Ai cũng muốn trở thành người giàu, nhưng định nghĩa "người có tiền" của mọi người thường không giống nhau. Ví dụ, ở những vùng thôn quê hoặc thành phố nhỏ, người có vài tỷ có thể coi là giàu, nhưng ở các thành phố lớn, người ta cần vài chục hoặc vài trăm tỷ để được xem như một người giàu có. Các yếu tố như mức tiêu dùng sinh hoạt và mức phát triển đô thị ở môi trường sống cũng như hoàn cảnh xuất thân tạo nên sự khác biệt trong khái niệm giàu có của mỗi người.
Vì vậy, để có một câu trả lời khách quan nhất cho việc mình đã giàu hay chưa, bạn nên tham khảo bốn tiêu chuẩn dưới đây:
1. Tỷ lệ nợ trên thu nhập (Số tiền trả nợ hàng tháng/Thu nhập hàng tháng)
Tỷ lệ nợ trên thu nhập, một thước đo quan trọng về sức khỏe tài chính của mỗi cá nhân, được sử dụng để so sánh các khoản trả nợ hàng tháng của một cá nhân với tổng thu nhập hàng tháng của họ. Chỉ tiêu này cũng thường được người cho vay sử dụng như một trong những tiêu chí lựa chọn khách hàng, người cho vay sẽ dựa vào tỷ lệ nợ trên thu nhập và lịch sử tín dụng cá nhân để đánh giá xem người đi vay có khả năng trả nợ hay không.
Đồng thời, mỗi bên cho vay, chẳng hạn như ngân hàng và các tổ chức khác, cũng đặt ra các yêu cầu về tỷ lệ nợ trên thu nhập của riêng mình. Thông thường, tỷ lệ nợ trên thu nhập nên được giữ ở mức dưới 40%, nếu vượt quá sẽ dễ rơi vào tình trạng "khủng hoảng nợ".
2. Tỷ lệ thanh khoản (Tài sản lưu động/Chi tiêu hàng tháng)
Dữ liệu này được ngành ngân hàng Anh chấp nhận rộng rãi ngay từ những năm 1950. Thông thường, trong kế hoạch tài chính gia đình, tỷ lệ này sẽ là trên 3. Đây là một con số quan trọng, nó cho thấy khoản tiền gia đình có thể nhanh chóng giải ngân khi cần mà không gây nên tổn thất nặng nề về mặt tài chính. Những khi cần tiền gấp, khoản này sẽ giúp bạn giải quyết khó khăn.
Tuy nhiên, tỷ lệ này không nên quá cao, vì nếu cao quá sẽ ảnh hưởng đến phần thu nhập thụ động và quá trình tăng tổng tài sản tích lũy của gia đình bạn. Nói một cách đơn giản, bạn càng có nhiều tiền sẵn sàng chi ra cho việc gấp, thì càng có ít tiền đầu tư/tiền nhàn rỗi để ăn lãi ngân hàng.
3. Tỷ lệ cân đối (Số dư hàng năm (tiền tiết kiệm + tiền đầu tư)/Thu nhập sau thuế)
Chỉ số này phản ánh tỷ lệ giữa số dư của một gia đình trên thu nhập trong một thời kỳ nhất định (chẳng hạn như trong một năm), và là chỉ số quan trọng để đánh giá tài sản. Nó có thể phản ánh khả năng kiểm soát chi tiêu và ý thức tiết kiệm của gia đình, đồng thời cũng là cơ sở để đầu tư quản lý tài chính trong tương lai.
Nói một cách dễ hiểu, tỷ lệ này cho thấy thu nhập của bạn mang lại một khoản tiền dư chưa tiêu đến, bạn có khả năng tích lũy và tiếp tục đầu tư, khiến tiền đẻ ra thêm tiền. Ngược lại với tỷ lệ thanh khoản, tỷ lệ cân đối càng cao càng tốt, tỷ lệ cân đối càng cao nghĩa là tình hình tài chính của bạn càng tốt, bạn có nhiều tài sản để đầu tư sinh lời.
4. Tỷ lệ bảo hiểm
Trên thực tế, tỷ lệ này thường bị mọi người bỏ qua. Tỷ lệ bảo hiểm ở đây có nghĩa là mỗi gia đình nên bỏ ra ít nhất 10% thu nhập năm để mua bảo hiểm.
Nếu chỉ số này đáp ứng tiêu chuẩn, ít nhất có thể đảm bảo nếu các thành viên trong gia đình gặp tai nạn, ngoài các quyền lợi được nhận từ gói bảo hiểm, kinh tế gia đình sẽ không chịu ảnh hưởng quá nặng nề.
Nếu bốn tỷ lệ trên của một gia đình/cá nhân đều ở mức tiêu chuẩn hoặc khả quan hơn,thì dù bạn chưa giàu đến mức triệu phú, tỷ phú, tài phiệt… tình hình tài chính của bạn cũng không thể bị đánh giá là tệ. Lạc quan một chút, có của ăn của để, gặp chuyện gấp rút, chuyện ngoài ý muốn gì cũng không sợ bị ảnh hưởng quá lớn, đấy không phải chính là định nghĩa "người giàu" hay sao?