Cập nhật những mốt đã... lỗi thời trong phim Hàn (P.1)

Miko chan, Theo 00:00 05/09/2011
Chia sẻ

"Anh chàng" K-drama sành điệu cũng đôi khi mặc áo lỗi mốt cơ đấy!

Không thể phủ nhận, phim truyền hình Hàn Quốc luôn có một sức hút vô cùng mãnh liệt với khán giả của bộ môn nghệ thuật thứ 7. Thế nhưng, như nhiều nền điện ảnh trên thế giới, các nhà làm phim xứ kim chi cũng gặp phải một lỗi chung: mô típ lối mòn và lạc hậu. Hãy cùng chúng mình update xem, anh chàng K-drama đã bao lần mặc phải chiếc áo "trái mùa" nhé!

1. Bệnh "truyền thống": Ung thư, máu trắng

Đã có thời gian, đây là xu hướng kinh điển của các bộ drama Hàn. Muốn phim ăn khách, nhất quyết đạo diễn phải "hành hạ" một trong hai nam - nữ nhân vật chính đến mức... không sống nổi. Trong danh sách "tử thần" này, có lẽ cái tên nổi tiếng hơn cả chính là tác phẩm đầu tiên thuộc series "4 mùa" của đạo diễn Yoon Suk Ho: Autumn in My Heart (Trái tim mùa thu)



Câu chuyện tình buồn giữa "người anh trai" Joon Suh (Song Seung Hun) và "cô em gái hụt" Eun Suh (Song Hye Kyo) không chỉ lấy đi cả biển nước mắt của người xem mà còn giúp cho... virus "chết người" bùng phát nhanh như tên lửa. "Dịch bệnh" vội vàng lan ra hàng loạt các gương mặt đình đám như: Stairway to Heaven (SBS 2003),  I'm Sorry, I Love You (KBS 2004)... và không có dấu hiệu dừng lại. Thế nhưng, cái gì gượng ép quá mức cũng sẽ gây phản cảm. Và Love Story in Harvard của đài SBS lên sóng cuối năm 2004 là một bài học đắt giá.


Thời điểm đó, khán giả Hàn Quốc đang ngấy đến tận cổ "món gia vị" bệnh tật sầu não trên bàn tiệc phim ảnh. Vậy nên, lúc kịch bản phim trôi dần về cuối với chi tiết Soo In (Kim Tae Hee) bị ung thư máu và nhiều khả năng không qua khỏi, nhà đài đã lãnh đủ một... núi đá từ người xem. Thậm chí, có khán giả còn gọi điện yêu cầu biên kịch phải sửa lại nội dung để mang lại hy vọng cho người thân của họ cũng đang điều trị căn bệnh tương tự. 



Trước sức ép khủng khiếp của dư luận, ngọc nữ Kim Tae Hee mới "thoát hiểm" trong gang tấc khi nhân vật của cô khỏi bệnh và sống hạnh phúc cùng Hyun Woo (Kim Rae Won). Có điều, rating của phim cũng được phen "hú vía" với con số chỉ hơn 10% ở những tập "ngắc ngoải". 


Từ đó đến nay, trào lưu "phải... chết" đã thôi "làm mưa làm gió" trong làng drama xứ kim chi. Tuy nhiên, cơn sốt này đang có dấu hiệu manh nha trở lại với thành công ngoài sức tưởng tượng của Scent of a Woman. Liệu chúng ta có được chứng kiến một Trái tim mùa thu thứ hai hay không, hãy cùng chờ xem nhé!

2. Mất trí nhớ

Đây thực ra là một "biến thể" đặc biệt của các thể loại "bệnh tật" trong phim Hàn. Dường như có thỏa thuận ngầm giữa các biên kịch rằng: Cứ tông vào xe ô tô là 99% diễn viên chính sẽ phải mất trí nhớ, từ đó quên sạch những người họ yêu thương nhất. Công thức tiêu biểu này ngay lập tức gọi tên "nữ hoàng nước mắt" Choi Ji Woo với hai vai diễn để đời: Yu Jin (Winter Sonata - KBS 2002) và Jung Suh (Stairway to Heaven - SBS 2003).



Tiếp nối cái bóng đã quá thành công của đàn chị "mùa thu", Bản tình ca mùa đông quyết tâm giữ vững vị trí lá cờ đầu trên "làn sóng" đánh mất ký ức cực kỳ nổi tiếng lúc bấy giờ. Theo đúng "công thức", chuyện tình bi kịch giữa Joon SangYu Jin chỉ thật sự "chín muồi" khi nhân vật của Bae Yong Jun bay sạch mọi ký ức. Và khoảng thời gian chờ sái quai hàm 10 năm được lãng mạn hóa khi anh chàng một lần nữa chọn đúng người con gái năm nào.


Chưa đầy hai năm sau ngày Winter Sonata lên sóng, kịch bản trên tiếp tục "bổn cũ soạn lại" trong Stairway to Heaven. Có khác chăng là lần này, đạo diễn đã đổi khẩu vị, bắt nhân vật của chị Choi... lao đầu vào ô tô thay vì nam chính. Lại thêm một lần nữa, khán giả tha hồ ôm hộp khăn giấy sụt sịt cùng mỹ nhân rơi lệ với tỷ suất... 20/20 tập. Nhiều người còn hài hước nói vui rằng, số nước mắt mà Choi Ji Woo phải khóc trong phim khéo... "đủ xài" cả một đời người không chừng.


Chả biết có phải vì không còn đủ... nước mắt cho các bộ phim kế tiếp hay đã quá chán ngấy các dự án "bệnh tật" mà từ đó đến nay, các vai diễn của "người đẹp khóc" đã bớt dần ca bài bi kịch. Trong buổi họp báo bộ phim gần đây nhất Can’t love with losing, Choi Ji Woo còn hào hứng khoe rằng mình sẽ rũ bỏ hẳn hình tượng cũ nữa. 


Thiếu vắng những người có khả năng... rơi lệ cộng thêm sự nở rộ như nấm sau mưa của các thể loại phim tình cảm hài đã khiến những bộ phim bi kịch dần chỉ là "vang bóng một thời". Theo đó, trào lưu "mất trí nhớ" cũng chỉ dám chen chân vào một vài tập hoặc 1 chi tiết nhỏ trong phim như: Boys Over Flowers, 49 Days...

3. Hợp đồng tình yêu

Ranh giới thật giả trắng đen dường như là một khái niệm không tồn tại trong các bộ phim tình cảm Hàn Quốc sau khi trào lưu này được nhen nhóm. Có thể dễ dàng kể ra những cái tên đã "nhẵn mặt" khán giả Việt Nam như: My Name Is Kim Sam Soon (MBC 2005), Coffee Prince (MBC 2007)... Nhưng đình đám nhất có lẽ phải là bản hợp đồng Ngôi nhà hạnh phúc năm 2004, siêu phẩm đã đưa Bi (Rain) - lúc đó vẫn còn là cái tên khá xa lạ - phủ sóng toàn châu Á. Còn kiều nữ Song Hye Kyo thì một lần nữa chứng tỏ, cô không chỉ là người đẹp dịu dàng, u buồn của Trái tim mùa thu ngày nào.



Tuy nhiên, sau chuỗi ngày dài thống trị làng drama Hàn, những bản giao kèo tình cảm giả tạo bắt đầu trở nên mờ nhạt và kém thu hút khán giả hẳn. Mùa phim vừa qua, chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến thất bại ê chề của Lie to Me với rating vòng quanh mốc 10% và một chuỗi chỉ trích thậm tệ từ phía người hâm mộ. Thật tức cười ở chỗ: đây là mô-típ đã đưa tên tuổi "thái tử phi" Yoon Eun Hye bay cao với hình ảnh một cô nàng tomboy cá tính (Coffee Prince), thì cũng chính nó đã "dìm hàng" thiên thần của Baby V.O.X không thương tiếc.



Có vẻ, sự ế ẩm đã được dự báo từ trước của Lie to Me là lời cảnh báo chân thành nhất cho nhà sản xuất cũng như các biên kịch vẫn còn ôm "giấc mộng vàng". Không ít khán giả từng nhận xét rằng: phim đã nhạt, mô-típ còn cũ rích nữa, chẳng có đột phá gì hết. Xem ra, các bản hợp đồng ngoài... vòng pháp luật này đã đến lúc phải cất sâu vào trong ngăn kéo rồi.

4. Người đẹp nói dối

Cùng với các bản hợp đồng tình yêu, drama xứ kim chi còn sinh ra một người anh em... khác cha khác mẹ với nó là các mỹ nhân mang họ chú... Cuội. Dường như, các cô nàng trong phim Hàn luôn chứng tỏ mình là người con gái... sâu sắc nhất hành tinh khi bày ra những lời nói dối. Họ nghĩ rằng, làm như thế sẽ khiến cuộc sống của mình dễ thở hơn. Và thực tế thì ai cũng thấy là sau đó, mọi chuyện xung quanh họ trở nên... rối tinh rối mù. Nhắc đến trào lưu này, ắt hẳn không ít người sẽ nghĩ ngay đến nàng "Điêu Thuyền" lừng danh - Lee Da Hae - qua hai "hit": My Girl (SBS 2005) và Miss Ripley (MBC 2011).


Kịch bản My Girl là mô típ chuyện cổ tích điển-hình-của-điển-hình giữa nàng Lọ Lem Yoo Rin có biệt tài nói dối không chớp mắt và chàng công tử thừa kế tập đoàn khách sạn Gong Chan. Duyên phận đã "dính" cả hai lại với nhau sau khi Yoo Rin đóng giả làm cô em họ đã thất lạc của Gong Chan để giúp ông nội anh khỏe lại. 


Phải nói, nếu như chiếu muộn lại khoảng 5 năm thì có lẽ, thay vì được tán dương nhiệt liệt, nó sẽ còn bị... ném đá vì đi vào lối mòn cũng nên. Tuy nhiên, diễn xuất khá đáng yêu của kiều nữ dao kéo Lee Da Hae cộng với "làn gió lạ" Lee Jun Ki trong vai thứ nam là đủ để phim ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ.


Rất tiếc, vận may không phải là thứ dễ dàng xảy đến lần 2. Và khi quay trở lại màn ảnh nhỏ qua vai diễn Jang Mi Ri trong Miss Ripley, có lẽ Lee Da Hae không ngờ mình bị phản đối nhiều đến thế. Từ lúc bắt đầu lên sóng đến khi phim kết thúc, dù rating luôn đạt mức khá, thậm chí còn từng trèo lên cả ngôi đầu thì diễn xuất và nội dung nhiều "sạn" của Miss Ripley vẫn là chủ đề được nhắc đến nhiều hơn cả. 



Những khán giả khó tính lên tiếng về cách hành động phi lô-gic của Mi Ri: lúc thì "nhũn như con chi chi", lúc thì tráo trở khó lường, có dấu hiệu của kẻ... vừa ăn cắp vừa la làng. Còn các fan thì chỉ biết thở dài: Nếu như Da Hee lựa chọn một kịch bản không có nhiều điểm tương đồng với vai cũ như vậy, có lẽ cô nàng đã an toàn "lọt lưới". Bởi không thể phủ nhận, thời hoàng kim của những nàng Điêu Thuyền đã qua lâu mất rồi.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày