Ngày 16/5 vừa qua, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật-Việt (JVE) khởi công dự án thí điểm làm sạch 1 đoạn sông Tô Lịch và 1 góc Hồ Tây (Hà Nội) bằng công nghệ nano của Nhật Bản. Dự án có tên "Nhà máy xử lý nước thải đặt dưới lòng sông, hồ" được kỳ vọng sẽ xử lý được triệt để tình trạng cá chết và làm sạch sông, hồ tại Việt Nam.
Sau 1 tháng đưa công nghệ Nhật Bản để xử lý thí điểm Hồ Tây, bước đầu nước Hồ Tây đã có được nhiều kết quả và sự chuyển biến tích cực, dễ dàng nhận thấy sự khác nhau rõ rệt trong và ngoài khu vực thử nghiệm Nano của Nhật Bản. Theo ghi nhận chiều 18/7 trong khu được xử lý, nước Hồ Tây trong veo, bằng mắt thường có thể nhìn thấy đáy.
Clip: Hồ Tây trong xanh, nhìn thấy đáy sau 1 tháng áp dụng công nghệ nano Nhật Bản - Thực hiện: Kingpro
Chiều 18/7, chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành đo chất lượng nước trong khu thí điểm xử lý công nghệ Nano.
GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn - Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho biết: "Công nghệ này rất lợi, giải quyết được nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất là bùn, lọc rất sạch bùn. Vấn đề thứ hai, kết hợp luôn trong quá trình nạo vét bùn là xử lý bùn thành khí luôn, đỡ mất công xử lý bùn".
Khu vực Hồ Tây được thí điểm xử lý.
Kết quả đo chất lượng nước Hồ Tây tại khu thí điểm cho thấy chất lượng nước luôn dao động ở mức 7, đạt đến cột A1, A2 - mức độ đạt cho nước sinh hoạt. Ngoài ra, lượng vi khuẩn, vi sinh vật có hại đã giảm đi rất nhiều, đồng thời kích hoạt làm tăng nhiều lượng vi sinh vật có lợi.
Chuyên gia Nhật Bản tiến hành đo chất lượng nước tại Hồ Tây sau 1 tháng thí điểm.
Sự thay đổi của nước ngoài và trong khu vực được xử lý bằng công nghệ Nano.
"Ở Hồ Tây trước đây chúng tôi có thể bơi được nhưng giờ không dám bơi, ngứa lắm. Qua công nghệ xử lý của Nhật Bản chúng tôi thấy nước ở đây rất trong và xanh, phía bên ngoài cũng xanh nhưng mà đục" - một người dân sinh sống gần Hồ Tây cho biết.
Người dân sống gần Hồ Tây chia sẻ cùng báo chí.