Tết là dịp để đoàn viên, sum vầy, để tất cả những người con dù ở bất kỳ nơi nào trên Trái đất tròn này trở về với quê hương, bản quán với cha mẹ, ông bà và những người thân yêu. Thế nhưng, dịp Tết Tân Sửu này nhiều thứ bị xáo trộn quá, tất cả chỉ vì 2 chữ dịch bệnh! Những người con xa quê đành phải ôm trong mình nỗi nhớ quê da diết vì không dám về hoặc không thể về đoàn tụ cùng gia đình.
Cô gái gốc Hà thành tên Thanh Thảo cũng là một trong số những người Việt phải ăn Tết ở một nơi xa. Xa nhà, xa bố mẹ, ông bà nhưng Thảo vẫn biết tự tìm cho mình niềm vui riêng ngay tại tổ ấm của mình để vơi đi phần nào nỗi nhớ nhung quê hương. Và quan trọng là bên cạnh Thảo có một người chồng cực kỳ tâm lý, yêu thương và chiều chuộng cô hết lòng!
Cô gái gốc Hà thành chính hiệu chấp nhận theo chàng sang Úc làm "nông dân chăn bò"
Được biết, Thanh Thảo sinh năm 1996, sau khi tốt nghiệp Đại học, cô trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh tại Hà Nội - mảnh đất nơi cô sinh ra và lớn lên. Cũng chính đây là "nơi tình yêu bắt đầu", giúp cô gặp được anh Mark Jackman, 36 tuổi, người bạn đồng nghiệp đến từ Úc. Thời gian đầu, Thảo và Mark dường như chẳng chuyện trò câu nào dù là đồng nghiệp, thế mà duyên số lại đưa đẩy như một định mệnh để họ đến bên nhau.
Thanh Thảo và chồng là anh Mark Jackman
Mặc dù, ban đầu khi biết chuyện, bố mẹ Thảo cực lực phản đối nhưng Thảo vốn tính "bướng", luôn làm cho kỳ được những gì mình thích nên rồi phụ huynh cũng phải "chào thua". Yêu là yêu bằng cả con tim và lý trí, Thảo chẳng hề suy tính đến tương lai sau này sẽ ra sao. "Ở cạnh anh, mình không có chút bận tâm nào về sự khác biệt giữa 2 đứa, tuổi tác, văn hoá hay quá khứ của nhau. Mọi chuyện cứ đến tự nhiên như vậy thôi", cô gái chia sẻ.
Sau đó, Thảo và Mark tổ chức lễ cưới ở Hà Nội. Cặp đôi dự định vào Quy Nhơn mở homestay, nhưng sau khi cân nhắc nhiều vấn đề, cuối cùng họ quyết định sẽ về Úc, quê hương của chồng cô. Phần vì bố mẹ chồng đã có tuổi, cả hai phải về quê hương để tiếp quản trang trại của gia đình. Vợ chồng cô trở thành những nông dân chính hiệu, ngày ngày làm việc ở trang trại nuôi 300 con bò của gia đình.
Thời gian đầu vì chưa quen với cuộc sống xa gia đình lại có quá nhiều khác biệt nên cô gái trẻ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi, cũng buồn vì nhớ nhà. Nhưng rồi, cô gái Hà thành học cách tự tạo ra niềm vui trong cuộc sống mỗi ngày của mình, từ căn nhà, khu vườn, cho đến những con vật nuôi... tất cả dần trở nên gắn bó với cô. Đặc biệt, tình yêu thương, sự bao dung từ chồng và bố mẹ chồng đã khiến cô thấy thoải mái, được quan tâm, chăm sóc. Thế rồi, Thảo cảm nhận được nhà chồng chính là tổ ấm của mình, quên đi những nỗi buồn không đáng có.
Sang Úc sống cùng chồng, Thảo trở thành "cô nông dân" chăm chỉ làm việc trên trang trại rộng mênh mông bát ngát, xanh thăm thẳm
Với Thảo bây giờ, những con vật nuôi, những bông hoa cây trái đều trở nên "có hồn" giúp Thảo thêm yêu và gần gũi với thiên nhiên, sống trọn vẹn những phút giây hạnh phúc của cuộc đời.
Anh chồng tâm lý chạy đôn chạy đáo lo cho vợ cái Tết "đầy đủ nhất"
Tết năm nay, vì dịch bệnh nên Thảo không thể về ăn Tết cùng gia đình nhưng cô gái ấy vẫn giữ được tinh thần lạc quan, sắm sửa chuẩn bị đón Tết cùng gia đình chồng. May mắn với Thảo là có anh chồng tâm lý, biết vợ phải ăn Tết xa nhà nên dù khó khăn mấy anh cũng cố sắm sửa cho vợ một cái Tết thật ấm cúng...
Thảo kể: "Đây là năm đầu tiên mình không đón Tết cùng bố mẹ. Nói ăn Tết thì cũng không phù hợp lắm, vì gia đình chồng mình ở bên này không có văn hóa Tết Nguyên đán. Thực ra năm ngoái chồng mình có ăn Tết ở Việt Nam với gia đình vợ. Đó là lần đầu tiên anh ăn Tết Việt, cơ mà cũng hoảng loạn, vì ăn uống cỗ bàn nhiều quá, đi chúc Tết kín cả ngày.
Cây đào Thảo trồng trong vườn nhà năm nay cũng nở hoa xinh xắn
Lúc 2 vợ chồng chuẩn bị lên thành phố để mua đồ về trang trí Tết, thì trên đó vẫn còn dịch, nhưng chồng mình cũng nghĩ cho vợ xa quê, nên anh cố gắng chuẩn bị một cái Tết "đầy đủ nhất".
Cuối tuần được nghỉ làm là anh lao vào lau bếp dọn nhà, xong anh đưa mình đi mua đồ để về nấu món Việt Nam. Bọn mình cùng thống nhất với nhau là ăn Tết đơn giản, làm ít cũng được, quan trọng là cả nhà dành thời gian với nhau, vui là chính, chứ không quá nặng nề phải có cái này cái kia mới đúng ngày Tết.
2 vợ chồng Thảo tất bật chuẩn bị đón Tết.
Tháng cuối cùng của năm 2020 thấy mọi người tất bật chuẩn bị Tết Nguyên đán, mình cũng nhớ Tết ở quê hương. Tuy bận bịu nhưng cả năm mới có 1 cái Tết, mình nghĩ là có những thứ mà 1 năm chỉ được hưởng 1 lần thì hãy hưởng khi ta còn hưởng được".
Kể về công tác chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên xa nhà mà Thảo lại bùi ngùi nhớ lại những năm tháng xưa kia, khi cô còn là "con gái rượu" của bố mẹ, được ở bên quây quần cùng gia đình.
"Mình nhớ gia đình và nhớ không khí Tết ở quê hương lắm, vì từ trước tới nay mình chưa bao giờ ăn Tết xa quê. Bao nhiêu năm rồi, gia đình mình vẫn giữ thói quen vào ngày Tết. Cả nhà cùng dọn nhà, nấu đồ ăn Tết, cây đào cây mai cây quất, đi chúc Tết nữa. Về bên này thì gia đình chồng mình không có văn hóa Tết, nên để làm theo truyền thống thì không có gì.
Sang bên này rồi mình nhớ nhất là đồ ăn Việt Nam. Có những thứ chỉ có Tết mới nấu và được ăn. Thực ra ở bên này cũng có nguyên liệu Việt Nam, nhưng nó đắt hơn ở nhà, lại khó tìm hơn nữa, mà không ngon bằng. Mình nhớ cả việc đi lễ tứ trấn với cả nhà vào mồng 1, đông lắm nhưng mà vẫn thích".
Hình ảnh Thảo và ông xã ăn Tết ở Việt Nam năm ngoái
Thảo cũng không quên những hoạt động chuẩn bị Tết khi còn ở nhà: "Nhà mình có 5 người. Dịp Tết thì dọn dẹp ngày ông Công ông Táo cho đến hôm 28-29 tháng chạp. 30 Tết là bận nhất vì nhà mình phải cúng bên nhà bà nội nữa, nhà có mấy chị em cứ chia nhau ra mà chạy đi chạy lại 2 bên. Nhưng vẫn cứ trực chờ để xem Táo Quân, mấy hôm Tết thì đi chúc Tết họ hàng, bạn bè/người quen".
Năm nay Thảo không thể về quê ăn Tết vì dịch bệnh Covid-19, ở bên đó mọi thứ cũng bị hạn chế để đảm bảo an toàn: "Chồng mình cũng cố gắng chuẩn bị cho 2 vợ chồng ăn Tết để mình giữ được phong tục quê nhà. Ở chỗ mình thì không có ổ dịch nào, nhưng mà mọi người vẫn đeo khẩu trang ra đường, nhưng đi lại và sinh hoạt mùa dịch thì vẫn còn chút hạn chế. Chỗ mình ở cũng xa thành phố nữa, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên khắp thế giới nên mọi người cũng không chủ quan, nên đã vắng lại càng vắng hơn".
"Mình ở cách thành phố Melbourne 200km, nên chỗ mình chủ yếu là người bản xứ Úc. Vẫn có người Việt nhưng khá ít. Trên Melbourne thì cộng đồng người Việt thường tổ chức ăn Tết rất to, và tụ tập nhiều, còn chỗ mình không có cộng đồng người Việt lớn như vậy nên ai là người Việt thì tổ chức Tết theo cách riêng trong gia đình thôi".
Thảo cho biết năm nay cô và gia đình sẽ tổ chức một buổi cắm trại vào mùng 2 âm lịch vì mọi người không đi đâu chúc Tết nên cả nhà tính dành thời gian đi xa 1 chuyến để thêm gắn kết và hiểu nhau hơn, cùng thư giãn sau một năm bộn bề với công việc...