"Mẹ tôi đã có ý định rời xa bố và ông ấy biết điều đó. Ba ngày sau khi tốt nghiệp Trung học vào năm 2013, tôi đã chứng kiến cảnh bố nã nhiều viên đạn vào người của mẹ. Trong khoảnh khắc đó, thế giới mà tôi biết hoàn toàn sụp đổ.
Sau vài phút giết mẹ, cảnh sát đã ập vào hiện trường. Khi họ yêu cầu bố tôi đầu hàng, ông đã tiếp tục dùng súng nhắm vào viên sĩ quan và ông ấy đã bị bắn trọng thương. Tôi đã chứng kiến một thảm kịch như thế trong gia đình của chính mình. Khi mẹ qua đời, bạn mẹ nói với tôi rằng, đáng lý ra bà nên nghe lời bố tôi hơn, nên đồng cảm với ông ấy hơn, nên kiên nhẫn hơn và nên rời khỏi ông ấy sớm hơn.
Điều làm tôi phẫn nộ hơn hết đó là việc mẹ tôi lại là người phải chịu trách nhiệm cho cái chết của chính mình chứ không phải bố tôi. Tất cả mọi người đều đặt hết mọi trách nhiệm lên bà ấy, đồng thời còn bắt tôi phải im lặng trước mọi hành động ác độc của bố mình. Mẹ tôi sẽ không chết nếu như bà chịu nghe lời, chấp nhận mặc những bộ đồ mà ông ấy chọn, không bỏ trốn, luôn quan tâm ông ấy, đủ kiên nhẫn với ông ấy, tất cả những việc này, nếu như làm được thì bà đã không bị giết chết.
Mẹ tôi, Nadia, một người phụ nữ rất tuyệt vời. Bà nổi tiếng nhất trong vùng với tài nghệ nấu ăn, một kỹ năng được thừa hưởng từ bà ngoại. Nấu ăn và làm vườn đã chiếm phần lớn niềm vui trong cuộc đời của bà. Ở đỉnh điểm của sự đau khổ, bà tiếp tục dành thời gian và tâm trí để chăm sóc những người xung quanh. Ngay cả khi bố tôi cô lập bà, hay đối mặt với những gì mà bà đã đánh mất, nhưng bà vẫn khiến chúng tôi vui vẻ, hạnh phúc.
Lớn lên trong một gia đình bạo lực khiến tôi không yên lòng và luôn cảm thấy bất an. Lần đầu tiên bố đánh mẹ tôi vào tháng 2/2009. Từ sau hôm đó, ông bắt đầu đưa ra những yêu cầu kỳ lạ hơn đối với chúng tôi. Ông bắt chúng tôi phải chờ đợi trước cửa vào mỗi tối để không phải gõ cửa hoặc dùng chìa khóa, chỉ cần ông về là có người mở. Ông muốn mình là trung tâm của vũ trụ. Và chúng tôi đã làm điều đó.
Trong nhiều tuần, càng gần đến 6 giờ rưỡi tối thì nỗi sợ hãi của tôi càng tăng lên. Tôi ngồi bên cửa chờ đợi nhưng tim đập thình thịch, nhìn ra ngoài để đợi bố về. Khi bố vừa vào nhà, là tôi phải chào ông bằng một nụ cười và ôm ông. Thời gian trôi qua, tôi càng bị lạm dụng và chính những hành động này khiến tôi chẳng còn tình yêu nào dành cho bố mình nữa. Thậm chí tôi còn mơ về việc chuẩn bị đồ đạc và sắp xếp hành lý để cùng mẹ và các anh em rời xa căn nhà này.
Nour Naas là một nhà văn người Mỹ gốc Libya đã kể về cuộc đời của mình như thế. Hiện cô là người bảo vệ cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình và sống ở Vallejo, California.
Không dễ dàng gì khi chứng kiến những đau khổ mà mẹ tôi phải gánh chịu. Mặc dù sự lạm dụng ảnh hưởng đến chúng tôi, nhưng mẹ tôi chắc chắn là người chịu thiệt thòi nhất. Bố tôi đã lạm dụng chúng tôi trong nhiều năm, cho đến tuần cuối cùng mà tôi tốt nghiệp trung học, mọi thứ đã hoàn toàn suy sụp.
Bi kịch đã xảy ra đến gia đình tôi, mẹ tôi qua đời nhưng mọi người không hề đứng về phía bà ấy. Ai cũng bảo rằng, nếu như mẹ tôi chịu nghe lời bố thì điều này sẽ không xảy ra. Tôi đã cố gắng kìm nén những giọt nước mắt căm hận, kìm nén sự tức giận cũng như cơn thịnh nộ trong lòng mình, chạy trốn khỏi cảm giác tội lỗi khi tôi không thể ngăn chặn mọi thứ. Bố tôi đã được ban cho một sự tôn trọng mà điều đó không được dành cho mẹ tôi. Bà ấy thường bị đổ lỗi vì những quyết định của ông ấy.
Dần dần tôi trở nên tuyệt vọng với những gì đang xảy ra. Tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm kiếm những đứa trẻ như tôi, những đứa trẻ Hồi giáo bị mất mẹ vì bạo lực gia đình. Tôi muốn biết, những tình huống này được xử lý như thế nào? Họ cũng khóc à? Và rồi một cơn trầm cảm đã khiến tôi bị thay đổi. Tôi đã đánh mất chính mình trong một thời gian. Sau 6 tháng mẹ qua đời, tôi đắm mình trong cơn thịnh nộ và sống với cú sốc đó ngày qua ngày.
Trên thực tế, tôi rất buồn, có lúc thậm chí vô cảm, giống như có một sự tê liệt đang chạy trong người. Tôi không ăn uống, tóc cũng rụng, tâm trạng tồi tệ khiến tôi bị đuổi việc, sau đó bỏ học đại học và rời khỏi đất nước này với hy vọng đánh lạc hướng bản thân để quên đi những chấn thương tâm lý.
Sau một năm rưỡi, tôi quay trở lại Vallejo ở vịnh San Francisco. Đó là quê hương của tôi, nơi tôi ghét cay ghét đắng vì đã lấy đi của tôi rất nhiều thứ. Nhưng khi tôi trở lại, tôi cảm nhận được mọi thứ tốt đẹp hơn. Và tôi đã tham gia tổ chức chống bạo lực gia đình ở Oakland cùng những người phụ nữ Châu Á, đó là một trải nghiệm cuộc sống thú vị.
Được biết, cùng năm mẹ tôi qua đời, ở Hoa Kỳ cũng có 1615 người phụ nữ khác cũng rơi vào tình trạng như thế. Bây giờ đây, sau 5 năm mẹ tôi bị giết, việc tôi tham gia vào tổ chức này là cách duy nhất giúp tôi quên đi hiện thực. Ở đây, tôi mới có thể nói về cái chết của bà cũng như nỗi đau mà tôi từng trải qua.
Đối với những người phụ nữ bị lạm dụng, bạo lực, họ luôn được yêu cầu phải giữ im lặng. Kể cả khi họ lên tiếng cũng sẽ bị đổ lỗi và vô hình trở thành công cụ được sử dụng để duy trì sự bạo lực gia đình. Hơn hết, những người phụ nữ bị bạo lực ấy sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của những kẻ lạm dụng họ. Trong khi nạn nhân phải chịu những lời chỉ trích thì tên bạo hành lại được phép từ chối trách nhiệm.
Tôi vẫn còn tức giận vì những điều đã xảy ra với mẹ con tôi. Không chỉ về tôi mà về hàng triệu người phụ nữ khác ở khắp mọi nơi đang phải đối mặt với những điều tương tự như tôi, những người sẽ phải đi qua địa ngục mà mẹ tôi đã từng đi. Tôi giận dữ thay mặt cho phụ nữ khắp nơi, những người đủ dũng cảm để đòi hỏi cuộc sống công bằng cho chính họ. Người phụ nữ sẽ không bao giờ đủ tốt hoặc đủ hoàn hảo cho bất kỳ sự thông cảm của ai.
Những người phụ nữ đó sẽ tìm đến gia đình và bạn bè của họ để được hỗ trợ, nhưng thay vì có được sự an ủi thì ngược lại là những lời chỉ trích, sự đổ lỗi. Họ không đáng phải trở thành nạn nhân. Đã đến lúc chúng ta phải giải quyết gốc rễ của bạo lực gia đình."
(Lời kể của Nour Naas - nhà văn người Mỹ gốc Libya)
(Nguồn: sbs.com.au)