Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi hẹn gặp được chị Đinh Thị Phương Loan (32 tuổi, quê ở xã Xuân Láng, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ), hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Chị là người đầu tiên làm nghề trang điểm cho tử thi ở Việt Nam.
Công việc trang điểm cho tử thi thoạt đầu nghe hơi ghê rợn, sợ hãi và nhiều người vẫn chưa hình dung được sẽ thực hiện như thế nào. Chị Loan chia sẻ đã theo đuổi công việc này gần một năm nay.
Là con gái, lại làm công việc mà đến "cánh đàn ông còn khiếp vía", nên chị Loan có rất nhiều cảm xúc, kỷ niệm. Chị kể, trước đây chị làm chuyên gia trang điểm cho nhiều sự kiện, đám cưới, đám hỉ… Công việc kéo dài cả ngày lẫn đêm, khá bận rộn, nhưng đem lại mức thu nhập ổn định.
Chị Đinh Thị Phương Loan, 32 tuổi, người làm công việc trang điểm tử thi
Cơ duyên đến với nghề trang điểm cho người đã mất đến với chị khi người bạn thân có chị gái không may qua đời. "Bạn tôi khi đó buồn bã nói muốn tìm người trang điểm cho chị thật đẹp trước khi khâm liệm để chị đẹp như lúc đang ngủ nhưng không có ai làm. Ở nhà tang lễ họ chỉ bôi chút son phấn thôi, không kỹ càng", chị kể.
Câu nói của người bạn thân khiến chị Loan về nhà trăn trở cả tháng trời. Trong đầu chị lúc đó quanh quẩn nhiều câu hỏi về công việc trang điểm cho tử thi. Một thời gian sau, chị quyết định thử sức, khi đó ở Việt Nam chưa mấy ai làm.
Tuy nhiên, bố mẹ và người thân đã phản đối kịch liệt. Nghĩ là làm, chị giấu gia đình, từ các mối quan hệ, cộng tác với Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hoà Bình).
"Khách hàng" đầu tiên của chị Loan là một người cao tuổi, lần đó chị cùng đồng nghiệp đến nhà xác. Khi tấm vải trắng được lật lên, đồng nghiệp sợ khiếp vía còn chị vẫn bình thản đeo găng tay, chải chuốt tóc, trang điểm, đánh môi, sơn móng cho người đã khuất… Từng công đoạn được làm tỉ mỉ, thông thường diễn ra trong khoảng 1 giờ, tuỳ từng khuôn mặt, màu da.
Bộ "đồ nghề" dùng để trang điểm cho tử thi của chị Loan
"Gia đình nào cũng muốn người thân trở nên tươi tắn, hồng hào, có hồn... sao cho giống như khi đang ngủ nên tôi luôn cố gắng làm hết khả năng. Tôi muốn khi ra đi, con người cũng vẫn đẹp nhất. Xác chết sau khi được lấy ra từ nhà lạnh, thay quần áo, lau chân, lau tay và dùng khăn thấm nhẹ ở mặt.
Mỗi người có một cách trang điểm khác nhau, đàn ông trang điểm nhạt, chị em phụ nữ thì đậm thêm một chút, cụ bà thì trang điểm đậm hơn.
Tôi trang điểm cho người mất đã 100 tuổi, cũng có trường hợp bé gái mất mới 15 tuổi, cô bé rất xinh xắn chỉ vì bệnh tật qua đời. Khi đến nơi lòng buồn như chính mình mất người thân. Trang điểm xong tôi về nhà mang theo bao sự tiếc nuối", chị kể.
Những lần sau, chị Loan thành thục công việc một mình mà không hề lo sợ bất cứ điều gì. Đến nay, chị đã trang điểm cho hàng trăm xác chết từ người già cho tới người còn rất trẻ. Chị cho biết, tới giờ phút này bố mẹ và con trai ruột vẫn chưa biết mình làm công việc này.
"Tôi không có ý định giấu gia đình nhưng tôi quyết định theo thì tôi sẽ làm bằng được. Tôi cũng vui khi mỗi lần xong công việc đều nhận được sự cảm tạ của thân nhân người đã khuất. Khi biết chuyện gia đình tôi cũng sẽ đồng cảm với việc mình đang làm thôi", chị tâm sự.
Trước khi bắt đầu công việc, chị và đồng nghiệp sẽ dành thời gian vái lạy người đã mất
Trung bình công việc kéo dài một tiếng đồng hồ, tuỳ từng khuôn mặt, màu da
Làm công việc này khiến chị Loan cũng bị nhiều người kỳ thị. Nhiều bạn bè gặp hỏi chị làm gì, khi nhận được câu trả lời họ đều tỏ ra sợ hãi và không hỏi thêm gì. Thế nhưng, đối với chị, nghề nghiệp nào cũng cần được tôn trọng.
"Tôi dự định sẽ theo công việc này suốt đời. Chính vì vậy nếu sau này có ai đó có tình cảm với mình họ phải hiểu công việc của tôi đang làm thì mới tính đến chuyện tương lai xa được. Tiền bạc không phải điều quan trọng nhất, mà là sự hài lòng và biết ơn từ thân nhân người đã khuất. Khi một gia đình nói cảm ơn, tất cả công việc khó khăn đều đáng giá", chị nói.
Trong thời gian tới, chị dự định sang Đài Loan trau dồi thêm tay nghề để trở nên chuyên nghiệp hơn trong công việc.