Trong nhiều tuần, các chuyên gia đã cảnh báo nước Mỹ về một thời kỳ kiệt quệ hơn khi mùa đông sắp tới, thậm chí có thể mang đến giai đoạn tăm tối nhất lịch sử quốc gia.
Và giờ, thời điểm ấy đã đến.
Từ California đến Kansas, Massachusetts rồi Florida, các bác sĩ, y tá, nhà tang lễ và ngân hàng thực phẩm đang chuẩn bị cho một thời kỳ đáng sợ. Họ vốn đã đạt tới giới hạn, kiệt quệ sau hàng tháng đối mặt với sự chết chóc của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất vẫn còn ở phía trước.
"Tôi nghĩ chúng tôi đã vượt qua ngưỡng giới hạn rồi," - trích lời Tiến sĩ Adolphe Edward, CEO Trung tâm Y tế Vùng El Centro tại Nam California. "Các nhân viên vẫn ở đây, nhưng họ kiệt quệ rồi."
Bệnh viện của Edward hôm 3/12 chỉ còn sót lại 2 giường tại khu vực chăm sóc tích cực. Một bệnh viện dã chiến khác với 50 giường đã được dựng tại khu đỗ xe, một cảnh tượng trông như một bãi chiến trường vậy.
"Tôi đã nghĩ mình như trở lại thời chiến vậy," - Edward chia sẻ. "Chúng ta đang chiến đấu chống lại Covid-19."
Trên toàn nước Mỹ, nhiều bệnh viện cũng tương tự như El Centro, bị đẩy tới giới hạn với số lượng ngày càng tăng. Và với việc mùa đông đến, nhiệt độ giảm khiến con người phải ở trong môi trường kín nhiều hơn, cộng thêm kỳ nghỉ lễ đang đến gần, các nhân viên y tế có thể kiệt sức bất kỳ lúc nào.
Những con số đang khiến viễn cảnh ấy trở nên rõ ràng hơn. Ngày 3/12, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong vì đại dịch tăng kỷ lục - lần lượt là 217.664 ca nhiễm và 2879 ca tử vong. Số người nhập viện cũng đang là hơn 100.000. Và dù vaccine đang được gấp rút sản xuất, Mỹ sẽ còn một con đường rất dài trước khi có thể trở về cuộc sống bình thường.
"Thực tế là, giai đoạn tháng 12 đến tháng 1 và tháng 2 năm sau sẽ là thời điểm khó khăn," - Tiến sĩ Robert Redfield, giám đốc CDC Hoa Kỳ cảnh báo. "Tôi thực sự tin rằng đây sẽ là thời điểm khó khăn nhất lịch sử đất nước, do những áp lực vốn đã đang đè nặng lên hệ thống y tế của chúng ta."
Các y tá tại bệnh viện Montefiore New Rochelle (New York) - một trong những điểm nóng dịch bệnh đầu tiên - đã quyết định cất tiếng nói trong tuần qua. Họ yêu cầu có mức lương tốt hơn, nhiều nhân viên hơn và thêm trang bị bảo hộ chất lượng, nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh sắp tới.
"Lúc này chúng tôi có ít người hơn cả mùa xuân - thời điểm Covid-19 mới xuất hiện," - nữ y tá Kathy Santoiemma chia sẻ với CNN. "Chúng tôi không lo lắng, mà là hoảng loạn."
Nhu cầu nhân sự cho ngành y tế trở nên thực sự cần thiết trên cả nước. Ngày 3/12, thư ký Dịch vụ Y tế Nhân sinh Marylou Sudders đã công bố kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến tại Lowell, đồng thời kêu gọi mọi người đứng ra trợ giúp.
"Nếu bạn đủ khả năng và đủ thời gian để làm việc cho bệnh viện, thì chúng tôi cần bạn," - Sudders khẩn khoản.
Tại El Centro, Edward cũng đang cảm nhận có một sự dồn nén nhất định. Ông không chắc chắn về việc cơ sở của mình có thể nhận thêm bệnh nhân vì không có đủ công nhân viên. Những người đang làm việc hiện đã quá mệt mỏi rồi, một số còn đổ bệnh. Ông không kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm buông tha cho nước Mỹ, và cũng không chắc các nhân viên hiện tại có thể cố gắng đến mức nào.
"2 - 3 tuần tới, có lẽ sẽ là cơn bão bệnh nhân tràn đến," - Mary Jones, y tá tại Kansas cho biết. Vài tháng qua, số bệnh nhân thiệt mạng trước mắt cô còn nhiều hơn cả thập kỷ vừa rồi.
Và đó là chưa tính đến những rắc rối đến từ bệnh nhân không tin vào virus, không tin rằng dịch bệnh có thật. Jones cho biết, một bệnh nhân từng bảo cô rằng "khẩu trang chẳng có tác dụng gì, vì Covid-19 làm gì có thật".
Áp lực từ dịch bệnh đã lan đến mọi dịch vụ cộng đồng, bao gồm cả các nhà tang lễ.
Sheila Kruger, quản lý nhà tang lễ Frye Chapel & Mortuary (California) cho biết khối lượng công việc của cô đã tăng gấp 3 lần. Có những đám tang được đặt trước 4- 5 tuần, khi Covid-19 khiến nhiều người thiệt mạng hơn.
"Có những cặp đôi tử vong chỉ trong một ngày. Rồi trẻ em và cha mẹ cùng chết trong 1 tuần. Thực sự đau lòng," - cô chia sẻ.
Các nhân viên của Kruger vốn đã quá tải trong mùa hè, phải giải quyết khoảng 135 trường hợp tử vong/ tháng so với trung bình là 55. Cô đã phải tuyển gấp đôi người, mua thêm máy làm lạnh để trữ thi thể. Nhưng mọi thứ đều chưa đủ.
Các chuyên gia tin rằng tỉ lệ tử vong sẽ leo thang rất nhanh chóng. Tiến sĩ Jonathan Reiner từ ĐH George Washington dự đoán tỉ lệ tử vong sẽ tăng gấp đôi chỉ trong 2 tuần, với con số trung bình lên tới 4000 ca mỗi ngày.
Đại dịch đang mang đến sự kiệt quệ cho các hộ gia đình nữa. Karen Sosa tuần qua lần đầu tiên phải đứng xếp hàng tại ngân hàng thực phẩm ở Los Angeles. Cô chỉ mới thất nghiệp 2 tuần, nhưng với gánh nặng phải nuôi 4 đứa con, cô buộc phải tận dụng mọi thứ.
"Chúng tôi không biết khi nào mới có lại thu nhập, nghĩa là chẳng rõ lúc nào có thể mua được thực phẩm nữa. Cũng may, dù không biết khi nào có tiền thì ít nhất vẫn có đồ ăn."
Sosa không cô độc. Những dãy xếp hàng như thế xuất hiện ở rất nhiều nơi trên cả nước, với hàng ngàn người tham gia. Họ đến lấy sữa, gà sơ chế và các loại rau củ quả tươi. Tuy nhiên, các hộp đồ cứu trợ vốn do chương trình Hỗ trợ thực phẩm mùa dịch của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đưa ra, và chúng sẽ hết vào cuối tuần này.
"Những hộp đồ ấy sẽ cạn kiệt vào cuối tuần, và rồi cả tháng 12 tới chúng tôi phải tìm cách làm sao để hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình đang kiệt quệ," - Paco Vélez, CEO tổ chức Feeding South Florida cho biết.
"Chúng tôi thực sự không biết bao giờ chuyện này mới chấm dứt nữa."
Nguồn: CNN