Đó là lý do khi phỏng vấn, đôi khi chúng ta gặp một số người phỏng vấn kỳ quặc và bị hỏi đủ loại câu hỏi kỳ lạ. Trên thực tế, những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày mà HR nêu ra nhằm kiểm tra "hiệu suất tại chỗ" của người đi phỏng vấn và đánh giá trí tuệ cảm xúc cùng cách làm việc của họ. Do đó, không nên coi bất kỳ câu hỏi nào từ người phỏng vấn như trò đánh đố. Thay vào đó, hãy làm rõ nhu cầu đằng sau câu hỏi và đưa ra câu trả lời khả thi sau khi cân nhắc kỹ lưỡng.
Khi đứng trước một câu hỏi có vẻ không liên quan công việc, hãy suy nghĩ câu trả lời theo cách chứng minh một kỹ năng hoặc điểm mạnh bạn có là được.
Tiểu Phi (Trung Quốc) là một sinh viên đại học vừa mới tốt nghiệp, chưa từng tham gia phỏng vấn xin việc. Gần đây, cô nộp đơn ứng tuyển trực tuyến cho vị trí thư ký của một số công ty ở Thượng Hải. Sau thời gian chờ đợi, Tiểu Phi nhận được lời mời phỏng vấn từ một công ty khá có tiếng. Cô gái đã chuẩn bị rất nhiều kiến thức, kỹ năng về mặt chuyên môn, nhưng trong buổi phỏng vấn, người tuyển dụng đã hỏi một câu rất "kỳ quặc"!
Hôm đó có tổng cộng 3 ứng viên lọt vào vòng phỏng vấn trực tiếp. Sau khi sàng lọc sơ bộ về kiến thức chuyên môn, giám đốc nhân sự bỗng hỏi: Có 5 đèn, tắt 1 đèn còn mấy đèn?
Ứng viên đầu tiên không giấu được vẻ bực bội khi nghe câu hỏi. Anh không cần suy nghĩ nhiều, nói ngay: "Câu trả lời không phải rất rõ ràng sao? 5 - 1 = 4, tất nhiên là còn 4 chiếc đèn". Người phỏng vấn thở dài, rõ ràng là cô ấy không thích đáp án quá... chính xác như thế này.
Ứng viên thứ hai nói thẳng: "Câu này quá nhiều người hỏi rồi, học sinh tiểu học cũng có thể trả lời chính xác. Cách tuyển dụng của chị thật thiếu tôn trọng ứng viên. Nếu không có nhu cầu tuyển người, tôi xin được phép dừng tại đây". Nói rồi, ứng viên rời đi.
Tiểu Phi sau khi nghe câu hỏi, suy nghĩ một hồi và trả lời tự tin: "Ngay từ câu hỏi chị đưa ra đã có dữ liệu không rõ ràng, nên tôi sẽ có hai câu trả lời. Một, nếu mục tiêu câu hỏi là 'bao nhiêu đèn vẫn sáng' thì đáp án sẽ là còn 4. Hai, nếu chỉ đơn thuần hỏi còn bao nhiêu đèn thì đáp án sẽ là 5. Rõ ràng dù bao nhiêu đèn tắt đi thì 5 chiếc đèn vẫn còn nguyên ở đó".
Cuối cùng người phỏng vấn quyết định tuyển dụng ứng viên thứ ba. Cô nhận xét: "Tiểu Phi suy nghĩ về vấn đề rất toàn diện. Là một thư ký có năng lực, việc kiểm soát chi tiết là vô cùng quan trọng. Ứng viên này phù hợp với yêu cầu của vị trí".
Người phỏng vấn đặt những câu hỏi mở, một mặt là để kiểm tra sự phù hợp của tính cách và phẩm chất tâm lý của ứng viên với công việc, mặt khác cũng là để kiểm tra trí thông minh cảm xúc và khả năng thích ứng. Trong một cuộc phỏng vấn, ai chủ động hơn và có khả năng ứng biến sẽ có khả năng thành công cao hơn.
Một số câu có vẻ kỳ quặc khác như: Nếu lau sạch hết tất cả cửa sổ ở London thì mất bao nhiêu giờ đồng hồ?; Bạn sẽ làm thế nào để cho một con voi vào trong tủ lạnh?; Nếu tôi nói với bạn, bạn phải chạy 5km trong 30 phút trong suốt hai tuần, mạng sống của bạn phụ thuộc vào việc có hoàn thành được mục tiêu này hay không, vậy thì bạn sẽ chuẩn bị những gì?... Khi đứng trước một câu hỏi có vẻ không liên quan công việc, hãy suy nghĩ câu trả lời theo cách chứng minh một kỹ năng hoặc điểm mạnh bạn có là được.