đóng học cho con. Hiện tại vợ chồng em đang ở nhà của bố mẹ chồng. Ra Tết là ông bà bảo không cho ở nữa, ý ông bà là vợ chồng em ở nhờ nhà ông bà mà cứ cãi nhau, không ai bảo được ai.
Quan điểm của em là lương 8 triệu ở Hà Nội, đã đi làm từ 8h sáng đến 5h chiều mà còn phải mang việc về nhà làm đến tối muộn thì hơi quá đáng. Mà chồng em không có chí tiến thủ, lúc Covid, chồng không đi làm, em cày nuôi cả nhà suốt đợt dịch, còn đầu tư cho chồng học thêm. Nhưng xong cũng bỏ, kêu là khó không học nổi. Gần đây 2 vợ chồng em không nói chuyện được với nhau nữa, em nhắn tin cũng không thèm trả lời. Em thực thấy mệt mỏi quá, muốn dừng lại…” - Cô viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, không ít người tỏ ra bức xúc với sự thờ ơ của người chồng trong việc vun vén cuộc sống gia đình. Nhiều người còn thắc mắc, không biết người chồng có vai trò gì, khi mà 3 triệu tiền học phí của con cũng phải để vợ giục mấy lần mới chuyển khoản?
“Mình là đàn ông đã có vợ, đọc bài của bạn, thực sự thấy chồng bạn là kiểu đàn ông vô trách nhiệm với vợ và con, cộng thêm việc nhà chồng có ý coi việc con cái ở nhà mình là ở nhờ, thì cũng khó mà bền lâu được. Không nản lòng mới lạ, nghe bạn kể thì không tìm thấy được ưu điểm nào của chồng để vin vào đó mà cố gắng nữa cả…” - Một người bày tỏ.
“Thực ra việc nhà, hay việc chăm sóc con cái là trách nhiệm của cả vợ và chồng, không phải là người nào kiếm được nhiều tiền hơn thì có quyền lơ là việc chăm sóc nhà cửa, con cái. Mình không đồng tình với quan điểm đó của bạn. Còn việc chồng lương 8 triệu mà bận tối ngày, không đỡ đần được vợ, lại không chủ động đóng góp tiền bạc nuôi con thì đúng là nên xem xét lại” - Một người chia sẻ quan điểm.
“8 triệu/tháng ở Hà Nội có khi còn chưa đủ nuôi thân. Vợ đã gánh kinh tế cả mấy năm dịch, lại đầu tư cho chồng đi học mà giờ lương vẫn 8 triệu thì chồng bạn là người không có chí rồi, chưa bàn đến kinh doanh hay đầu tư gì lớn đâu, chỉ là chí tiến thủ thôi cũng không thấy” - Một người khác nhận định.
Không ai muốn bất đồng, mâu thuẫn với bạn đời, dù là trong khía cạnh nào của cuộc sống đi chăng nữa. Chẳng phải tự nhiên mà người ta lại bảo “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Chỉ cần vợ chồng chung chí hướng, không khó khăn nào lại không vượt qua được.
Vậy nên làm gì để hạn chế tình trạng vợ chồng bất đồng vì chuyện tiền bạc? Câu trả lời, về cơ bản, có thể gói gọn trong 2 vấn đề dưới đây.
1 - Thành thật về mức thu nhập và các khoản nợ của mỗi người
Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát chỉ là chuyện khả thi khi chưa về chung một nhà. Chẳng ai muốn kết hôn xong lại phải đi gánh những khoản nợ mà bản thân mình chẳng phải người đi vay. Lúc ấy, bỏ thì thương, vương thì tội. Tựu trung là cả hai chẳng ai vui vẻ, hạnh phúc được.
Vì vậy, hãy thành thật với nhau về mức thu nhập hoặc các khoản nợ, không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, mà còn hạn chế nhiều cuộc xung đột không đáng có trong hôn nhân.
2 - Làm rõ trách nhiệm tài chính của từng người trong hôn nhân
Sau khi thành thật với nhau về mức thu nhập hiện tại cũng như các khoản nợ, có 4 câu hỏi mà các cặp đôi nên làm rõ:
1. Ai là người quản lý tài chính trong gia đình?
2. Tỷ lệ đóng góp của mỗi người cho các khoản chi phục vụ đời sống, khoản tích lũy, khoản tiết kiệm phục vụ các mục tiêu lớn (sinh con, mua nhà, mua xe,...)?
3. Hàng tháng hoặc lễ Tết, sẽ biếu nhà nội - nhà ngoại bao nhiêu tiền? Số tiền này là cả hai vợ chồng cùng đóng góp và cùng lo, hay vợ lo nhà vợ, chồng lo nhà chồng
4. Mỗi người sẽ dành bao nhiêu % thu nhập để phục vụ sở thích cá nhân của mình?
Phải làm rõ được 4 vấn đề này, việc quản lý tài chính trong hôn nhân, cũng như việc tích lũy tiền bạc để thực hiện các mục tiêu lớn trong tương lai, mới bớt phần trắc trở. Vì chắc chắn, chẳng ai muốn vợ chồng cứ tối ngày cãi vã, xích mích chuyện tiền bạc.