Nhắc đến chuyện mua vàng, có một câu hỏi “muôn đời không bao giờ cũ”: Giá vàng tăng thế này thì có nên mua vàng hay không?
Với những người lần đầu mua vàng, hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm mua vàng, băn khoăn này cũng có phần dễ hiểu. Còn với những người đã có chút “thâm niên”, câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Chia sẻ của bà mẹ dưới đây là một trong số đó.
Trong bài đăng của mình, cô viết: “Vợ chồng mình cưới nhau tay trắng đúng nghĩa, không có lấy một chỉ vàng, không có của hồi môn. Chật vật ở trọ 10 năm mới bắt đầu dọn về nhà riêng. Ngay sau khi ổn định nhà cửa, mình đã nghĩ đến chuyện tích lũy cho con.
Mỗi năm vào dịp sinh nhật con, mình âm thầm mua thêm một chỉ vàng. Tết nhất, tiền mừng tuổi của con dù chỉ được năm hay ba phân vàng, mình cũng mua, tích tiểu thành đại. Hai con gái của mình đều còn bé, một bạn tiểu học và một bạn mầm non. Mình hy vọng số vàng sẽ lớn dần theo độ tuổi của các con, để sau này các con vào đời đỡ vất vả hơn mình. Nay giá vàng lên, tự dưng mình nổi hứng lấy vàng ra đeo rồi lại cất, coi như chút niềm vui nho nhỏ thầm kín của mình.
Cứ tích được khoảng 2-3 chỉ, mình lại đi đổi thành trang sức này. Mua ở đâu đổi ở đấy, họ chỉ lấy tiền công chứ không tính tiền chênh vào ra. Thế là mình cũng đã có mười mấy chỉ vàng để dành cho con cả nhà ạ”.
Bức ảnh cô “đeo ké vàng của con”
Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều cảm thán, dành lời khen cho bà mẹ này. Đúng như cô chia sẻ, cứ tích tiểu thành đại - dù là tiền mặt hay vàng đi chăng nữa, sau này đến khi con lớn, ắt cũng có một khoản “hòm hòm” cho con.
“Vợ chồng mình xác định chỉ sinh 1 bé. Từ lúc có bầu, vợ chồng mình đã lên kế hoạch hết cho con đến khi con 18 tuổi. Mỗi năm cố để dành cho con 1 cây vàng, đến năm con 18 tuổi là có 18 cây vàng.
Sau này, nếu con muốn đi du học thì sẽ trích ra cho con 4 cây vàng. Nếu con giỏi và đạt học bổng toàn phần, thì 4 cây vàng đó để dành khi con cần hỗ trợ việc khác. Học xong mà con muốn đầu tư kinh doanh, thì trích tiếp 4 cây vàng nữa để hỗ trợ con làm vốn đầu tư. Con kết hôn thì sẽ có của hồi môn cho con là 5 cây vàng. 5 cây vàng còn lại nếu vợ chồng con muốn mua đất hay cất nhà gì thì cho con.
Ảnh minh họa
Mỗi tháng mua 1 chỉ vàng thì không quá khó với vợ chồng mình, 12 tháng gom lại đổi ra 1 cây vàng, có dư lại gom mua tiếp. Có mục tiêu rõ ràng nên động lực và tư duy cũng nâng lên nhiều” - Một người chia sẻ.
“Thương mom quá, chắc do hoàn cảnh nên không có của hồi môn về nhà chồng. Giờ có nhà rồi, cố gắng chuẩn bị cho con là đúng, nhất là con gái nữa. Chứ thấy nhiều người cứ bảo chỉ cho con kiến thức, không cần chuẩn bị tài sản gì. Con gái đi lấy chồng mà không có của hồi môn thì buồn lắm, tội con. Việc này chắc mom hiểu nên cứ kiên tâm tích lũy cho con mom ạ” - Một người động viên.
“Nể bạn quá, từ 2 bàn tay trắng mà có nhà riêng lại còn có vàng cho con nữa, chứng tỏ cũng khéo vun vén lắm. Mình lấy chồng cũng hơn chục năm rồi, mới có nhà thôi mà còn đang nợ tùm lum, chưa tích lũy được gì cho con cả. Đọc bài này thấy vui cho bạn nhưng cũng thấy cần xem lại bản thân nữa. Mình cũng có con gái, không cho con được cái nhà, mảnh đất thì cũng phải có chút của hồi môn cho con sau này. Bạn tư duy vậy là đúng rồi” - Một người khác chung quan điểm.
Nếu bản thân bạn cũng đang ấp ủ dự định mua vàng tích sản trong dài hạn, ngoài việc để dành tiền, đừng quên 3 lưu ý quan trọng dưới đây.
1 - Phải mua đều hàng tháng!
Nhiều người có dự định mua vàng, nhưng vì thấy giá vàng tăng nên lại chần chừ, cứ đợi ngày này qua ngày khác, rồi thành ra chẳng mua nữa, còn tiền thì cũng đã tiêu hết vì không kiểm soát được ham muốn mua sắm.
Trên thực tế, việc canh giá vàng tăng không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách mua vàng, nếu bạn chỉ mua 1-2 chỉ hoặc thậm chí 5 chỉ. Chỉ khi nào số vàng bạn mua tính bằng cây, thì việc giá vàng tăng mới ảnh hưởng tới ngân sách mua vàng. Chứ mua 1-2 chỉ mỗi tháng, giá vàng có lên tới đỉnh, số tiền tăng thêm cũng chỉ 200-300k, quả thực không ảnh hưởng nhiều tới ngân sách chi tiêu cho các nhu cầu khác.
Ảnh minh họa
Thế nên nếu đã có dự định mua vàng tích sản, điều quan trọng nhất là phải mua đều hàng tháng, đừng quá quan tâm tới biến động giá vàng. Cứ đúng ngày, đúng giờ là cầm tiền đi mua. Mua xong mang về, cất vàng vào két sắt, giữ qua 5-10 năm thì không bao giờ lo mất giá hay lo lỗ.
2 - Mua vàng nhẫn trơn thay vì vàng trang sức
Nếu mua vàng để tích sản, không có nhu cầu đeo, hãy mua vàng nhẫn trơn hoặc vàng thỏi, chứ không nên mua vàng trang sức hay vàng chế tác.
"Đã mua vàng 9999 hoặc 18k dạng trang sức, dù đeo hay không thì vẫn mất tiền công, tiền hạt đính kèm,... khi đi bán đi nghiễm nhiên bị trừ hao 2 phần đó. Người thu mua vàng chỉ cân vàng tính tiền, chứ không trả lại tiền công và tiền hạt đâu, nên mua vàng trang sức hoặc vàng chế tác sẽ rất lỗ đấy. Mua vàng làm của để dành thì vàng nhẫn trơn vẫn là lựa chọn số 1" - Một người có kinh nghiệm mua vàng tích sản khẳng định.
3 - Mua ở đâu, bán ở đó
Trong trường hợp bạn có dự định bán vàng, phải nhớ đến đúng tiệm vàng nơi mình đã mua vàng để bán, tránh tình trạng bị ép giá.
Ví dụ bạn mua vàng tại tiệm vàng A, nhưng lại đem sang tiệm vàng B trong cùng khu vực để bán, khả năng cao là người bán sẽ kỳ kèo bớt vài trăm nghìn với lý do vàng non tuổi, vàng mòn,... Nếu bạn không chấp nhận thì họ không thu mua.
Đây chính là kinh nghiệm được một “người chơi vàng” lâu năm chia sẻ. Cô còn nhân mạnh thêm: “Đặc biệt, không nên mua vàng ở tỉnh này mà lại đi bán ở tỉnh khác, vì trải nghiệm sẽ “ối giời ơi”. Người ta sẽ “bắt chẹt” bằng mọi cách để mua với giá rẻ nhất. Bản thân mình cũng từng bị như vậy”.