Fan "phát hiện" dịch MERS đã được "tiên đoán" trong phim Hàn từ trước

Julie Tien, Theo Trí Thức Trẻ 14:14 25/06/2015
Chia sẻ

Trong khi dịch MERS đang lan rộng, fan điện ảnh xứ Hàn xôn xao tin đồn dịch này đã được "tiên đoán" từ The Flu (Đại Dịch Cúm) từ hai năm trước.

Gần đây, cả đất nước Hàn Quốc rúng động bởi nguy cơ lây lan căn bệnh hô hấp cấp truyền nhiễm MERS. Đây được đánh giá là dịch bệnh lớn nhất trong suốt một thập kỷ qua. Thậm chí còn nghiêm trọng hơn lần đất nước này phải đối diện với dịch SARS trước đó. Tình trạng hiện nay tại Hàn Quốc khiến người ta không thể không liên tưởng đến phim điện ảnh The Flu được công chiếu năm 2013. Điều này khiến nhiều người tin rằng dịch MERS đã được các nhà làm phim Hàn Quốc "tiên đoán" từ hai năm về trước.
 
Dịch MERS hiện nay khiến người ta liên tưởng đến phim “The Flu” từ năm 2013

Trailer phim "The Flu"
 
Bộ phim The Flu là câu chuyện xoay quanh hành trình cứu cô con gái nhỏ thoát khỏi dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của một bà mẹ. Xuyên suốt bộ phim người xem không khỏi rùng mình trước một căn bệnh hô hấp lạ, lây nhiễm trực tiếp từ người sang người, khiến chính phủ gần như đi đến quyết định phá hủy thành phố để ngăn chặn nó. Tuy không kinh khủng như phim và dịch MERS cũng đang dần nằm trong tầm kiểm soát nhưng có không ít tình huống tương đồng đến bất ngờ giữa phim và đời thực. 
 
1. Dịch bệnh du nhập từ nước ngoài

Cả trong phim lẫn ngoài đời, Hàn Quốc không phải là nơi xuất phát dịch bệnh nhưng lại là nơi hứng chịu hậu quả ghê gớm nhất. Trong phim, căn bệnh nguy hiểm lây nhiễm từ một nhóm người lao động bất hợp pháp từ nước ngoài thì trong thực tế, ca MERS đầu tiên được phát hiện ở Hàn là một người đàn ông đã du lịch về từ Trung Đông, nơi phát sinh nguồn dịch.
 
MERS vốn dĩ xuất phát từ vùng Trung Đông
 
2. Dịch lan nhanh khó kiểm soát

Trong phim, dịch cúm lây từ người sang người và nguy hiểm hơn là lây lan trong không khí khiến dịch bệnh không thể kiểm soát được. Dịch bệnh bắt đầu phát tán và lan rộng khắp Bundang với tỉ lệ lên tới 2.000 ca nhiễm/h cùng với những ca tử vong liên tiếp của các nạn nhân trong vòng 36 tiếng đồng hồ, đại dịch trong phim đã đẩy cả thành phố vào một tình trạng hỗn loạn và u ám tột độ. Mãi đến những phút cuối cùng của bộ phim thì hi vọng chữa khỏi dịch bệnh, là một loại vắc xin, mới được tìm ra.

Thực tế, người ta vẫn chưa đưa ra được một nguyên do chính xác vì sao MERS lại có tốc độ lây lan chóng mặt như thế ở Hàn Quốc. Dù lây từ người sang người nhưng MERS không lây qua đường không khí. So với các nước Trung Đông nơi phát sinh nguồn bệnh, số người mắc bệnh và tử vong đã gấp nhiều lần. Nguy hiểm hơn dịch MERS có nguy cơ tử vong lên đến bốn mươi phần trăm và hiện chưa có một loại thuốc nào đặc trị. Ngành y tế Hàn Quốc mới chỉ có thể đưa ra phác đồ điều trị giúp bệnh nhân mau hồi phục. Chỉ đến ngày 19/6, một trang thông tấn của Triều Tiên thông báo tìm ra vắc-xin đặc trị MERS nhưng chưa được xác nhận chính thức.

Dịch MERS lan nhanh khiến các trường học đóng cửa
 
Đâu đâu người dân cũng đeo khẩu trang phòng bệnh
 
Trong phim dịch bệnh chết người lây qua không khí khiến khung cảnh càng hỗn loạn hơn
 
3. Phản ứng thiếu nhanh nhạy của ngành y

Trong phim, chính phủ và các cơ quan y tế đầu não đã tỏ ra chủ quan khi xuất hiện người nhiễm bệnh đầu tiên dẫn đến tình trạng mất kiểm soát. Sau đó vô trách nhiệm hơn, họ chọn phương pháp bỏ rơi người dân và đã gần như đi đến quyết định chôn sống cả một thành phố. 
 
Chính phủ trong phim lúng túng trước dịch bệnh nguy hiểm
 
May mắn thay, thực tế đã không xảy ra theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, khi ca bệnh đầu tiên đến khám tại các bệnh viện và cung cấp thông tin rằng mình đến từ vùng tâm dịch nhưng nhiều nơi đã xem thường hoặc chưa được cập nhật được những triệu chứng của MERS để chẩn đoán. Dù có một hệ thống y tế vô cùng hiện đại và dịch vụ phúc lợi, chăm sóc sức khỏe hàng đầu nhưng chính phủ Hàn Quốc vẫn tỏ ra lúng túng khi dịch bệnh ập đến quá bất ngờ.

Trên thực tế, chính phủ cũng vấp phải phản đối gay gắt của người dân do sự ứng phó chưa nhanh nhạy
 
4. Vẫn còn các bác sĩ tâm huyết

Dù là trong phim hay ngoài đời, vẫn còn có những bác sĩ tâm huyết luôn làm hết sức mình để cứu giúp các bệnh nhân. Nếu trong phim người mẹ cũng là một bác sĩ đã không tiếc thân mình, nghiên cứu ra loại vắc xin chống bệnh để cứu chữa cho đứa con, thì thực tế cũng đã có rất nhiều bác sĩ, y tá đã nhiễm bệnh hoặc thậm chí tử vong trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân. Người dân nước này gọi họ là “chiến binh” và đang ngày đêm cầu nguyện cho các bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ.
 
Các bác sĩ hết lòng cứu chữa bệnh nhân trong phim 
 
... và các “chiến binh” ngoài đời thực
 
Hai năm trước đây, khán giả Hàn Quốc khi xem The Flu, không thể ngờ rằng có ngày, chính bản thân mình lại phải đối mặt với trường hợp tương tự như thế. Tuy rằng dịch bệnh đang dần nằm trong tầm kiểm soát nhưng đây chính là bài học cho nhiều quốc gia về phòng chữa bệnh truyền nhiễm. 

The Flu không đơn thuần là một bộ phim chỉ nói về đề tài thảm họa mà những sự kiện trong phim chỉ là một vỏ bọc để đạo diễn Kim Sung Soo kể cho khán giả nghe về nhiều câu chuyện khác. Giữa đại dịch, có một cuộc gặp gỡ tình cờ của anh chàng nhân viên cứu hộ Ji Gu (Jang Hyuk) và cô bác sĩ xinh đẹp In Hae (Soo Ae). Ji Gu đã phải lòng In Hae ngay từ cái nhìn đầu tiên mà không biết rằng cô đã có một con gái - bé Mirre dễ thương, cũng là người sau này nhiễm phải virus cúm tử thần mà Ji Gu và In Hae phải tham gia vào cuộc chạy đua với thời gian để cứu sống sinh mạng của Mirre cũng như hàng vạn người dân Hàn Quốc khác.
(Nguồn: soompi)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày