Hình ảnh người thầy trên màn ảnh Việt

Năm Châu, Theo 00:01 20/11/2011

Cùng chúng tớ điểm danh xem điện ảnh Việt Nam có những bộ phim nào cực hay nói về người thầy và tình cảm thầy trò nhé.

Thung lũng hoang vắng – Những người thầy thầm lặng hy sinh vì con chữ

Thung lũng hoang vắng được sản xuất năm 2001. Đây là bộ phim tiêu biểu nhất, thích hợp chiếu vào ngày 20/11. Phim từng đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13.


Thầy Tành rất yêu thương học trò nhỏ

Như cái tên của mình, Thung lũng hoang vắng là cuộc sống tĩnh lặng của những người dân vùng cao hẻo lánh. Nhưng cảnh hoang vắng mà lòng người ở đây không hề hoang vắng. Họ sống vì nhau, trao cho nhau những gì tốt đẹp nhất.

Thung lũng hoang vắng được ví như một bài thơ về sự hy sinh của những người thầy, người cô vùng sơn cước. Họ đã hy sinh và cố gắng rất nhiều để cho trẻ em ở đây biết đọc, biết viết. Đáp lại công sức và tình yêu thương của thầy cô, các em học sinh người Mông trân trọng, quý mến người thầy của chúng bằng một tình cảm chân chất, ngây ngô nhất: cậu bé Long ngày ngày địu em đến trường dù thầy cô không đứng lớp, các cô cậu bé háo hức đứng xếp hàng để nhận thìa đường thầy giáo ban thưởng… Chính những tình cảm nồng hậu, hồn nhiên của lũ học trò nhí đã níu chân thầy cô không về dưới xuôi mà ở lại dạy dỗ chúng.



Thung lũng hoang vắng còn nên thơ bởi âm nhạc và bối cảnh trong phim đẹp như tranh vẽ. Phong cảnh Sapa với núi non trùng điệp, sương khói bay bảng lảng cùng bản làng heo hút càng tô đậm công lao và sự hy sinh âm thầm của những người thầy tình nguyện.

Chiến dịch trái tim bên phải  - Cô giáo là thần tượng của học sinh

Chiến dịch trái tim bên phải có lẽ là bộ phim Việt Nam đầu tiên đề cập đến mối quan hệ thầy cô và học trò mà cô giáo được học sinh tôn lên làm thần tượng. Cô giáo trẻ Hoài An (Hồ Ngọc Hà đóng) sau nhiều lần bị "thử thách" đã khiến đám học trò tinh quái “tâm phục khẩu phục”. Thậm chí, chúng còn lập hẳn một hội với cái tên: “Hội những thành viên hâm mộ cô Hoài An.


Cô An (Hồ Ngọc Hà) là thần tượng của học sinh.

Nhiều bạn xem xong Chiến dịch trái tim bên phải đều phải công nhận, nếu mình có một cô giáo chủ nhiệm như cô Hoài An, chắc chắn cũng sẽ thần tượng cô. Cô Hoài An không dạy những bài học đạo đức ra rả trên lớp, cũng chẳng dạy hời hợt đống kiến thức trong sách giáo khoa. Ngay buổi đầu "ra mắt", cô đã “xử” cậu học trò nghịch ngợm nhất lớp theo “phong cách” riêng của mình. Cô còn kiên quyết đứng ra bảo lãnh cho một thành viên nhóm “bát quái” khi không mang giày theo quy định của trường rồi sau đó mua tặng bạn ấy một đôi khác. Cô vừa xinh đẹp, trẻ trung vừa tâm lý, bảo sao học sinh không mê cô như “điếu đổ” cơ chứ?! 






Lũ học trò nghịch ngợm đang rình cô hẹn hò đây

Chiến dịch trái tim bên phải chiếm được cảm tình của không chỉ đa số các bạn tuổi học trò bấy giờ mà còn "chinh phục" đông đảo phụ huynh và thầy cô giáo. Phim sinh động, hấp dẫn, đậm chất teen nhưng đồng thời cũng rất lãng mạn. Đó là những cảnh đám con trai dấm dúi mua cái “nếu không nói ra thì không ai biết”, là cảnh cả đám ngồi vạch chiến lược tìm người yêu cho cô giáo rồi giúp cô và anh nhà báo tỏ tình dưới trời đầy bong bóng và băng rôn… Tất cả những điều đó đã khiến Chiến dịch trái tim bên phải trở thành bộ phim được yêu thích qua nhiều thế hệ học trò. 

Thứ ba học trò (Nhất quỷ nhì ma) - Thầy giáo trị lũ "quỷ nhỏ"

Thứ ba học trò có nội dung xoay quanh lớp 12A4 do thầy giáo dạy văn Nghiêm Tuấn (Đan Trường đóng) làm chủ nhiệm. Lớp này nổi tiếng trong trường là nơi tập hợp toàn “thành phần bất hảo”, chỉ thích chơi không thích học.


Thầy Tuấn đang rôm rả bên học sinh nè!

Thầy Nghiêm Tuấn vốn không phải là giáo viên chủ nhiệm chính thức của 12A4. Thầy chỉ được giao chủ nhiệm lớp khi cô chủ nhiệm cũ nghỉ sinh con. Vì chẳng ai dám tiếp quản một lớp 40 “tên cướp” này nên trách nhiệm được đẩy cho một người vừa mới "chân ướt chân ráo" về trường là thầy Tuấn. Không chỉ thế, thầy không dạy môn chính của mình là văn (nhà trường đủ giáo viên) mà phải chuyển sang dạy... giáo dục giới tính. 



Làm chủ nhiệm một lớp "bất hảo", thầy Tuấn phải đối mặt với biết bao trò nghịch ngợm, chọc phá của lũ "quỷ nhỏ". Nhưng nhờ tình yêu thương học trò mà thầy ngày càng được học sinh yêu quý, nhất là những tên “đầu sỏ” nghịch ngợm trong lớp.


Đông Nhi là "siêu thị thông tin" của lớp 12A4

Thứ ba học trò thu hút khán giả bởi những tình huống hài hước, nhẹ nhàng của lứa tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng. Với hàng loạt trò nghịch ngợm và người thầy hết lòng vì học trò, phim là thành phần không thể thiếu trong danh sách những tác phẩm đáng xem nhất nhân dịp 20/11.

Rừng chắn cát – Thầy cô như cây chắn cát, luôn bảo vệ học sinh

Rừng chắn cát mới lên sóng vào ngày 17/11 trên kênh VTV1 nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam. Phim xây dựng một cách đa dạng hình ảnh người thầy trong cuộc sống ngày nay.



Rừng chắn cát lấy bối cảnh trường THCS Xuân Hải tồi tàn của một miền quê nghèo ven biển – nơi tồn tại hệ thống quản lý lỏng lẻo và độc đoán của thầy hiệu trưởng Bảo. Trường học này tồn tại nhiều mặt của nền giáo dục: những con người chạy theo thành tích, đua nhau học tại chức để được nâng lương… Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều thầy cô giữ được đam mê và có lương tâm với nghề nghiệp. Họ quyết tâm đấu tranh với cái xấu để giữ gìn mái trường cho học sinh thân yêu.


Các em học sinh trường THCS Xuân Hải

Rừng chắn cát là câu chuyện của những người thầy nghèo, vượt qua mọi khó khăn để đem đến cái chữ cho các em nhỏ. Họ tượng trưng cho những loài cây cắm rễ sâu vào lòng đất để chắn cắt biển, bảo vệ lương tri và sự tốt đẹp của con người. Vì vậy, chúng mình hãy theo dõi bộ phim này để hiểu tình yêu thương học trò của thầy cô nhé.

Kết:

20/11 là ngày để các học trò thể hiện lòng biết ơn với thầy cô. Hãy cùng chúng tớ xem lại những bộ phim nói trên để hiểu hơn về những người đã và đang dạy chúng ta nên người dưới mái trường đồng thời gửi lời tri ân đến các thầy cô, bạn nhé!