Có những người chỉ vì không gây ấn tượng được với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn mà mất đi cơ hội tốt. Vì thế, hãy nắm ngay các tips trả lời thông minh để dễ dàng vượt qua thử thách từ nhà tuyển dụng.
Natalie Fisher là một chuyên gia nhân sự có kinh nghiệm trong việc trợ giúp những người trẻ tìm việc làm ổn định, mức lương như mong muốn. Người phụ nữ này luôn đưa ra những lời khuyên cho người trẻ tham gia phỏng vấn với mong muốn họ được đánh giá cao. Cô cũng từng chia sẻ 5 cách trả lời phỏng vấn dễ ghi điểm với nhà tuyển dụng để mọi người có thể học hỏi.
Natalie Fisher - người gợi ý 5 câu trả lời hữu ích khi phỏng vấn. Ảnh: Internet
1. Chứng minh khả năng của mình
Trong một cuộc phỏng vấn, bạn hãy nói về khả năng làm việc của mình và người khác cũng có thể hưởng lợi từ điều đó. Thay vì nói rằng mình có thể giao tiếp tốt, hãy nói: “Tôi từng đóng vai trò khá quan trọng trong nhóm khi làm việc. Sự tỉ mỉ, cẩn thận giúp tôi hạn chế những lỗi sai không đáng có. Tôi cũng là người hoàn thành công việc đúng hạn, tự biết cách sắp xếp công việc để có hiệu quả cao nhất”.
Qua câu nói ấy, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được bạn có trách nhiệm với công việc, với tập thể và có khả năng thuyết phục người khác.
2. Xin đánh giá của quản lý cũ
Khi làm việc ở một công ty nào đó, bạn hãy tạo thói quen xin nhận xét của quản lý về mình. Ví dụ như bạn có khả năng hoạt náo, có tinh thần trách nhiệm cao, giao tiếp tốt, sáng tạo hay liều lĩnh… đều được. Lời đánh giá tốt đẹp của quản lý sẽ làm tăng “giá trị” của chính bạn.
Sau này, khi tới nơi làm việc mới, ở buổi phỏng vấn bạn có thể đưa ra lời nhận xét của quản lý cũ. Bạn sẽ khẳng định và xác thực được thế mạnh của mình với nhà tuyển dụng mà không bị lo “bịa chuyện”.
3. Nói về ý kiến của đồng nghiệp cũ
Bên cạnh quản lý cũ, hãy chọn đồng nghiệp là người xác minh năng lực của bạn. Ở công ty cũ nếu bạn có mối quan hệ thân thiết và gắn bó với đồng nghiệp, chắc chắn họ cũng hiểu phần nào về con người bạn.
Khi làm việc cùng nhau, bạn và đồng nghiệp cũng dễ nhận thấy những điểm mạnh của nhau. “Các đồng nghiệp luôn nhận xét tích cực về khả năng của tôi trong việc đưa ra một kế hoạch đối phó với khủng hoảng, bởi vì tôi biết cách giữ bình tĩnh và tập trung. Cô ấy thường gọi và bàn bạc với tôi ngay khi có chuyện gì không hay xảy ra” - đây là điều bạn có thể trình bày trong buổi phỏng vấn.
4. Khả năng cải thiện văn hóa nhóm
“Tôi đã từng gắn kết mọi người với nhau nhờ khả năng hoạt náo, giao tiếp của mình. Trong công việc, tôi cũng là người thuyết phục mọi người thực hiện ý tưởng cùng nhau và tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, đồng sức đồng lòng”. Chắc chắn đây sẽ là điều nhà tuyển dụng muốn nghe từ bạn.
Các công ty đều đánh giá khá cao những người có tác động tích cực tới văn hóa công ty. Vì vậy đây sẽ là điểm mạnh giúp bạn dễ được “điểm 10” trong buổi phỏng vấn.
5. Khẳng định có một vài người bạn thân nhiều năm
Các công ty không chỉ quan tâm tới cách làm việc mà còn tò mò mối quan hệ xã hội của bạn. Nếu là một người “có giá trị” chắc chắn các mối quan hệ xã hội của bạn cũng rất tốt, phong phú.
Hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn có đồng nghiệp tốt cũng như những người bạn gắn bó lâu dài ngoài đời thực. Đây là yếu tố cần thiết để tăng “giá trị” của bản thân bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Theo CNBC