Chiêu "nổ" đầu xuân
Không phải chờ đến bây giờ, mà ngay từ lúc mùa phim Tết mới vừa hình thành thì chuyện công bố doanh thu ở mức "trên trời" đã xảy ra. Theo những người trong nghề, không phải chủ phim nào cũng thích "tung chiêu" kiểu này và người được cho là khoái "nổ đầu xuân" nhất chính là Phước Sang.
Còn nhớ vào năm 2006, nhiều báo đã đăng thông tin bộ phim Đẻ mướn của Phước Sang thu đến 11 tỷ. Vì trước đó, ông bầu này từng bị nghi ngờ "khai man" 13 tỷ cho bộ phim Khi đàn ông có bầu nên có người mày mò kiểm tra các số liệu và tiết lộ con số thực thu của Đẻ mướn chỉ đạt khoảng... 5 tỷ đồng.
Đến khi đưa vấn đề này hỏi, dĩ nhiên Phước Sang chối. Trả lời một tờ báo lúc ấy, anh phân trần: "Tôi không bao giờ công bố các con số. Các phóng viên có nhiều nguồn khai thác tin khác nhau. Khi những con số được công bố không có hại gì cho nhà sản xuất, chúng tôi không bận tâm đính chính. Tư nhân làm phim lỗ đồng nghĩa với phá sản. Muốn bán được hàng, bên cạnh chất lượng phim phải có những chiêu thức tiếp thị đặc biệt".
Suốt nhiều mùa phim Tết tiếp theo, những tác phẩm của Phước Sang luôn xuất hiện những con số khiến nhiều người ngỡ ngàng. Vì vậy, việc anh im hơi lặng tiếng với bộ phim Yêu anh, em dám không? năm nay là một thắc mắc lớn. Có thông tin cho rằng phim của Phước Sang nhưng không còn thuộc về Phước Sang nên anh không thiết tha chuyện "nổ đầu xuân" như trước.
Bài học công bố doanh thu của Phước Sang cũng dễ dàng lan truyền sang các nhà sản xuất và các đơn vị phát hành phim khác. Chính vì thế, sau mỗi năm, khán giả tiếp tục được đọc những con số "khủng" và tăng dần đều của doanh thu phim chiếu Tết như Nụ hôn thần chết (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) - 16 tỷ, Giải cứu thần chết (Nguyễn Quang Dũng) - hơn 20 tỷ, Long ruồi (đạo diễn Charlie Nguyễn) - đạt 42 tỷ...
Vì sao con số "khủng" vấp nghi ngờ?
Đầu năm nay, các đơn vị sản xuất và phát hành phim cũng kịp "hâm nóng" truyền thông với những thông tin sốc về doanh số bán vé. Ví dụ điển hình nhất chính là Mỹ nhân kế đã lập kỷ lục mới với 52 tỷ đồng chỉ sau hơn 2 tuần công chiếu
Con số này ngay lập tức gây xôn xao. Người mừng vì điện ảnh Việt tạo được cột mốc quá lớn, tạo đà để các bộ phim sau tốt hơn. Người thì tỏ ý nghi ngờ và cười thầm cho rằng, đó chỉ là chiêu "quăng bom" của nhà sản xuất và nhà phát hành.
Những lý do khiến giới truyền thông và khán giả đặt nghi vấn về con số trên cũng rất dễ hiểu. Thực tế là trong một vài năm trở lại đây, số lượng rạp và suất chiếu có phần tăng trưởng nhưng không nhiều đến mức các bộ phim đạt được doanh số gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với các phim cùng được chiếu mùa phim Tết năm ngoái.
Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa có một tổ chức hay đơn vị chuyên nghiệp nào nhận lãnh trách nhiệm theo sát và kiểm chứng doanh thu của những phim ra rạp, đặc biệt là mùa phim Tết. Bên cạnh đó, tất cả các số liệu đều do phía nhà sản xuất hay nhà phát hành công bố, nên độ tin cậy thường không cao.
Không ít người tỏ ra lo lắng về việc các chủ phim không sợ "ông thuế" gõ đầu khi "hét" quá cao doanh thu sao? Thật ra, cơ quan thuế sẽ không bỏ qua doanh thu từ các phim nhưng họ chẳng quan tâm đến những con số ảo xuất hiện trên báo hay trên mạng, mà chỉ đánh thuế trên sổ sách chứng từ cụ thể. Họ dư sức biết chuyện phóng đại doanh thu chỉ một chiêu thức PR hiệu quả khi phim đang ra rạp. Và chỉ có cơ quan thuế mới là nơi nắm được số liệu chính xác nhất từ các bộ phim.
Không ai cấm nhà sản xuất, nhà phát hành "hù" khán giả khi công bố những con số ảo (nếu có) vì họ làm thế không ngoài mục đích khuếch trương thanh thế cho sản phẩm của mình, lôi kéo theo nhiều người vào xem phim. Vấn đề những con số đó phải thuyết phục, có cơ sở để tăng thêm niềm tin của khán giả. Khi một bộ phim đạt doanh thu cao, có nghĩa là phim hay, hấp dẫn, những ai chưa xem sẽ đi xem. Thế nhưng, nếu độ "hù hét" quá tay, phim không tốt, khán giả sẽ mất lòng tin, như vậy chiêu thức PR cũng phản tác dụng.