Những biến cố trong đời cho người ta hai lựa chọn, một là buông bỏ để mặc cho số phận quyết định, hai là mạnh mẽ đứng lên và trở thành một con người hoàn toàn mới. Có người chọn cái chết để giải thoát, cũng có người tìm lại được niềm vui sống của cuộc đời mới. Tất cả âu cũng chỉ là sự lựa chọn của mỗi con người.
Tai nạn kinh hoàng vào năm 24 tuổi đã khiến cuộc đời của nhiếp ảnh gia Bá Hân thay đổi hoàn toàn. Khi tương lai phía trước trở nên tối đen, đứng trước những lựa chọn thách thức của cuộc đời, chàng trai 24 tuổi ngày ấy đã từng lạc mất bản thân mình.
Ông Bá Hân đến với nhiếp ảnh sau một bi kịch của cuộc đời.
"Ba má đã sinh tôi ra 2 lần!"
Nguyễn Bá Hân, sinh năm 1957 tại Thừa Thiên Huế, ông là một trong những tay máy xuất sắc của nền nhiếp ảnh Việt Nam giai đoạn sau 1975. Có thể nói nhiếp ảnh là nhân duyên kỳ lạ của cuộc đời Bá Hân, bởi niềm đam mê đặc biệt này đến từ bi kịch mà ông chẳng hề mong muốn.
Nhiếp ảnh gia Bá hân hiện là thành viên: Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam (VAPA), Liên đoàn Phóng viên ảnh tự do Quốc tế (MP.IFPO), Liên đoàn Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP).
Ông Bá Hân sinh ra ở Huế, nhưng lại lớn lên ở Nha Trang, sau khi tốt nhiệp bậc trung học, ông thi vào ngành khí tượng và bắt đầu nuôi dưỡng những hoài bão của tuổi trẻ. Mọi chuyện vẫn tốt đẹp, cho đến năm 24 tuổi.
Chàng trai trẻ với ước mơ trở thành kỹ sư khí tượng thuỷ văn.
"Đêm đó tôi thức khuya để đọc sách, rồi ngủ quên lúc nào không hay. Trong lúc ngủ say tôi vô tình làm đổ chiếc đèn dầu, và lửa loang nhanh khiến toàn thân tôi trở thành một ngọn đuốc" - Cho đến hết cuộc đời có lẽ ông sẽ không thể quên được đêm kinh hoàng ấy.
Trong một lần đọc sách khuya, nhiếp ảnh gia bị phỏng toàn thân do làm đổ đèn dầu.
Dù lửa được dập tắt ngay sau đó, nhưng toàn thân ông đã bị phỏng nặng. Trải qua tổng cộng 17 ca phẫu thuật, gần như gương mặt ông đã bị biến dạng hoàn toàn, hai bàn tay co lại không thể cử động linh hoạt, và trên người thì chi chít những vết sẹo.
Ông tâm sự: "Những vết thương khiến tôi đau đớn đến cùng cực. Tôi tuyệt vọng đến mức đã nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi tình thương của ba má đã níu tôi ở lại. Trên đời này, con người ta được sinh ra 1 lần, nhưng ba má đã sinh ra tôi 2 lần. 24 tuổi vẫn phải để ba má chăm lo cho từng miếng ăn, miếng uống, tập đi tập đứng... Tôi tự nhủ với bản thân phải cố gắng sống, mình phải sống bằng những gì mình có".
Tình yêu thương của ba má đã giữ ông Bá Hân ở lại.
Lần nọ, khi đang nằm trong bệnh viện, ông Bá Hân vô tình đọc được một cuốn sách của tác giả người Nga có tên là "Trông chết cười ngạo nghễ". Cuốn sách kể về một viên phi công bị cụt cả hai tay, hai chân nhưng vẫn mang trong mình tình yêu thương cuộc sống. Và cũng chính cuốn sách đã giúp ông tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình, để rồi mạnh mẽ đứng lên tìm niềm đam mê mới.
Chiếc máy ảnh trở thành cứu cánh của ông
"Chiếc máy ảnh Petri của Nhật do một người quen tặng vào năm 17 tuổi đã trở thành cứu cánh cho tôi. Sau khi bình phục, với chiếc máy ảnh trong tay, bản thân tôi như được tái sinh từ tình yêu thương, và tôi cảm nhận rõ một điều: Lòng yêu thương sẽ đánh thức những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người" - ông chia sẻ.
Lòng yêu thương sẽ đánh thức những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người.
"Hãy bắt ống kính mình lia theo cuộc đời, và hãy lắng nghe trái tim rung lên lúc bấm máy"
Tôi đã từng tò mò rằng với đôi bàn tay không linh hoạt như vậy thì làm sao ông có thể thực hiện các kỹ thuật chụp ảnh, và bắt được những khoảnh khắc của cuộc sống. Thế nhưng nhìn ông chụp ảnh, tôi tin chỉ cần có đam mê, và sự kiên nhẫn thì không có gì có thể làm khó chúng ta.
Nhiếp ảnh gia Bá Hân chụp ảnh bằng con tim, chứ không hoàn toàn bằng đôi tay.
Thời gian đầu, ông Bá Hân ngồi hàng giờ đồng hồ ở sân vân động mỗi ngày để tập chụp ảnh, ông đi khắp nơi trong thành phố để chụp lại những khoảnh khắc bình dị nhất của cuộc sống. Mất khoảng một năm để ông có thể quen dần với chiếc máy ảnh.
Ông dành hàng năm trời để có thể thành thạo với chiếc máy ảnh.
Ảnh của nhiếp ảnh gia Bá Hân luôn mang những cảm xúc rất chân thực.
Năm 2002, ông Bá Hân may mắn có cơ hội sang Mỹ học về nhiếp ảnh. Tại đây ông được nhiếp ảnh gia người Mỹ - Jerry Butchfield hỗ trợ rất nhiều trong việc tiếp cận với nền nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới. Liên tiếp từ năm 1993 đến 2014, ông nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, cũng như tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh ở nhiều quốc gia như Nhật, Ý, Thuỵ Sĩ..
Có cơ hội sang Mỹ để tiếp cận với nền nhiếp ảnh thế giới, Bá Hân đã có những bước tiến dài trong sự nghiệp.
Với nhiếp ảnh gia Bá Hân, nhiếp ảnh đã không còn là cứu cánh trong lúc khó khăn, mà đã trở thành đam mê và nguồn thu nhập giúp ông nuôi sống bản thân và gia đình. Có những bi kịch đã làm thay đổi cả một cuộc đời con người, ngày ấy nếu không gặp tai nạn, có lẽ Bá Hân đã không trở thành một nhiếp ảnh gia, và biết đâu ông đã có một ngã rẽ khác cho mình. Ai cũng có quyền chọn và đi theo niềm đam mê của riêng mình, miễn đừng bao giờ bỏ cuộc.
Những năm sau này ông dành nhiều thời gian cho hoạt động tìm kiếm các tài năng nhiếp ảnh trẻ để truyền thụ kinh nghiệm đồng thời đưa các nhóm học sinh đi tham dự các cuộc thi quốc tế.
"Kỹ thuật chỉ là một phương tiện, còn trái tim và những hiệu ứng của nó qua những bức ảnh mới là điều quan trọng qua ghi nhận của mình. Hãy bắt ống kính mình lia theo cuộc đời, và hãy lắng nghe trái tim rung lên lúc bấm máy" - ông Bá Hân chia sẻ.
Chúng ta luôn có quyền quyết định cuộc đời của chính mình.
Các giải thưởng đã đạt được:
2003: Giải Ảnh xuất sắc Quốc gia: Sách "Thời Thơ Ấu" (THE CHILDHOOD)
2002 : 02 Giải Nhất (màu và trắng đen) & Giải Khuyến khích Cuộc thi Ảnh về mùa xuân ở Washington DC - USA.
1996 : Giải Nhất cuộc thi Giá Trị Xanh ở Tp.HCM, Việt Nam.
1995 : Giải Nhất cuộc thi Ảnh kiến trúc ở Tp.HCM, Việt Nam.
1994 : Giải Nhất cuộc thi Ảnh mùa xuân ở Tp.HCM, Việt Nam.
1992 : Giải Nhất, HCV & Giải khuyến khích cuộc thi Ảnh Trẻ em quốc tế ở IRAN.
1992 : Giải Nhất cuộc thi Ảnh mùa xuân ở Tp.HCM, Việt Nam.
1990 : Giải Nhì cuộc thi Ảnh lần thứ 14 ở Tp.HCM, Việt Nam.