Khảo sát mới nhất của Prince’s Trust (Một tổ chức từ thiện phi chính phủ của Vương Quốc Anh), được thực hiện vào tháng 1/2024, với hơn 2000 GenZ trong độ tuổi từ 16-25, cho thấy: Sau khi trải qua nhiều vòng phỏng vấn, thành công ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và nhận được lời mời thử việc, GenZ vẫn quyết định không đi làm.
Nói cách khác, những GenZ tham gia khảo sát của Prince’s Trust là nhóm người thất nghiệp chủ động. Họ có kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng làm việc nhưng cuối cùng, quyết định họ đưa ra lại là tiếp tục kéo dài thêm trạng thái thất nghiệp của mình. Cứ 10 GenZ thất nghiệp thì có 1 người từ chối đi làm ngay cả khi nhận được lời mời tuyển dụng.
Ảnh minh họa
Lý giải thực trạng có vẻ mâu thuẫn này này, Prince’s Trust cho biết: GenZ thà thất nghiệp chứ nhất quyết không chịu nhận việc, vì mức lương họ nhận được không đủ để trang trải chi phí thuê nhà, di chuyển từ chỗ ở hiện tại tới nơi làm việc. Đó là chưa kể tới các loại chi phí khác như make-up, đầu tư trang phục, công cụ làm việc.
Cũng từ khảo sát này, Prince’s Trust còn chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại khác: Niềm tin về tiền bạc của thế hệ trẻ nói chung đã chạm mức thấp kỷ lục trong 15 năm trở lại đây, kể từ lần đầu tiên chỉ số này được ghi nhận và theo dõi bởi Ủy ban Phúc lợi cho trẻ vị thành niên ở Anh.
Hơn 50% số người được khảo sát lo sợ rằng họ sẽ không bao giờ đạt tới trạng thái an tâm về mặt tài chính. Tài chính cũng là yếu tố gây căng thẳng cho hơn 30% trong số này.
Jonathan Townsend - Giám đốc điều hành của Prince's Trust cho biết: "Những người trẻ thất nghiệp đang rơi vào vòng luẩn quẩn khi mà việc thất nghiệp có tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của họ; nhưng đồng thời, sức khỏe tinh thần không ổn định cũng chính là một trong những yếu tố khiến họ thất nghiệp".
Con số đáng kinh ngạc là 40% số người tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn về vấn đề tâm lý, luôn trọng thái thái lo âu, đánh trống ngực và gần như không có bất kỳ tia hy vọng nào khi nhắc tới mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.
Ảnh minh họa
Khoảng 20% số GenZ đang thất nghiệp đã chủ động nộp đơn xin nghỉ việc chứ không phải bị sa thải. 18% trong số đó đang rơi vào trạng thái hoảng sợ, mất tự tin đến mức không dám nộp đơn xin việc ở bất cứ đâu. 12% vượt qua được nỗi sợ ấy và đã gửi CV của mình cho nhà tuyển dụng, nhưng đến khi được hẹn phỏng vấn, họ lại từ chối.
Theo quan điểm của Townsend, nhà tuyển dụng và chính phủ cần chung tay để hỗ trợ giới trẻ nhanh chóng chấm dứt vòng luẩn quẩn bế tắc hiện tại.
"Đại đa số thanh niên nói với chúng tôi rằng họ vẫn đang khao khát được thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực khi đề cập tới vấn đề tiền lương và việc làm. Họ có quyết tâm đạt được mục tiêu của mình. Điều họ mong muốn là nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ phía nhà tuyển dụng, để hạn chế những áp lực mới dồn lên sức khỏe tinh thần vốn đã mong manh của họ" - Townsend chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng cho biết thêm việc tạo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh cho thế hệ GenZ là nước đi mà các nhà tuyển dụng nên nghĩ tới vì đây được coi là thế hệ lao động chủ chốt, chiếm tới 40% lực lượng lao động vào năm 2025.
Theo Fortune