Cũng như vạn vật trên đời, sự sống không tự sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ vật này sang vật khác và dạng này qua dạng khác. Mỗi chúng ta đều được sinh ra từ mẹ, đôi khi lại được ban tặng một cuộc đời khác từ những người kém may mắn hơn. Điều này xảy ra khi những người bệnh hiểm nghèo được quyên tặng nội tạng từ những người thiếu may mắn hơn - đôi khi là những bệnh nhi không may phải dừng bước trước cuộc đời quá sớm.
Vào cuối năm 2016, cặp vợ chồng người Mỹ Royce Young và vợ, chị Keri phát hiện ra rằng đứa con gái đang chuẩn bị đến kỳ hạ sinh của mình mắc phải một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, được gọi là anencephaly, một hội chứng khiến đứa trẻ không phát triển thành phần quan trọng của não hoặc vỏ hộp sọ. Gia đình Young sau đó đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc là chấm dứt quá trình thai nghén, để đứa bé ra đi sớm hơn và bảo đảm an toàn cho người mẹ, hoặc là tiếp tục hạ sinh cô con gái này để rồi cũng sẽ mất bé chỉ trong khoảnh khắc.
Một cách dũng cảm, cặp cha mẹ dù đang đứng trên bờ vực của khổ đau vẫn quyết định sẽ hạ sinh con gái của mình, sau đó quyên tặng nội tạng của cô bé để cứu sống những bệnh nhi khác.
"Chúng tôi quyết định sẽ tiếp tục, vì vậy,
vợ và tôi đã chọn cho con gái cái tên Eva, có nghĩa là 'người ban tặng sự sống'." - Royce viết trên trang Blog của mình. "Nhiệm vụ đau lòng nhưng đơn giản: cho Eva thời gian, đưa cô bé đến với thế giới này để ra đi, và Eva sẽ trao tặng món quà cuộc sống cho một gia đình đang bị tổn thương khác."Thế nhưng, đáng buồn thay, Eva đã qua đời ngay trước khi kịp ra đời. Cô gái bé bỏng đã không kịp đặt chân vào thế giới này, đồng thời đem theo những nghĩa cử cao đẹp còn dang dở sang thế giới bên kia.
Đón nhận việc đứa con của mình sẽ không thể sống sót là một trải nghiệm tồi tệ mà không cặp bố mẹ nào đáng phải gánh chịu. Quyết định dũng cảm của gia đình Young đã vượt ra khỏi những suy tính thông thường của y học, khi mà lẽ ra người ta có thể bỏ đứa bé để đảm bảo an toàn cho người mẹ; vậy nhưng với tình yêu con tha thiết và lòng tôn trọng sự sống, anh Royce và chị Keri đã quyết định làm một điều đúng đắn. Eva mặc dù chưa kịp đến với thế giới này, cũng chưa cứu vớt được sinh mạng nào từ thân thể của mình, thế nhưng cô bé đã kịp để lại nguồn cảm hứng, sự thúc giục đối với nhiều người khác, giúp cho họ thấy được rằng, "hiến tạng cứu người' là hành động đẹp nhất mà một kẻ sắp ra đi có thể làm được cho những người còn sống.
Jemima Layzell đến từ Somerset, Anh quốc, được bạn bè đồng trang lứa mô tả là "thông minh, đáng yêu, giàu lòng trắc ẩn". Cuộc đời của cô bé lẽ ra sẽ rộng mở như những trang sách mà người mẹ là giáo viên của cô vẫn sử dụng hàng ngày, cho tới khi Jemima đột ngột qua đời do chứng phình mạch não.
Jemima gục ngã trong khi chuẩn bị sinh nhật 38 tuổi cho mẹ và mất 4 ngày sau đó ở bệnh viện. Khoảng thời gian là quá ngắn ngủi cho bất cứ gia đình nào để tiễn biệt một người sang thế giới bên kia, đặc biệt là khi kẻ đầu bạc phải khóc kẻ đầu xanh. Vậy nhưng, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, một quyết định cao cả đã được gia đình Layzell và bản thân Jemima đưa ra - sau khi cô bé qua đời, toàn bộ các nội tạng của Jemima sẽ được hiến tặng cho các bệnh nhân khác để họ có thêm cơ hội được sống.
Không có ai trữ sẵn trong đầu những suy nghĩ đại loại như "Mình sẽ làm gì với phổi trái và thận phải sau khi chết nhỉ?" hay "Mình có nên hiến tặng trái tim sau khi chết?". Jemima cũng vậy, đặc biệt là khi cô bé khỏe mạnh và yêu đời này đã ra đi chỉ trong 4 ngày ngắn ngủi. Trong 4 ngày đó, Jemima và gia đình lần đầu tiên được hỏi về ý nguyện ghép tạng, và cô bé đã bối rối một chút, để rồi sau đó nhận ra, hiến tạng cứu người là một hành động đẹp mà bản thân nên làm.
Sau khi qua đời, những gì mà Jemima để lại ở thế giới bên này đã được sử dụng để cứu sống tới 8 người khác. Trái tim của cô bé, ruột non, và tụy được ghép cho 3 người. 2 người khác thì nhận 2 quả thận của Jemima. Gan của em được tách ra và ghép cho 2 người, trong khi phổi được ghép cho 1 bệnh nhân. Trong số 8 người nhận tạng của em có 5 trẻ em trên khắp nước Anh. Lịch sử y học Anh quốc cũng đồng thời ghi nhận Jemima là người đã hiến số mô tạng nhiều nhất từng có, một cách hoàn toàn tự nguyện.
Những ngày này, dư luận trong nước hết lòng xót thương và bày tỏ sự cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp trước lúc ra đi của thiên thần nhỏ Hải An cùng gia đình của bé. Người ta cũng được dịp nhớ lại câu chuyện cô gái 19 tuổi có mẹ chết não sau một tai nạn ở Hà Tĩnh. Biết rằng mẹ không thể trở lại, cô gái cùng gia đình đã dũng cảm chấp nhận tiễn mẹ đi trước một đoạn, đồng thời quyên tặng nội tạng của mẹ cho bốn bệnh nhân khác.
Hiến tạng - mặc dù là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng những gì sẽ xảy ra trong thực tế của nó là một viễn cảnh có phần "lạnh lẽo" mà không phải ai cũng hào hứng đón nhận. Những gì từng thuộc về người con, người anh, người mẹ của bạn giờ đây nằm trong lồng ngực một người khác, đồng thời những quan niệm về tập tục mai táng cũng sẽ khiến không ít người ít nhiều chưa thể chấp nhận được chuyện "hiến tạng cứu người". Trong nhiều trường hợp, giống như của cô gái trẻ 19 tuổi nói trên, quyết định hiến tạng không nằm ở người sắp ra đi mà nằm ở những người còn sống, ở những người thân và gia đình của họ. Bạn có nghĩ rằng, quyết định dừng trợ sinh cho chính một người thân trong gia đình, sau đó chấp nhận hiến tặng người đó cho y học là một chuyện dễ dàng? Và bạn có cho rằng đó là một chuyện đáng làm?
Dễ dàng, chắc chắn là không. Nhưng đáng làm hay không, câu trả lời chắc chắn là có. Món quà cho sự sống bắt nguồn từ cái chết là thứ mà nhiều quốc gia hiện nay đang tích cực ủng hộ dưới tinh thần vị nhân sinh cao cả. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia đầu tiên quy định mọi công dân sẽ nghiễm nhiên hiến tạng sau khi chết não - trừ phi họ đã lập văn bản từ chối điều này. Biện pháp này cũng đã được Pháp bắt đầu thực hiện vào đầu năm 2017. Vào năm 2016, có tới 1.448 người Australia được ban tặng cơ hội để tiếp tục sống nhờ vào tấm lòng của 503 người đã khuất. Tỷ lệ này cao hơn 16% so với năm trước đó, và giúp tăng số người được cứu sống bằng những ca hiến tạng lên thêm 17%. Cách đó 10 năm, vào trước năm 2008, trung bình chỉ có 204 người hiến tạng ở Australia mỗi năm, cứu sống khoảng 607 ca bệnh khó.
Nhân loại rõ ràng đang dần ủng hộ nghĩa cử cao đẹp mang tên "hiến tạng, cứu người" mà trong đó, chính những thiên thần nhỏ đôi khi lại là vị cứu tinh cho những người không may mắn khác.