Điểm lại chặng đường phát triển của phim Việt mùa Tết

Rùa Rùa, Theo 00:00 24/01/2012
Chia sẻ

Cùng nhìn lại gần chục năm phát triển của điện ảnh nước nhà trong mùa phim Tết với những cột mốc đáng nhớ nhất.

Nhắc đến phim Tết, ắt hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay tới những cái tên Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, Lê Bảo Trung cùng những bộ phim giải trí hài hước, quy tụ dàn diễn viên ngôi sao. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu đứng vững trong lòng khán giả như vậy, phim Tết Việt đã phải chật vật trải qua một cuộc hành trình dài với không ít thất bại cay đắng.

2003

Dòng phim thị trường chính thức được hồi sinh và khái niệm phim Tết của màn ảnh Việt cũng ra đời từ thành công bất ngờ của Gái nhảy. Tác phẩm do đạo diễn Lê Hoàng dàn dựng thu về tận 12 tỷ đồng nhờ có những đột phá lớn, đánh đúng thị hiếu khán giả mà sau này đã trở thành công thức chuẩn cho những bộ phim thị trường: Nội dung táo bạo, diễn viên bắt mắt, tiết tấu nhanh và có sự trau chuốt cho phần hình ảnh, âm nhạc.


Đạo diễn Lê Hoàng


Hiện tượng "Gái nhảy"

2004

Gái nhảy phần 2 dưới cái tên Lọ Lem hè phố là phim Việt duy nhất ra rạp dịp Tết 2004 - thời kì sơ khai của mùa phim Tết Việt. Dù không có gì đặc sắc so với phần 1, phim vẫn thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả “đói” phim Việt.


"Lọ Lem hè phố" - "bình cũ rượu cũ” mà vẫn hút khách

2005

Lại vẫn là Lê Hoàng với tác phẩm mới Nữ tướng cướp. Nhưng đến thời điểm này, “cha đẻ của phim Tết” không còn ở thế độc quyền được nữa, màn ảnh rộng đã bắt đầu “xôm tụ” hơn.


Chán "Gái nhảy", Lê Hoàng chuyển sang "Nữ tướng cướp"

Khi đàn ông có bầu đạt doanh thu tốt, hãng Phước Sang quyết định chọn dòng phim hài kiểu bình dân với đông đảo diễn viên hài kịch và ca sĩ tham gia làm con đường cho những mùa phim sau.


Hãng Phước Sang gia nhập làng phim Tết bằng "Khi đàn ông có bầu"

2006

Năm 2006 đánh dấu sự ra mắt của hai gương mặt nổi bật trong dòng phim Tết sau này: Lê Bảo TrungNguyễn Quang Dũng.


Đạo diễn Lê Bảo Trung và Nguyễn Quang Dũng.

Lê Bảo Trung trình làng Đẻ mướn - bộ phim lưu dấu ấn đến tận bây giờ nhờ những cảnh nóng gây sốc và việc chi mạnh tay cho vài màn hành động tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của phim Việt lúc đó.


"Đẻ mướn" khơi nguồn trào lưu đưa những cảnh bỏng mắt vào phim
 nhằm câu khách


Còn Nguyễn Quang Dũng khởi nghiệp đạo diễn phim Tết bằng Hồn Trương Ba, da hàng thịt mang nội dung là lạ, dí dỏm đúng chất Dũng "khùng".


"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là bước khởi đầu cho thương hiệu vàng Dũng “khùng”

2007

Mùa phim Tết 2007 tương đối ảm đạm khi cảnh nóng bị lạm dụng trong những bộ phim như Trai nhảy, Chuông reo là bắn dẫn tới sự phản cảm.


Dù có một vài điểm sáng, "Trai nhảy" vẫn thể hiện sự cũ mòn
và xuống tay trong việc làm phim của Lê Hoàng.


"Chuông reo là bắn" không để lại ấn tượng gì ngoài độ “cởi mở”
của diễn viên và những cảnh nóng thừa thãi

Bộ phim gây tò mò vì bối cảnh “nửa cổ nửa kim” ăn theo game online hot nhất một thời - Võ lâm truyền kì cũng gặp thất bại với những kĩ xảo nghèo nàn của mình.


"Võ lâm truyền kì" - Món lẩu nhạt nhẽo và màu mè.

2008

Trái ngược với phim hài Phát tài bị công kích nặng do nội dung khá nhảm và hời hợt, Nụ hôn thần chết lại giúp đạo diễn Nguyễn Quang Dũng “lên trình”. Bộ phim ăn khách cũng là điều dễ hiểu khi hội tụ rất nhiều yếu tố: kịch bản thú vị, diễn viên đẹp, vào vai thuyết phục, hình ảnh lung linh, kĩ xảo khá…


"Phát tài" mang phong cách có vẻ hợp gu khán giả Việt ngày Tết
nhưng sự dàn dựng và bày trò gây cười của phim lại khá thô, thậm chí là khiên cưỡng.



"Nụ hôn thần chết" – Một tác phẩm phim Tết tương đối toàn vẹn

Bên cạnh những "đại gia" lớn, một hãng phim tại Hà Nội cũng mạnh dạn tham gia thị trường phim Tết với Em muốn làm người nổi tiếng, tiếc là bộ phim không thành công. Xem ra, các nhà làm phim miền Bắc phải khá lâu nữa mới đủ sức tham gia vào cuộc chơi phim giải trí cùng các đồng nghiệp phía Nam.


"Em muốn làm người nổi tiếng" đã cố gắng đổi mới nhưng
vẫn thiếu nhiều thứ để trở thành một phim giải trí hấp dẫn


2009

Đây là một mùa phim tiến bộ vượt bậc khi các tác phẩm điện ảnh được đầu tư rất quy mô, chu đáo trong mọi khâu. Các hãng phim đều tích cực thực hiện chiến dịch PR hoành tráng để thu hút khán giả đến với mình. Hai con át chủ bài trong mùa phim Tết 2009 là Giải cứu thần chết và Đẹp từng centimet đều thắng lớn.


Nguyễn Quang Dũng làm phần 2 của "Nụ hôn thần chết" 
theo một cách rất thú vị là "teen hóa" câu chuyện cùng nhân vật.


Không xuất sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật, "Đẹp từng centimet" vẫn hút khách
nhờ phần hình ảnh, âm nhạc được chăm chút kĩ và sức hút đến từ bộ đôi 
Lương Mạnh Hải - Tăng Thanh Hà.

Ngoài ra, một hương vị lạ, khác hẳn phong cách thường thấy cũng được mang ra chiêu đãi khán giả. Đó là Huyền thoại bất tử - một tác phẩm mang nội dung đầy sâu sắc, nhân văn.


"Huyền thoại bất tử" được đánh giá rất cao nhưng
không có doanh thu khả quan bằng những phim hài.

2010

Những bộ phim Việt của các hãng tư nhân rầm rộ ra mắt và thắng thế so với phim ngoại trình chiếu cùng thời điểm.


"Nhật kí Bạch Tuyết" cùng "Công chúa teen và ngũ hổ tướng" hút khách 
chủ yếu nhờ những mỹ nam, mỹ nữ.

Trong khi Nhật kí Bạch Tuyết, Công chúa teen và ngũ hổ tướng không có gì mới mẻ, đặc sắc thì mọi sự chú ý đổ dồn vào bộ phim ca nhạc đầu tiên của điện ảnh Việt: Những nụ hôn rực rỡ.

"Những nụ hôn rực rỡ"

Ngoài ra, việc câu chuyện liêu trai u ám Khi yêu đừng quay đầu lại chọn dịp Tết để ra mắt đánh dấu một cột mốc quan trọng: Phim Tết từ nay không còn đóng khung trong những phong cách hài hước, tươi sáng nữa.


"Khi yêu đừng quay đầu lại" - phim kinh dị đầu tiên dám đem chiếu Tết

2011

Màn ảnh Việt Tết 2011 tràn ngập hot boy, hot girl trong các phim Thiên sứ 99, Bóng ma học đường. Tuy nhiên, những gương mặt trẻ đẹp này chưa đủ sức nặng để thuyết phục và thu hút khán giả.


"Thiên sứ 99" rất đẹp về phần nhìn nhưng nội dung còn non

Dù không được đánh giá cao về chất lượng nhưng vẫn cần phải ghi nhận sự dũng cảm của đạo diễn Lê Bảo Trung và ê-kíp khi sản xuất Bóng ma học đường theo định dạng 3D, bắt kịp trào lưu mới nổi của thế giới.


"Bóng ma học đường" – “bom tấn” 3D của Việt Nam.

Bộ phim hay và ăn khách nhất Tết Tân Mão là Cô dâu đại chiến, tác phẩm tình cảm hài mang đề tài cũ nhưng được dàn dựng một cách thông minh, cuốn hút với những tình tiết và câu thoại khá đắt.


Dù đạo diễn Victor Vũ bị dính scandal đạo phim,
"Cô dâu đại chiến" vẫn được khán giả ủng hộ nhiệt liệt.

2012

Và dịp Tết năm nay, một bàn tiệc với những món ăn phong phú, thịnh soạn đã được dọn sẵn cho khán giả yêu điện ảnh. Đi theo phong cách tình cảm hài hước vốn được ưa chuộng xưa nay là Lệ phí tình yêuHello Cô Ba. Dù sở hữu nhiều ngôi sao phòng vé ăn khách nhưng lối mòn điện ảnh này đã nhạt vị, không còn đủ sức để giữ chân khán giả yêu thích nhiều như trước.


"Lệ phí tình yêu"


"Hello Cô Ba"

Thu hút sự chú ý của dư luận, được kì vọng nhiều nhất là Thiên mệnh anh hùng Lời nguyền huyết ngải - hai bộ phim mang đề tài rất khác biệt trong dòng phim Tết nói riêng và trong cả làng điện ảnh Việt Nam nói chung.


Tác phẩm võ hiệp giả tưởng hoành tráng "Thiên mệnh anh hùng" 


"Món ăn lạ" kì bí - "Lời nguyền huyết ngải"

Ngoài ra, Vũ điệu đường cong cũng là một sản phẩm nghệ thuật vô cùng bất ngờ. Tuy không được khán giả săn đón ngay từ đầu nhưng hiếm có ai phủ nhận được cái hay của bộ phim sau khi bước chân ra khỏi rạp.


"Vũ điệu đường cong" khai thác đề tài về giới nghệ thuật

Tóm lại, tình hình phim Tết 2012 đã có nhiều khởi sắc: được đầu tư hoành tráng hơn, phong phú về thể loại, chất liệu. Đáng ghi nhận nhất là phim Tết Việt không còn quá lạm dụng những chiêu bài câu khách hời hợt như chân dài, bình hoa di động hay cảnh nóng nữa.

Kết:

Trải qua một chặng đường dài phát triển, phim Tết đã trở thành một phần quan trọng tạo nên diện mạo của cả nền điện ảnh Việt, cũng như là món ăn tinh thần không thể thiếu cho nhiều khán giả nhân dịp năm mới. Mong rằng những bộ phim Tết của nước nhà sẽ ngày càng đa dạng, hấp dẫn hơn cả về chất lượng lẫn thể loại, để đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe của các "Thượng đế". 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày