Dấn thân vào chỗ nguy hiểm để đón 219 người Việt từ Guinea Xích Đạo về nước, trong đó có 129 người dương tính với virus SAR-CoV-2, nhưng anh Tôn Dương Tuấn (SN 1985, một trong ba cơ trưởng chuyến bay) lại luôn nói, mình là người rất may mắn.
Hoàn thành chuyến bay đưa người Việt từ châu Phi về nước trị bệnh, lúc này, cảm xúc của anh như thế nào?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Tới lúc này, mình vẫn cảm thấy rất vui vì đã thực hiện được chuyến bay an toàn. Khi nhìn những người công nhân của Việt Nam ở Guinea đáp xuống sân bay Nội Bài bình an, mình cũng rất tự hào vì đã góp được chút sức nhỏ, giúp hoàn thành một công việc ý nghĩa như thế.
Công tác chuẩn bị của Bộ Y tế và lãnh đạo Tổng Công ty HKVN rất kỹ lưỡng và hợp lý như nên tổ bay đều tin rằng sẽ hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Chuyến bay được Bộ Y tế cung cấp 100 bộ đồ bảo hộ nên mỗi người sẽ mặc trên người 2 bộ. Ngoài ra, việc sắp xếp chỗ ngồi theo tình trạng sức khỏe hành khách được chia theo khoang.
Có rất nhiều người đăng ký đi chuyến này, nhưng mình may mắn được chọn. Vì xét về chuyên môn, các thầy giáo dạy bay và phi công lâu năm nhiều kinh nghiệm đều cùng đăng ký. Nên nếu nói về cảm xúc sau cùng, mình chỉ thấy là mình rất may mắn.
Tại sao anh lại tình nguyện tham gia và lại còn cảm thấy may mắn khi chuyến bay khá nguy hiểm, bởi trong số 219 hành khách thì có tới 129 người chắc chắn đã dương tính với virus SARS-CoV-2?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Mình đọc báo, thấy những người công nhân của nước mình làm việc bên đó, vừa xa quê hương, lại đau yếu và có nguyện vọng muốn về nước, nên mình rất muốn góp sức đưa họ về.
Công việc làm phi công là một chuyện, nhưng nó còn một mặt khác là tình cảm của đồng bào mình đối với nhau. Mình chỉ nghĩ đơn giản đó là việc nên làm.
Tất nhiên người bình thường, ai cũng sợ lây nhiễm Covid-19. Mình cũng thế, nhưng mình nghĩ tất cả mọi việc đơn giản lắm! Đơn giản là mình làm việc tốt thì mọi thứ sẽ tốt thôi. Với mình, đây là chuyến bay "mệnh lệnh từ trái tim".
Chúng mình cũng cảm thấy tất cả những việc này chỉ là một phần nhỏ trong bao nhiêu sự chuẩn bị của Chính phủ, của VNA và của cả đoàn bay. Ê-kíp còn có các bác sĩ và hai bạn tiếp viên trực ở khoang dương tính, họ mới là những người chiến binh vất vả nhất vì phải tiếp xúc trực tiếp và phục vụ bệnh nhân dương tính suốt 13 tiếng đồng hồ.
Nhưng ở VNA thì luôn đề cao tinh thần chiến binh sen vàng. Trước mỗi chuyến bay giải cứu như vậy, phi công và tiếp viên, ai cũng đăng ký xin được bay vì ai cũng muốn đóng góp một phần công sức để giúp đồng bào được về nước chữa trị.
Trước đó, anh đã từng bay những chuyến "giải cứu" như vậy chưa?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Cách đó không lâu, mình vừa bay sang Đức và Pháp. Chuyến đó, chúng mình sang Đức đón khách rồi bay sang Pháp và từ Pháp trở về. Cũng may mắn là tất cả hành khách không có ai dương tính cả.
Sau chuyến bay đó, mình phải cách ly tại tổ tiếp viên 14 ngày. Vừa hết cách ly thì lại đăng ký xung phong đi bay chuyến này luôn. Tính ra, đã khoảng hơn 20 ngày rồi mình chưa về nhà.
Trong đợt dịch này, mình cũng bay rất nhiều chuyến ra nước ngoài. Trung bình 2-3 chuyến/ tháng nên cũng không nhớ nổi. Chủ yếu là để chở hàng y tế, viện trợ cho các nước bạn. Còn bay đi đón công dân Việt thì khoảng 2-3 chuyến.
Vậy chuyến bay này có gì đặc biệt hơn các chuyến bay "giải cứu" trước đó để khiến anh phải cảm thấy may mắn, tự hào tới như vậy?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Chuyến này kết hợp 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là chở 129 người bệnh Covid-19 về nước. Các chuyến bay đón khách từ nước ngoài trước kia không như vậy vì đều chưa biết ai bị nhiễm hoặc tất cả hành khách đều âm tính.
Bởi vì chuyến bay có tới hơn 50% hành khách dương tính, nên các quy trình làm việc đều nghiêm ngặt hơn, công tác chuẩn bị cả về y tế lẫn đội bay đều kỹ hơn.
Thứ hai đây là quốc gia lần đầu tiên VNA bay tới. Đường bay qua Ấn Độ Dương rồi tới châu Phi là lần đầu tiên mình được bay nên mọi thứ cũng khá thú vị.
Áp lực của chuyến bay cũng khá lớn. Phi công phải chịu trách nhiệm an toàn cho hơn 200 người, cộng thêm hệ lụy là người thân của họ nữa. Hơn 200 hành khách ở rất xa quê nhà, đang vô cùng mong ngóng được về nước trị bệnh, gặp lại người thân. Và ở quê nhà cũng đang có rất nhiều người ngóng đợi chuyến bay này.
Vì thế, bọn mình đã chuẩn bị rất kỹ về bản đồ bay, phương thức bay… để đảm bảo không có một sai sót nào, dù là nhỏ nhất xảy ra, cố gắng làm thế nào để chuyến bay an toàn, thoải mái và thuận tiện nhất cho mọi người.
Trong chuyến bay này có Anh Phạm Đình Hưng là Đội phó đội bay Airbus 350 và là thầy giáo của mình, tiền thân của thầy là phi công lái máy bay tiêm kích. Trong quá trình bay, các cơ trưởng được phân công lái chính luân phiên sau 5 tiếng, nhưng mọi ý kiến đều phải hỏi thầy Hưng.
Bình thường nếu không phải chuyến bay đặc biệt, chỉ khi học việc, khi thi tuyển, bay kiểm tra… thì mới bay chung với thầy giáo như vậy. Còn trước đây bay với những người cùng tuổi, ai nhiều kinh nghiệm hơn thì người đó sẽ quyết định các vấn đề. Nhưng chuyến bay này phải tuyệt đối an toàn, không để bất kỳ sai sót nhỏ nào xảy ra. Chính phủ và Ban lãnh đạo tổng công ty rất kỳ vọng vào tổ bay, phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Anh em trong tổ bay luôn động viên nhau cùng cố gắng. 5 phi công thay nhau, 3 người luân phiên trực trên buồng lái, 2 người còn lại luân phiên trực phía sau. Và vì chuẩn bị rất kỹ nên không có sai sót nào, không có gì xảy ra ngoài kế hoạch.
Nói chung, chuyến bay này không có gì khác các chuyến bay khác về mặt chuyên môn. Nhưng nó khác về ý nghĩa và tình cảm. Đối với mình, chuyến bay này là chuyến bay để đời vì cũng không có nhiều dịp để mình được làm những công việc ý nghĩa như vậy.
Với một chuyến bay đặc biệt như thế, có kỉ niệm nào khiến anh đặc biệt ấn tượng?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Đáng nhớ nhất có lẽ là khi đáp xuống là sân bay Bata của nước bạn, nó khá thô sơ, thua kém sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất của nước mình rất nhiều. Vì thế, việc đáp ứng cho khách lên máy bay và cung cấp nguyên liệu không thể nhanh chóng được.
Lúc bay về, chúng mình còn vướng phải cơn mưa lớn, khiến những người lao động của Việt Nam thêm phần vất vả. Họ đang ốm bệnh như vậy, nhưng vẫn phải đi bộ trong trời mưa để lên máy bay. Mãi đến gần cuối, nước bạn mới thu xếp được ô tô đưa những người bệnh lên máy bay.
Với mình, đây là chuyến bay khá dài. Trước đây cũng đã bay dài như thế nhưng không khai thác trong điều kiện khắc nghiệt như vậy.
Do thời gian làm việc dưới mặt đất khá lâu và có lẽ là do nước bạn chưa quen với việc tổ chức những chuyến bay như thế này, lại có mưa lớn, nên chuyến bay đã trễ 5 tiếng và đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 15h.
Mặc dù vậy, những người Việt ở Guinea Xích Đạo vẫn rất vui mừng. Vừa nhìn thấy chiếc máy bay VNA thì họ đã rất yên tâm. Mặc dù biết phía trước vẫn còn một quãng đường dài nữa mới về tới Việt Nam, nhưng dường như ngay lúc đó, họ đã rất yên tâm.
Cảm xúc nhất với mình là khi bay tới Guinea Xích Đạo, từ xa xa đã nhìn thấy có những người cầm cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ vẫy chào. Mình nghĩ, hẳn là họ đã rất cảm ơn Đảng và Chính phủ khi tổ chức chuyến bay này. Mình cũng thấy vui vì đã làm được một công việc rất tốt.
Khi thực hiện chuyến bay này, có lúc nào anh nghĩ đến tình huống xấu nhất là mình sẽ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Nếu mắc bệnh thì mình sẽ vẫn vui vẻ và cố gắng chữa trị thôi. Công việc mà, không thể nào chắc chắn 100% mình sẽ không bị nhiễm bệnh, mà chỉ có thể làm những cách giảm thiểu tối đa rủi ro thôi.
Trước khi bay những chuyến như thế này, mình cũng phải làm công tác tư tưởng với vợ và các con. Sau khi vừa cách ly xong, lại đăng ký đi tiếp, mình đã nói với vợ: đây là mong muốn của anh, anh rất muốn được bay chuyến bay đó. Một chuyến bay chở nhiều người ốm hay không thì thực ra trên chiếc máy bay ấy đều là đồng bào mình, mà đồng bào thì cũng như người thân, họ hàng mình.
Hai con mình, một cháu 8 tuổi, một cháu 5 tuổi, khi nghe bố làm công tác tư tưởng thì rất ủng hộ, và các con cũng tự hào khi thấy bố làm công việc ý nghĩa như vậy.
Giữa mùa dịch nhưng anh vẫn liên tục phải bay ra nước ngoài. Mỗi lần như thế, khi trở về nước, anh có thường suy nghĩ điều gì không?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Mình thấy rất hạnh phúc khi được sống ở Việt Nam. Trong khi các nước khác còn đang phải nai lưng ra chống dịch thì nước ta, mọi người đã có hơn 100 ngày ra đường không cần đeo khẩu trang. Chỉ tính riêng chuyện đó thôi đã là điều mà các nước trên thế giới đều mong mỏi.
Trên chuyến bay vừa rồi, khi các bác sĩ nói trên loa, chỉ còn 3 tiếng nữa sẽ về tới "đất mẹ". Lúc đó, nghe từ đất mẹ sao mà thân thương, thiêng liêng vô cùng. Tự nhiên mọi người không nói là đáp xuống sân bay Nội Bài mà dùng từ đất mẹ, khiến cho tất cả hơn 200 người ai nấy đều xúc động như muốn vỡ òa. Từ nơi xa xôi về, nghĩ chuyện sắp tới Việt Nam yên bình mà hạnh phúc biết bao.
Đó là khi sắp đáp xuống Nội Bài, còn lúc sắp tới sân bay Bata của Guinea Xích Đạo thì cảm xúc của anh như thế nào?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Khi vừa tới Guinea, nhìn thấy gương mặt và ánh mắt đầy hy vọng của những người công nhân thì tổ bay cũng rất xúc động. Khi họ vẫy tay chào mình, ai nấy đều rất vui mừng, rất muốn nhanh chóng đáp xuống vì nghĩ, bọn mình tới sớm lúc nào, người bệnh giảm được thời gian đau đớn, mệt mỏi vì phải chờ đợi ở sân bay lúc đó.
Mình sớm hơn thì sẽ nhanh chóng đưa họ về nước trị bệnh rồi đoàn tụ với gia đình. Vì bố mình cũng là bác sĩ (công tác tại BV Giao thông vận tải) nên từ nhỏ mình rất quen thuộc với môi trường bệnh viện và hiểu các bệnh nhân.
Trong quá trình bay, chúng mình luôn cẩn trọng hơn, giữ gìn sức khỏe và tinh thần, nhiều khi phải rất cố gắng kiềm chế cảm xúc. Lúc nhìn thấy "đất mẹ" cũng rất xúc động, nhưng phải nén lại để thực hiện cho xong chuyến bay. Vì mình làm nghề thì phải đề cao tính chuyên nghiệp. Khi đã khoác lên người bộ áo đồng phục, những công việc của gia đình, những tác nhân phía ngoài đều phải gác lại, tập trung toàn tâm trí, sức lực cho chuyến bay.
Công việc như thế, nghe có vẻ hơi giống robot nhưng thực tế là vậy. Giai đoạn hạ cánh rất quan trọng, phải tập trung căng thẳng nhất, muốn vui sướng, muốn hét lên cũng không được.
Trước đó, nghe nói VNA đã gặp rất nhiều khó khăn, nhân viên phải tình nguyện xin giảm lương để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Không biết sau một khoảng thời gian các đường bay nội địa được nối lại, tình hình đã thay đổi ra sao?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Lúc đầu, bọn mình được thông báo sẽ không làm việc trong 2 tháng (tháng 4 và tháng 5), nhận lương tối thiểu vùng. Nhưng sau đó, rất may nhờ sự lãnh đạo của Ban lãnh đạo VNA, chúng mình chỉ nghỉ chừng nửa tháng, rồi lại được đi bay các chuyến bay chở hàng y tế viện trợ ra nước ngoài.
Ngay cả bây giờ, được đi bay với mình luôn là niềm hạnh phúc. Vì rất nhiều công nhân viên của VNA đã nghỉ không lương, có những người chỉ làm việc 50%, có người thì làm việc không hưởng lương chức danh.
Đối với bọn mình, khi chúng mình còn được lái máy bay thì những người phải nghỉ, phải giảm công việc cũng sẽ có cơ hội được tiếp tục đi làm. Còn được bay là còn tốt, mà VNA còn tốt thì các đồng nghiệp của mình càng sớm được trở lại với công việc như bình thường.
Hiện tại, thu nhập của mình đã giảm khoảng 60-70%, nhưng mình vẫn thấy rất may mắn, ít ra không đến nỗi phải nhận lương tối thiểu 4,9 hay 1,9 triệu đồng. Với cánh phi công, còn được đi làm, còn được bay lên bầu trời đã là sung sướng lắm rồi, vì phi công chỉ sợ nhất không được bay thôi. Đấy cũng là một phần yếu tố khiến mình lúc nào cũng xung phong đi làm những công việc như thế này. Khi đi bay, mỗi lần được cất cánh lên bầu trời đều rất cảm xúc.
Vì sao anh lại thích máy bay, thích bầu trời tới như vậy?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Trước kia, khi bố mình còn là sinh viên ĐH Y Hà Nội thì có đợt thi tuyển phi công chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Bắc (năm 1979-1980). Bố thi đỗ nhưng không theo đuổi được ước mơ đó.
Năm mình 18 tuổi, bố tình cờ đọc được tin Vietnam Airlines tuyển phi công trên báo Hà Nội Mới. Bố động viên mình cứ đăng ký, thi thử xem sao vì bố thấy nghề đó phù hợp với mình. Mình đi khám tuyển thì đỗ và cảm giác rất tự hào vì sẽ nối tiếp, hiện thực được ước mơ dang dở của bố.
Từ đó tới giờ, cuộc sống, sự nghiệp của mình gắn với những chuyến bay. 18 tuổi mình lần đầu tiên lên máy bay vào Sài Gòn học làm phi công. Sau đó sang Úc học nghề. Trải qua 9 năm làm phụ lái.
Tới bây giờ, mình đã 35 tuổi rồi nhưng vẫn luôn làm ở VNA. Đội bay 350 của VNA rất gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau như một gia đình. Các thầy dạy bay vừa dạy mình chuyên môn, vừa dạy cách đối nhân xử thế. Các anh em trong đội gọi nhau là đội bay IPlane, giống như kiểu cái Iphone ý, rất hiện đại, thoải mái. Bọn mình còn có một câu slogan là safe, happy and strong (an toàn, hạnh phúc và mạnh mẽ).
Đối với mình, sau mười mấy năm đi bay vẫn luôn thấy, mỗi chuyến bay đều có những cảm xúc khác nhau. Nghe thế có vẻ hơi nghệ sỹ một chút, nhưng quả thực khi làm phi công, được ngắm mây trời, đến những sân bay khác nhau, gặp những con người khác nhau thì rất tươi mới, rất cảm xúc, cảm giác không bao giờ nhàm chán. Mình không giỏi kể ra từng kỉ niệm, nhưng luôn cảm thấy từng chuyến bay đều như một ngăn kéo chứa đựng kỉ niệm, nằm trong một chiếc tủ rất lớn.
Anh từng nói trước khi làm cơ trưởng, anh đã có 9 năm làm cơ phó, hẳn là đã trải qua sự rèn giũa rất khắt khe?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Mình bay 3 năm Airbus 320, Airbus 321, 6 năm Airbus 330, sau đó làm lái chính A321. Năm 29 tuổi, mình lên làm lái chính, đó là bước ngoặt rất lớn trong sự nghiệp của mình.
Năm 32 tuổi, mình đã là cơ trưởng máy bay Airbus 350, trong khi đó, trên thế giới, cơ trưởng của loại máy bay này hầu hết đều ngoài 40 tuổi. Đến giờ, mình đã bay tất cả các máy bay Airbus mà VNA có. Đó cũng là một điều rất may mắn khi VNA chú trọng đào tạo đội ngũ trẻ, và sớm chuyển đổi theo hướng máy bay thân rộng hiện đại (Airbus 350 và Boeing 787) nên tụi mình là thế hệ trẻ đã có may mắn học hỏi, tiếp cận các loại máy bay công nghệ mới hiện đại của thế giới.
Quay trở lại câu chuyện dịch Covid-19, những ngày cách ly trong viện, anh sẽ làm gì?
Cơ trưởng Tôn Dương Tuấn: Xuống máy bay thì đoàn xe của Bộ Quốc phòng đến đón và chở thẳng bọn mình về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW (cơ sở Đông Anh). Đây là lần đầu tiên mình cách ly ở viện này. Mọi thứ ở đây rất tốt nên cảm giác khá thoải mái, yên tâm.
Trước đó, trên chuyến bay có anh Thân Mạnh Hùng (Phó Trưởng khoa Cấp cứu) làm Trưởng đoàn y tế, phổ biến cho anh em tổ bay cách trang bị đồ phòng hộ rất chuyên nghiệp. Mình thấy anh là người rất tận tâm, chuyên nghiệp, ủng hộ tinh thần cho đội bay rất mạnh mẽ. Bọn mình thì chỉ phần nào động viên các y, bác sĩ về mặt tinh thần thôi, chứ còn lại mọi việc vất vả nhất vẫn là các y, bác sĩ.
Tới giờ về viện thì mình càng yên tâm hơn. Ở đây, mình sẽ tập thể dục thể thao và cố gắng giữ chế độ ăn uống dinh dưỡng nhất. Vì ăn uống và thể dục thể thao là một trong 9 yếu tố giữ gìn sức khỏe, phòng tránh dịch Covid-19.
Sau khi hết cách ly, mình rất mong có một kỳ nghỉ với vợ con. Đối với mình như thế là tốt rồi.