Cô gái kiếm hơn 30 triệu nhưng cuối tháng không dư đồng nào: Bảng chi tiêu hé lộ 1 lỗi sai nhiều người thường mắc phải

Nguyệt, Theo Thanh niên Việt 22:00 13/02/2025
Chia sẻ

Hàng ngày đi làm chăm chỉ, thu nhập cũng ổn nhưng cuối tháng không dư đồng nào - là tình hình chung của nhiều dân văn phòng.

Rõ ràng là thấy mình hàng ngày đi làm chăm chỉ, thu nhập cũng khá mà sao đến cuối tháng vẫn không dư một đồng nào - là thắc mắc chung của nhiều dân văn phòng. Song chỉ đến khi ngồi xuống tổng kết tình hình thu chi, họ mới nhận ra hóa ra mình cũng chẳng tiêu ít như bản thân lầm tưởng.

Kiếm lương 30-33 triệu/tháng mà tích lũy không được bao nhiêu

Đó là lời tâm sự của cô gái 25 tuổi trên bài đăng trong một hội nhóm về tài chính cá nhân nổi tiếng trên MXH. Cô nàng đã chia sẻ chi tiêu hàng tháng để nhờ mọi người cho mình lời khuyên để cải thiện khoản tích lũy hàng tháng.

Cô gái viết: "Em là nữ, 25 tuổi, chưa lập gia đình, dự tính 27 tuổi kết hôn, thu nhập của em là khoảng 30-33 triệu/tháng, có tháng 35 triệu.

Khoản lương mỗi tháng em trích phụ gia đình tiền sinh hoạt và học hành các em là 10 triệu, chi tiêu giải trí riêng 8 triệu, có tháng 10 triệu, 3 tháng 1 lần đi du lịch 6-10 triệu.

- Về tiền chi tiêu riêng hàng tháng:

+1,5 triệu massage và spa sức khỏe hàng tuần (khoản này cắt giảm sẽ ảnh hưởng sức khỏe và hiệu quả công việc của em do em hay mệt, sức khỏe yếu).

+ 2 triệu mỹ phẩm, quần áo, giày dép, nước hoa (có tháng mua đồ brand em thích là sẽ 3-4 triệu).

+ Ăn trưa nước ép/cafe hàng ngày: 100 ngàn, 1 tháng là 3 triệu. Công việc em bận, không thể tự nấu ăn trưa, cafe nước ép hôm nào không có là không tập trung làm việc nổi.

+ Tối 1 tuần tụ tập bạn bè ăn ngoài 1-2 lần, 1 tháng khoảng 1,5 triệu.

+ Phát sinh sinh nhật cưới hỏi: 1-2 triệu.

+ Đầu tư học tập thêm, mua sách: 500 ngàn - 1 triệu.

Ngoài ra: Hè đưa cả nhà đi biển 1 lần 15-20 triệu (đây là khoảng saving nên đi về là em cũng hết saving luôn, nhưng em nghĩ hoàn cảnh kinh tế nhà em không tốt, bố em trước giờ không được đi đâu nên 1 năm cũng cố gắng đưa mọi người đi 1 lần)".

Cô gái kiếm hơn 30 triệu nhưng cuối tháng không dư đồng nào: Bảng chi tiêu hé lộ 1 lỗi sai nhiều người thường mắc phải- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cô nàng trăn trở, với mức chi tiêu được cho là khá cao so với cùng lứa tuổi nhưng cô nàng thấy mình không tích lũy được bao nhiêu. Khi cô nghĩ đến các mục tiêu như mua nhà, mua xe thì ngân sách dường như không đủ đáp ứng.

Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều chỉ ra 1 lỗi sai trong cách chi tiêu của cô nàng. Đó là chi tiêu quá nhiều nhưng không muốn cắt giảm khoản chi để sống tiết kiệm hơn. Thu nhập 30-33 triệu/tháng là mức khá, song nếu muốn đặt mục tiêu mua nhà và xe giữa bối cảnh lạm phát tăng cao thì cô nàng cần kiểm soát thu chi và chi tiêu có kế hoạch hơn.

Làm sao để không rơi vào tình cảnh kiếm được bao nhiêu, tiêu hết bấy nhiêu?

Thu nhập không ít, nhưng cuối tháng nhìn lại không còn đồng nào - Bạn đã từng rơi vào tình cảnh này? Dưới đây là những gợi ý để bạn nâng dần quỹ tiết kiệm cá nhân:

1. Đặt mục tiêu tiết kiệm hàng tháng

Thay vì tiết kiệm theo kiểu "có nhiêu để dành bấy nhiêu", hãy đặt ra con số cụ thể. Nếu thu nhập của bạn đang là 15 triệu, hãy cam kết dành ít nhất 3 triệu để tiết kiệm. Hãy coi khoản này như một hoá đơn bạn bắt buộc phải trả mỗi tháng – nhưng là trả cho chính mình!

Một cách đơn giản để thực hiện là ngay khi nhận lương, bạn hãy chuyển số tiền này vào một tài khoản tiết kiệm riêng biệt, tránh tiêu xài vô tội vạ. Nếu có thể, hãy đăng ký dịch vụ tiết kiệm tự động từ ngân hàng để số tiền này được trích ra ngay khi tiền về tài khoản. Điều này giúp bạn rèn luyện thói quen tiết kiệm một cách kỷ luật, thay vì để lại quyết định cho cảm xúc.

Nếu cảm thấy việc tiết kiệm quá khó khăn, hãy thử bắt đầu với số tiền nhỏ hơn, chẳng hạn 10% thu nhập, rồi dần dần tăng lên theo thời gian. Quan trọng nhất là duy trì đều đặn mỗi tháng, tạo nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Cô gái kiếm hơn 30 triệu nhưng cuối tháng không dư đồng nào: Bảng chi tiêu hé lộ 1 lỗi sai nhiều người thường mắc phải- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

2. Giảm bớt những khoản chi tiêu không cần thiết

Chi tiêu bốc đồng chính là kẻ thù của ví tiền! Trước khi quẹt thẻ hay bấm "đặt hàng", hãy tự hỏi: "Mình có thực sự cần món đồ này không?" Nếu còn lăn tăn, hãy áp dụng quy tắc 24 giờ – chờ một ngày rồi quyết định. Chín trên mười lần sau khi mua đồ, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra mình chẳng cần đến nó!

Ngoài quy tắc 24 giờ, bạn cũng có thể lập danh sách các khoản chi tiêu cố định và biến động mỗi tháng. Những chi tiêu không cần thiết như đồ uống đắt tiền, quần áo mua theo xu hướng hay các gói dịch vụ ít sử dụng có thể "ngốn" một khoản lớn mà bạn không nhận ra. Hãy mạnh dạn cắt giảm hoặc thay thế bằng các lựa chọn tiết kiệm hơn.

Một mẹo khác là sử dụng tiền mặt thay vì thẻ tín dụng khi mua sắm. Việc nhìn thấy tiền rời khỏi ví sẽ giúp bạn cân nhắc kỹ hơn về giá trị của món hàng mình đang mua.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày