Theo Al Jazeera, một công ty có tên Exit tại Nhật Bản đang kinh doanh dựa trên nhu cầu "xin nghỉ việc" của mọi người. Với mức phí 20.000 yên Nhật (tương đương 3,4 triệu đồng), Exit sẽ liên hệ với sếp của khách hàng để thông báo về quyết định nghỉ việc của họ. Điều này cho phép nhân viên tránh khỏi mọi cuộc đối đầu với cấp trên.
Ý tưởng sáng tạo này được đưa ra bởi Toshiyuki Niino, một người từng là nhân viên văn phòng và cũng từng nhiều lần xin nghỉ việc. Khi Niino muốn rời bỏ công việc nhàm chán cách đây vài năm, anh nhận thấy bản thân phải lấy hết can đảm để đối mặt với sếp. Quãng thời gian dài làm nhiều công việc khác nhau giúp anh biết rằng không một người sếp nào có thể để nhân viên của mình dễ dàng nghỉ việc.
Nhiều người trẻ Nhật Bản lựa chọn dịch vụ xin nghỉ việc thay để tránh phải chạm mặt trực tiếp với cấp trên
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình với Al Jazeera, Niino cho hay: “Khi bạn cố gắng nghỉ việc, cấp trên sẽ khiến bạn cảm thấy tội lỗi. Họ cố làm cho bạn cảm thấy xấu hổ vì đã bỏ việc khi chưa làm đủ 3 năm, và tôi đã có một khoảng thời gian khó khăn vì điều đó".
Trải nghiệm của Niino đã cho anh và người bạn thời thơ ấu Yuichiro Okazaki một suy nghĩ: Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể tránh được việc đó bằng cách nhờ người khác xin nghỉ việc giúp mình?
Vì vậy, Exit đã ra đời với vai trò là một công ty khởi nghiệp chuyên thay mặt cho những nhân viên - những người quá xấu hổ khi phải tự mình xin nghỉ việc - cảm thấy “thanh thản” khi từ bỏ công việc đang làm.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, mô hình kinh doanh đặc biệt này đã được khoảng 20 công ty học theo và áp dụng, tạo ra một ngành công nghiệp hoàn toàn mới mang tên "hỗ trợ xin nghỉ việc".
Nhật Bản vốn nổi tiếng với văn hoá làm việc khắc nghiệt
Niino cho biết hầu hết khách hàng của Exit là nam giới ở độ tuổi 20. Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp của anh nhận được khoảng 10.000 yêu cầu xin nghỉ việc mỗi năm, mặc dù không phải tất cả những người liên hệ sau đó đều sử dụng dịch vụ.
Theo Niino, có hai lý do chính khiến mọi người không muốn xin nghỉ trực tiếp với sếp, đó là sợ hãi và cảm thấy tội lỗi.
Tại Nhật Bản, nơi từ lâu đã nổi tiếng với nền văn hoá làm việc khắc nghiệt, việc gắn bó lâu dài với công ty là điều luôn được khuyến khích. Dù có xu hướng giảm, tỷ lệ người lao động tại Nhật Bản làm việc hơn 60 giờ/tuần vẫn đang chiếm khoảng 6%, thuộc hàng cao nhất trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD).
Mặc dù truyền thống làm việc trọn đời của quốc gia này đã suy yếu hơn trong những thập kỷ gần đây, người lao động Nhật Bản vẫn ít “nhảy việc” hơn so với người lao động tại các quốc gia khác.
Năm 2019, thời gian làm việc trung bình của mỗi cá nhân tại một công ty Nhật Bản là 12,4 năm, cao hơn so với mức trung bình của OECD là 10,1 năm. Theo một nghiên cứu khác của tổ chức này, người lao động Nhật Bản cũng nhận được mức lương cao thứ 3 khi làm việc liên tục tại một công ty trong ít nhất 20 năm, đứng sau Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.
Dịch vụ này không mấy được lòng các nhà tuyển dụng
Dù Exit đã khai thác được một thị trường mới chưa từng có trước đây ở Nhật Bản, không phải ai cũng ấn tượng với điều này.
Koji Takahashi - quản lý tại một công ty kỹ thuật ở Tokyo - đã rất bất ngờ khi nhận được cuộc gọi từ một công ty khác thông báo rằng nhân viên của ông đã nghỉ việc. Không nhận được lời khẳng định trực tiếp từ cấp dưới, ông đã đến thăm cha mẹ của nhân viên đó để xác nhận.
"Tôi nghĩ rằng nếu ai đó phải sử dụng loại dịch vụ này để từ chức, đó sẽ là sự mất mát của chính bản thân họ. Họ là một người bất hạnh và coi công việc không hơn gì một phương tiện để kiếm tiền", Takahashi chia sẻ quan điểm.
Bên cạnh những phản ứng không mấy tích cực từ phía nhà tuyển dụng, Exit cũng nhận được nhiều sự đón nhận từ phía người lao động. Thông qua dịch vụ, những nhân viên sắp nghỉ việc có thể bày tỏ ý kiến một cách trung thực với công ty về lý do khiến họ quyết định rời đi.
"Một số khách hàng cho biết họ từng có ý định tự tử khi làm việc cho công ty, nhưng họ đã bỏ suy nghĩ đó sau khi được chúng tôi giúp đỡ. Tôi đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi", Niino cho hay.