Ngày 16/4/2014, chuyến phà Sewol trên đường từ Incheon đến đảo Jeju chở theo 457 người chìm xuống, cả đất nước Hàn Quốc để tang trong nước mắt.
Hơn 300 người đã mãi mãi ra đi, đau đớn thay khi phần lớn là các em học sinh cấp ba từ trường phổ thông Dongsan.
9 người vẫn còn mất tích, đâu đó dưới đáy biển lạnh ngắt.
Hàng trăm gia đình, hàng triệu người dân Hàn Quốc tiếc thương và buồn bã. Nhiều người ví đây như một nỗi đau tột cùng của cả đất nước trong thế kỷ 21 này. 3 năm qua đi, người ta vẫn nhớ như in từng câu chuyện, từng con người đã ra đi mãi mãi cùng chuyến phà Sewol.
Giá như có một phép màu xảy ra...
Nữ thuyền viên hy sinh cứu người
Những người sống sót trên chuyến phà Sewol năm nào chắc sẽ không thể nào quên được cô gái trẻ đã bình tĩnh, can đảm giúp từng người trên phà thoát ra ngoài: nữ thuyền viên Park Ji-young.
Trong những giờ phút cam go nhất, cận kề cái chết nhất, Ji-young vẫn không mảy may lo cho tính mạng của mình mà chỉ mong sao tất cả các hành khách có thể thoát ra khỏi tàu một cách an toàn nhất.
"Tôi liên tục hét lên rằng tại sao cô ấy không mặc áo phao cứu sinh trước. Park chỉ nói cô sẽ ra khỏi con phà sau khi đảm bảo rằng tất cả hành khách đã được giải thoát. Cô ấy nói thủy thủ đoàn, trong đó có cô ấy, sẽ là những người cuối cùng rời phà", một hành khách may mắn sống sót kể lại.
Nữ thuyền viên Park Ji-young đã hy sinh mình để cứu mọi người.
Nước càng dâng lên cao, Ji-young càng nhanh tay đẩy các hành khách ra ngoài cửa để có thể lên trên. Dù khi nước đã ngập tới ngang ngực mình, cô gái trẻ vẫn không bận tâm mà tiếp tục giúp đỡ mọi người.
Hàng chục người đã sống sót nhờ nữ thuyền viên dũng cảm, còn Park Ji-young, cô gái trẻ mới 22 tuổi vào năm đó đã nằm lại dưới biển cùng hơn 300 người khác.
Những tin nhắn gửi lại người thân
"Không, con không thể di chuyển bởi phà quá nghiêng. Di chuyển còn nguy hiểm hơn".
"Mẹ, bởi con sợ là sau này không thể nói với mẹ nên gửi tin nhắn này. Con yêu mẹ".
Đó là những dòng tin nhắn cuối cùng của nhiều em học sinh gửi lại cho gia đình, cho bố mẹ. Khi chiếc phà dần nghiêng và chìm xuống biển, sự sợ hãi và bóng tối vây quanh, cái chết gần như cận kề, lũ trẻ chỉ còn biết gửi lại những dòng tin nhắn cuối cùng cho cha mẹ mình, những câu nói ngắn ngủi mà cứa sâu vào tâm can mọi người.
Những người mẹ vật vã mòn mỏi chờ con.
Đau đớn thay và bất lực làm sao khi nhìn thấy sự tuyệt vọng của các con qua dòng tin nhắn mà những ông bố bà mẹ không thể làm gì được. Đó là cái thời khắc, họ biết cuộc sống của con mình đang đếm bằng phút, bằng giây chứ không còn là hàng giờ nữa. Nhưng các bậc phụ huynh không làm gì khác được. Chỉ còn nước mắt lưng tròng và sự hy vọng rằng các con mình sẽ bình an.
"Nếu có thể lặn, tôi sẽ nhảy xuống nước tìm con gái mình", một phụ huynh nghẹn ngào nước mắt.
Người thầy giáo tự tử sau khi sống sót
Trong những người may mắn sống sót trên chuyến phà tử thần đó có hiệu phó của trường trung học Danwon, ông Kang Min-kyu, 52 tuổi. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi được cứu sống, ông Kang được tìm thấy đã qua đời trong tư thế treo cổ gần phòng tập thể thao trên đảo Jindo, nơi mà có hàng trăm phụ huynh đang ngóng chờ con sau thảm kịch.
Có lẽ, thầy Kang chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân liên quan tới vụ chìm phà nhưng câu chuyện của thầy lại khiến người ta buồn vô hạn. Nhiều người tự đặt câu hỏi cho cái chết của thầy, phải chăng thầy quá dằn vặt vì là người sống sót? phải chăng chuyến phà định mệnh kia sẽ ám ảnh cả cuộc đời thầy?
Thầy giáo Kang Min-kyu đã tự tử vài ngày sau vụ chìm phà.
Không ai biết chắc câu trả lời, nhưng người ta biết rằng, thời gian sau đó sẽ là những ngày giấc mơ của thầy chập chờn trong cơn ác mộng khi hàng trăm em học sinh của mình đã ra đi mãi mãi. Sự ra đi của thầy có lẽ như một sự giải thoát, một minh chứng cho nỗi buồn cùng cực của người ở lại.
Giá như cuộc sống này không nghiệt ngã như vậy...
Bàn thờ chung của hàng trăm học sinh
Ngôi trường Dongsan, nơi từng rộn ràng tiếng cười và hy vọng bừng sáng của học sinh giờ đây lại nhuốm một màu tang thương.
Một bàn thờ chung được dựng lên giữa trường, nơi di ảnh và những bó hoa vàng tưởng niệm sự ra đi của hơn 200 em học sinh và giáo viên như bóp nghẹt trái tim của bao người. Chưa khi nào, người ta lại thấy sự tuyệt vọng như vậy tại một nơi đáng nhẽ ra phải ngập tràn niềm vui và sự sống.
Bàn thờ chung của hàng trăm học sinh.
Lũ trẻ mới chưa đầy 20 tuổi, vẫn còn trẻ trung và sôi nổi, nhiệt thành với nhiều ước mơ. Nhưng giờ đây, các em đã mãi mãi ra đi, để lại tuổi thanh xuân của mình lại ngôi trường này và trên chuyến phà định mệnh kia.
Có lẽ, chưa đám tang nào lại khiến người ta khóc nhiều đến thế. Nếu không có chuyến phà Sewol ngày 16/4 đó, ngôi trường Dongsan giờ đây chắc lại có một mùa xuân ngập nắng và niềm vui.
Ngôi trường giờ đây chỉ còn nỗi buồn thương vô hạn.