Có đến 3 cấp độ sợ hãi trong phim kinh dị, đoán xem "Us" thuộc level nào sau đây?

LUCAS, Theo Helino 10:12 31/03/2019

Nếu cảm thấy "Us" vẫn còn nhẹ nhàng quá thì đã đến lúc bạn thử "tăng đô" với các bộ phim kinh dị có cấp độ cao hơn rồi đấy.

Từ lúc được công chiếu đến nay, Us (Chúng Ta) của đạo diễn Jordan Peele đã không ngừng khiến cộng đồng mạng dậy sóng bởi nội dung đầy tính biểu tượng và ẩn ý. Song song đó, những luồng ý kiến trái chiều về mác "kinh dị" mà phim đang mang cũng xuất hiện. Cụ thể, nhiều khán giả cảm thấy tác phẩm rất ám ảnh và khiến họ căng thẳng từng phút trong rạp, nhưng cũng có người lại chẳng thấy gì đáng sợ. Vậy Us có thật sự là một phim kinh dị hay "đô" của các khán giả hiện tại đã và đang ở một "level" cao hơn?

Stephen King và 3 mức độ của các tác phẩm kinh dị

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 1.

Stephen King là người đã định nghĩa lại thể loại kinh dị.

Nhắc đến thể loại kinh dị, có lẽ ai cũng phải biết tới cái tên Stephen King - cha đẻ của những tác phẩm đã gieo rắc sự ám ảnh vào tâm trí bao thế hệ như The Shining (1980), It (2017) hay Pet Sematary (2019). Khi bàn về thể loại này, ông đã chỉ ra 3 mức độ được áp dụng nhiều trong các tiểu thuyết và cả kịch bản phim. Đối với "ông hoàng kinh dị", mỗi mức độ lại có một bộ phận khán giả riêng. Nhưng xét trên phương diện người chắp bút, 3 mức độ sau được xếp theo thứ tự từ dễ viết đến khó viết, từ dễ hiểu đến khó hiểu và từ đơn giản đến phức tạp.

Mức độ 1: The Grossed-Out (Kinh Tởm)

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 2.

Cảnh phim đặc trưng của mức độ 1 trong "It".

Trong bộ phim kinh dị It ra mắt năm 2017, giây phút cậu bé Georgie (Jackson Robert Scott) bị tên hề ma quái Pennywise (Bill Skarsgard) cắn đứt lìa cánh tay, tiếng kêu rên đau đớn trong màn mưa hay cảnh phim ấn tượng lúc Beverly (Sophia Lillis) chứng kiến một đài phun máu trong nhà tắm của mình ắt hẳn đều để lại những cảm giác rất "dợn" cho khán giả. The Grossed-Out nôm na là những giây phút máu me nhất trong phim, gợi cảm giác đau về mặt tâm lý, hoặc cảm giác hoảng sợ khi thấy những bộ phận trên cơ thể được đem lên khung hình một cách kì dị.

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 3.

Phim kinh dị chặt chém chính là The Grossed-Out.

Một cái đầu lăn đến bên chân nhân vật chính, một cánh tay máu me bị đứt lìa nắm lấy chân nữ phụ, một cái bẫy sập ngay chân một gã đang chạy trốn trong rừng… thường là những mô típ điển hình của mức độ này. Đi kèm những thước phim máu me này thường là phần score (nhạc nền) rất ma quái, tiếng violin hoặc dàn dây réo rắt, hoặc tiếng dàn kèn thật trầm tạo cảm giác "sởn da gà". Mức độ này thường gặp nhiều ở cái thể loại nhánh của dòng kinh dị như thể loại tra tấn (Saw, The Human Centipede), chặt chém (Scream, Child's Play), ăn thịt người (Hannibal, The Green Inferno).

Mức độ 2: The Horror (Kinh Dị)

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 4.

Đây là mức độ phổ biến nhất của dòng phim kinh dị và có lẽ cũng là thân thuộc nhất với khán giả trên toàn thế giới. The Horror chơi đùa với trí tò mò của khán giả về thế lực siêu nhiên, ma quỷ trong một bộ phim. Trong đa số phim thuộc nhánh Supernatural Horror (Ma Quỷ, Siêu Nhiên), thế lực hắc ám thường được giấu mặt tới tận hồi 3. Xuyên suốt tác phẩm, khán giả chỉ thấy bóng dáng chúng lướt qua vài giây, hay thoắt ẩn thoắt hiện phía sau nhân vật. Giây phút chúng lộ diện 100% "không che" chính là thời điểm The Horror lên tới cao trào.

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 5.

Giải thích ngắn gọn, mức độ 2 tập trung vào sự xuất hiện và hiện diện của những thứ phi tự nhiên, những thứ có diện mạo gớm ghiếc, đáng sợ. Nó có thể là quái vật Xenomorph trong Alien (1979), khủng long Indoraptor trong Jurassic World: Fallen Kingdom (2018), Sadako trong The Ring (2002) hay Valak của The Conjuring 2 (2016). Mức độ 2 này cũng thường sử dụng Jump-scare (hù dọa bất ngờ) rất nhiều vì đó là cách khai thác hiệu quả nhất những nhân vật kì dị này trong công cuộc "hù dọa" nhân vật chính lẫn khán giả.

Mức độ 3: The Terror (Kinh Hoàng)

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 6.

Annabelle không làm gì cũng khiến khán giả khiếp sợ.

Đây là mức độ mà Stephen King tâm đắc nhất và cũng là "trend" (xu hướng) mà các phim kinh dị luôn cố gắng hướng tới để thoát ra khỏi những khuôn mẫu lối mòn, dễ đoán. Mỗi khi máy quay quay cận mặt con búp bê quỷ ám Annabelle, khán giả lại có một cảm giác khó chịu, đứng ngồi không yên và không muốn nhìn quá lâu. Lý giải về mặt tâm lý, chúng ta không sợ Annabelle, mà chúng ta sợ nó sẽ cử động bất thình lình.

Nhưng không, Annabelle không hề cử động trong suốt tất cả các phần phim. Annabelle chỉ mỉm cười và thi thoảng… dịch chuyển chỗ ngồi. Tuy nhiên, cảm giác sợ hãi rằng con búp bê này có thể sẽ đứng dậy, mở miệng ra nói vài câu rồi tóm lấy nhân vật luôn hiện hữu trong chúng ta.

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 7.

"Hereditary" được đánh giá là phim kinh dị hay nhất năm 2018.

The Terror tập trung vào nỗi sợ tâm lý của khán giả. Thay vì những màn Jump-scare đôi khi quá dễ đoán, mức độ này sẽ xây dựng một cảm giác bất an, ám ảnh xuyên suốt cả bộ phim. Đó là cảm giác con quỷ đội lốt ma sơ đứng phía sau lưng nhân vật nhưng ai không hề biết, rồi khi họ quay lại nhìn thì nó đã biến mất. Đó là cảm giác kì cục khó chịu khi những người da trắng hành xử quá kì bí và quái lạ, với những nụ cười "hơi sai sai" trong Get Out (2017). Đó là hành tung bí ẩn của những người hàng xóm, quá khứ vụn vặt chưa sáng tỏ của người bà đã khuất trong Hereditary (2018).

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 8.

Hay như trong series kinh dị gần đây của NetflixThe Haunting of Hill House thì chính là giây phút khán giả chợt nhận ra background của phim đầy rẫy những bóng ma rải rác luôn dõi theo từng bước nhân vật mà đạo diễn không hề tìm cách báo hiệu hay chỉ điểm. Có thể nói, The Terror là mức độ tập trung vào yếu tố con người nhất. Những bộ phim kinh dị được giới phê bình đánh giá cao đa phần nằm ở mức độ này do tính nhân bản, cũng như việc thoát ra khỏi những lối mòn và mô típ quá cũ kỹ của phim kinh dị truyền thống.

Vậy Us thuộc mức độ nào?

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 9.

"Us" được đánh giá thiên về mức độ 3.

Theo đánh giá của nhiều nhà phê bình, Us khá thiên về mức độ 3 theo cách Stephen King đã miêu tả. Dù không thể phủ nhận bộ phim vẫn có những cảnh rất máu me (đã bị cắt bớt khi công chiếu tại Việt Nam) như mức độ 1, hay sự kì quái của những Tethered (Người bị xích) như mức độ 2, cảm giác xuyên suốt phim chính là sự khó chịu và ám ảnh.

Khán giả bị ám ảnh bởi hành tung kì bí của những thế lực này, cách họ di chuyển, cách họ phát ra âm thanh man rợ, hay cách họ tồn tại ngay dưới và bắt chước mọi hành vi của chúng ta. Cú lật mặt cuối phim, dù gây nhiều tranh cãi và trăn trở, vẫn là một chiêu bài nằm trong phạm vi mức độ 3 này: nỗi kinh hoàng gieo rắc khi chúng ta nhận ra niềm tin từ đầu phim đã bị đánh tráo hoàn toàn.

Nếu Us vẫn chưa đáng sợ, thử chơi lớn với các mức độ kinh dị trong điện ảnh xem bạn có trầm trồ - Ảnh 10.

Phim gây ám ảnh nhiều hơn là ghê rợn vì bạo lực.

Tóm lại, những khán giả của mức độ 1 và 2 sẽ không thấy thỏa mãn với Us. Nhưng với ai yêu thích nhánh kinh dị tâm lý, có lẽ sẽ thấy Us như một tuyệt tác. Vậy bạn cảm thấy mình thuộc mức độ nào?