Chuyện "ngôi sao phòng vé" kì 2: Sự phai tàn của đế chế các danh hài

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 08:23 05/11/2017

Nếu như trong bài viết trước đề cập tới những gương mặt gây xôn xao màn ảnh, chỉ bằng một vai diễn có thể thu về số tiền khủng thì ở bài viết này, “ngôi sao phòng vé” là danh hiệu của những danh hài với tần suất xuất hiện dày đặc.

Bên cạnh những diễn viên thông thường thì diễn viên hài cũng là một khái niệm khá phổ biến của điện ảnh nước nhà. Gương mặt phòng vé đều đặn xuất hiện mỗi năm đó chính là các nghệ sĩ hài. Dù cho càng ngày, nội dung hài càng không được mặn như trước, nhưng như một thói quen, khán giả vẫn luôn theo dõi và đón đợi những bộ phim hài mỗi dịp Tết. Có thể đó chính là liều thuốc tinh thần, giúp họ giải tỏa căng thẳng sau một năm làm việc vất vả.

Thế nhưng, dù cho những cái tên "đinh" của làng hài Việt Nam như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang,… có hot đến đâu, cũng chưa chắc đã có thể là tấm bùa hộ mệnh xuyên suốt nhiều năm cho những phim hài Tết. Hết phim này đến phim khác, gần như phim nào cũng phải có ít nhất một "danh hài" như kiểu "bảo trợ" sự quan tâm của khán giả đại chúng, tương tự doanh thu.

Và có lẽ cũng chính vì sự xuất hiện của dàn sao bảo chứng doanh thu, mà bộ phim hài "Quý tử bất đắc dĩ" nhanh chóng thu được gần 30 tỷ chỉ sau 10 ngày ra mắt mặc dù nội dung hết sức tệ hại, các tình huống hài cũng không có gì đặc sắc.

Chuyện ngôi sao phòng vé kì 2: Sự phai tàn của đế chế các danh hài - Ảnh 1.

Phim "Quý tử bất đắc dĩ" với sự xuất hiện của NS Hoài Linh và Trấn Thành, Việt Hương, Tấn Beo

Vậy, cùng điểm mặt một vài danh hài thuộc dạng "bùa hộ mệnh" ở trên để xem họ có còn là những tấm kim bài giúp phim thắng lớn nữa hay không.

Đầu tiên là nghệ sĩ Hoài Linh. Nếu như cuối những năm 90, người ta quá quen thuộc với hình ảnh Hoài Linh giả gái đẹp đến nao lòng, thì giờ đây, khi đã đứng tuổi, chú lại thường chọn hình ảnh một người cha đầy kinh nghiệm sống, phải đặt mình giải quyết những vấn đề khó khăn của gia đình.

Chuyện ngôi sao phòng vé kì 2: Sự phai tàn của đế chế các danh hài - Ảnh 2.

NS Hoài Linh với những phen giả gái để đời

Hình tượng mà Hoài Linh vẫn theo từ trước đến giờ luôn là hình ảnh bình dị với những chiếc áo đã bạc màu của một người dân quê, chứ ít khi hóa thân vào những vai giàu sang, quyền quý. Đây chính là cách khiến cho dù hài của Hoài Linh có đề cập đến những vấn đề của tầng lớp thượng lưu, nhưng những người lao động – cũng là phần lớn khán giả - vẫn thấy được hình bóng mình trong câu chuyện "hài ra nước mắt" của anh.

Mặc dù đã ghi được dấu ấn thương hiệu trong suốt thời gian dài, nhưng trong năm 2015, Hoài Linh đã có "cú vấp" mang tên Già gân, mỹ nhân và găng tơ, khi bộ phim hứng chịu nhiều lời chê bai, trong đó bản thân danh hài cũng phải gánh một phần lớn trách nhiệm. Nhưng, doanh thu bộ phim khi đó vẫn cao, vẫn nghiễm nhiên vượt xa Star Wars khiến cho tín đồ điện ảnh phải ngạc nhiên về "gout thưởng thức" phim ảnh của Việt Nam. Còn các nhà sản xuất vẫn cho rằng phim có dở cũng không sao, miễn có danh hài là được.

Chuyện ngôi sao phòng vé kì 2: Sự phai tàn của đế chế các danh hài - Ảnh 3.

NS Hoài Linh trong phim "Già gân, mỹ nhân và găng tơ"

Còn với Trấn Thành, anh chọn lối diễn "tăng động", điều khiển giọng nói linh hoạt để tạo ấn tượng. Ban đầu, khán giả rất thích thú với điều này. Vì hài thì phải gọn và trúng. Thế nhưng rồi, chính nó cũng là yếu tố khiến khán giả không còn hào hứng quá nhiều. Đồng ý rằng, Trấn Thành có cái duyên riêng, nhưng anh thường nhận những vai na ná về bản chất. Diễn xuất từ đó cũng bị gò vào một màu, vô vị.

Chuyện ngôi sao phòng vé kì 2: Sự phai tàn của đế chế các danh hài - Ảnh 4.

Trấn Thành trong "Quý tử bất đắc dĩ"

Hơn thế, khi đã một màu, cái màu anh chọn lại hơi gắt, khiến cho khán giả nhiều khi thấy vai diễn bị lệch pha với các nhân vật khác. Nếu như những vai phụ với tính cách "dị", gây cười là điều anh phải làm, thì khi đã được chọn vai chính, lại còn đóng cặp, Trấn Thành nhất quyết phải tiết chế bản thân lại.

Hãy nhìn vào cặp đôi Ly (An Nguy) – Kevin Vũ (Trấn Thành) trong Chờ em đến ngày mai để thấy rõ điều này. Một người thì quá cứng, một người quá khoa trương cảm xúc. Không thể phủ nhận rằng cái tên Trấn Thành vẫn rất hot, những chương trình hay phim ảnh có anh tham gia đều thu hút khán giả. Nhưng chắc chắn anh không thể cứ mãi đem phong cách sân khấu kia vào điện ảnh mãi được. Nhà sản xuất cũng không nên cứ giao cho Trấn Thành những vai na ná nhau như thế được. Khán giả bây giờ tinh ý và sẵn sàng kén chọn, nên những "món ăn" quá nhàm chán mà cứ lặp đi lặp lại ắt sẽ sớm bị hắt hủi.

Chuyện ngôi sao phòng vé kì 2: Sự phai tàn của đế chế các danh hài - Ảnh 5.

Vai diễn Lâm si đa trong Nắng của Trấn Thành

Hay một cái tên khác, đó là "Hoa hậu hài" Thu Trang. Thu Trang dù không có vẻ ngoài xuất sắc nhưng luôn gây ấn tượng bởi sự tếu táo trong tỉnh bơ của mình. Giống như diễn viên Thái Hòa, Thu Trang biết tận dụng điểm yếu và biến nó thành thứ khiến mình nổi bật. Những nỗ lực của Thu Trang nhiều đến vậy vẫn không thể cứu được "Yêu là phải xài chiêu" đã ra rạp vào tết 2016.

Chuyện ngôi sao phòng vé kì 2: Sự phai tàn của đế chế các danh hài - Ảnh 6.

Mặc dù chỉ với 2 tuần ra mắt, bộ phim đạt doanh thu 26 tỷ, nhưng sau khi xem phim về, khán giả hầu như không đọng lại chút cảm xúc gì. Tiếng cười mà bộ phim mang đến chỉ là những tiếng cười vô thưởng vô phạt, nội dung phim không có yếu tố bất ngờ, tình tiết thì rời rạc, thậm chí còn mắc lỗi chọc cười dễ dãi khi đưa ra những cảnh quay không hợp lý.

Có vẻ như, đây là một lỗi mà phần lớn các phim hài Tết đều mắc phải. Đó là chỉ coi phim hài là phim giải trí. Nếu như trước kia, chỉ cần cộp mác hài là sẽ nhận được vô vàn sự đón nhận, nhưng nay thì không. Các nhà làm phim đã nhận ra rằng, để bày lên một mâm cơm hấp dẫn, không thể chỉ có cơm trắng, mà phải có một mâm cơm đầy đủ những yếu tố mặn, ngọt, đắng, cay thì mới mong giữ chân khán giả.

Kết quả là suốt quãng thời gian gần một năm vừa qua, lượng phim hài giảm hẳn. Trong khi khán giả thì yêu cầu ngày càng cao vì họ có thể được xem những bộ phim chất lượng tốt hơn do công nghệ thông tin phát triển đem lại. Lượng khán giả nhiều hơn, phong phú về độ tuổi vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho nền điện ảnh, nhưng có vẻ điện ảnh Việt Nam chưa biết cách khai thác điều này. Hãy biến phim hài thành những bộ phim có nội dung tử tế, thì may ra mới không chết yểu trước phim ngoại.

Trong khi đó, nếu nhìn sang mảng hài của các nghệ sĩ phía Bắc, những tên tuổi như Xuân Bắc, Tự Long hay Công Lý, Quang Thắng, Vân Dung, Quốc Khánh, … vẫn luôn là những cây hài "ngôi sao" mỗi mùa Táo Quân. Giờ cũng đã có thêm những cái tên mới nhưng cũng vô cùng thú vị, đó là Việt Bắc, Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi …

Chuyện ngôi sao phòng vé kì 2: Sự phai tàn của đế chế các danh hài - Ảnh 7.

Nhưng rồi sao? Khán giả chờ đợi cả năm chỉ để mong ngóng tới chương trình "Táo quân" vào mỗi 20h ngày 30 Tết, để được nhìn lại một năm vừa qua đã diễn ra như thế nào. Và rồi cứ sau mỗi mùa "Táo quân", khán giả thì chê nhạt, nghệ sĩ thì bực mình mà tuyên bố năm sau sẽ không làm nữa. Khán giả bây giờ đòi hỏi cao lắm rồi! Không phải cứ chế lời trên nền các bài hit là họ thích. Không phải cứ ứng khẩu thành thơ là họ mê. Họ cần một cách đánh giá về các vấn đề xã hội thẳng thắn như "Táo quân" những mùa xưa đã làm. Trang phục có thể đơn giản thôi, nhưng nội dung phải thật đặc sắc, từng câu chữ được nhả ra phải thật thâm thúy.

Một phép so sánh nhỏ, ấy là bài hát "Lụt từ ngã tư đường phố" từ năm 2009 đến giờ vẫn được rất nhiều người hát một cách trơn tru, thậm chí còn nổi hơn cả bản gốc là ca khúc "Từ một ngã tư đường phố".

Lụt từ ngã tư đường phố

Vậy mà ca khúc chế lại từ bản hit "PPAP" lại không khiến khản giả bật cười mặc dù vẫn là diễn viên Tự Long đóng. Thêm nữa, những diễn viên hài miền Bắc vốn ít được xuất hiện trong phim điện ảnh. Do đó, họ chỉ có thể chọn truyền hình để "tranh sóng" với hàng loạt chương trình khác và mãi mãi không thể trở thành "ngôi sao phòng vé".

Tóm lại, khi quyết định lựa chọn xem một phim hài, khán giả hy vọng nhiều hơn việc gây cười. Bởi thành công của một bộ phim, ấy là khán giả cười trong rạp, về kể lại cũng cười, và sau này mỗi khi nhớ tới tình tiết ấy vẫn tự bật cười. Đó chính là sự khác nhau giữa hài và hài nhảm. Nếu điện ảnh Việt Nam tiếp tục giữ phong độ như vậy, thì sẽ có ít đi những ngôi sao dám lấy tên tuổi của mình để "gánh phim", và lại càng ít hơn sự đa dạng vai diễn để các nghệ sĩ được thể hiện.