Chuyến thám hiểm Titanic đầu tiên sau vụ nổ tàu lặn Titan kinh hoàng, tiết lộ một yếu tố đặc biệt để chắc chắn không lặp lại thảm cảnh

Phạm Trang, Theo Đời sống pháp luật 00:03 04/07/2024

RMS Titanic Inc cho biết sẽ thực hiện một chuyến thám hiểm tàu Titanic vào tháng 7 này.

Thảm hoạ nổ tàu lặn Titan của OceanGate xảy ra vào tháng 6 năm 2023 khiến 5 người tử vong đã dấy lên lo ngại về việc tiếp tục tiến hành những chuyến thám hiểm khám phá xác con tàu Titanic huyền thoại. Đặc biệt là khi chính phủ Mỹ đã cố gắng ngăn chặn các chuyến thám hiểm tiến hành ngay sau khi vụ việc xảy ra.

Chuyến thám hiểm Titanic đầu tiên sau vụ nổ tàu lặn Titan kinh hoàng, tiết lộ một yếu tố đặc biệt để chắc chắn không lặp lại thảm cảnh - Ảnh 1.

Tàu lặn Titan phát nổ vào tháng 6 năm 2023 đã cướp đi tính mạng của 5 người

Tuy nhiên, mới đây, RMS Titanic Inc - một công ty có quyền thực hiện các hoạt động bảo tồn tại địa điểm xác tàu Titanic bị đắm, đã tuyên bố sẽ có một chuyến thám hiểm đến nơi xác của con tàu huyền thoại bị đắm trong tháng 7. Đây cũng là chuyến thám hiểm đầu tiên kể từ sau khi thảm họa nổ tàu của OceanGate xảy ra.

Nhưng, RMS Titanic In cho biết sẽ có một điểm khác biệt khiến chuyến thám hiểm này an toàn hơn rất nhiều. Đó chính là việc tàu lặn của hãng sẽ không thực sự đưa bất cứ ai xuống tiếp cận xác tàu Titanic như trường hợp của OceanGate.

Cụ thể, RMS Titanic In sẽ sử dụng các phương tiện điều khiển từ xa để giúp các nhà nghiên cứu có thể khám phá địa điểm này. Trong chuyến đi, nhóm sẽ quan sát và nghiên cứu bất kỳ hiện vật nào còn sót lại từ con tàu nào mà họ có thể lưu giữa và bảo tồn trong các chuyến thám hiểm tương lai. Mặc dù vậy, công ty cũng xác nhận rằng họ sẽ không cố gắng tiến vào bên trong con tàu.

Chuyến thám hiểm Titanic đầu tiên sau vụ nổ tàu lặn Titan kinh hoàng, tiết lộ một yếu tố đặc biệt để chắc chắn không lặp lại thảm cảnh - Ảnh 2.

Đội ngũ tiến hành chuyến thám hiểm sắp tới của RMS Titanic Inc

RMS Titanic Inc cho biết sứ mệnh của họ là "bảo tồn di sản của Titanic, không chỉ thông qua việc thu hồi hiện vật mà còn qua các sáng kiến ​​nghiên cứu, chụp ảnh và giáo dục thường xuyên".

Công ty này cũng tiết lộ có một vật phẩm đặc biệt mà họ hy vọng sẽ tìm thấy trong tương lai là hệ thống không dây Marconi - một hệ thống hiện đại bậc nhất vào thời điểm tàu ​​Titanic bị chìm. Chính hệ thống này đã gửi tín hiệu khẩn cấp từ con tàu trước khi nó hoàn toàn nằm sâu dưới lòng đại dương vào tháng 4 năm 1912.

RMS Titanic Inc cho biết hiện đã xin được giấy phép tiến hành thám hiểm và sẽ cố gắng hạn chế tối đa việc xáo trộn những di tích còn sót lại từ xác tàu Titanic trong quá trình hoạt động.

Vào lúc 4h sáng ngày 18/6 (theo giờ địa phương), tàu lặn Titan của OceanGate cùng 5 thành viên được tàu Polar Prince chở đến bờ biển ở Newfoundland (Canada) để tiến hành chuyến thám hiểm tàu Titanic. Dự kiến, Titan mất khoảng 2 tiếng để tiếp cận xác tàu Titanic và cần khoảng thời gian tương tự để ngoi lên mặt nước.

Tuy nhiên khi chuyến đi diễn ra được 1 giờ 45 phút, tàu Titan gặp sự cố và mất liên lạc. Tín hiệu cuối của chiếc tàu này được ghi nhận ở ngay phía trên xác tàu Titanic. 8 tiếng sau, vụ mất tích được OceanGate thông báo đến Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ. Ngay lập tức, quá trình cứu hộ được triển khai.

Sau khi cảnh sát biển Canada tìm kiếm thì phát hiện tàu lặn đã nổ tung. Các mảnh của chiếc tàu lặn cuối cùng đã được tìm thấy bốn ngày sau. Tất cả năm hành khách trên tàu Titan đều thiệt mạng trong vụ nổ. Nguyên nhân được xác định do áp suất cực lớn dưới đại dương.

https://kenh14.vn/chuyen-tham-hiem-titanic-dau-tien-sau-vu-no-tau-lan-titan-kinh-hoang-tiet-lo-mot-yeu-to-dac-biet-de-chac-chan-khong-lap-lai-tham-canh-20240703175232782.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày