Chuyện "cô Giao lưng vẹo" bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa!

Long Quyền, Theo Báo dân sinh 06:58 22/09/2020

Giao vốn là cô gái bình thường có sức khoẻ như bao người khác, sau một trận sốt cao phải nhập viện cấp cứu vào năm lên 8 tuổi, lưng chị dần bị tai biến và cong vẹo sang một bên. Bằng nghị lực của mình chị gắng vượt qua tất cả, chỉ mong có sức khoẻ để chăm sóc bố mẹ già yếu và đứa cháu nhỏ.

"Nỗi đau vào năm lên 8 tuổi, tôi không ngờ nó cứ kéo dài như vậy mãi"

Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, tại thị trấn Cao Thượng (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), cô gái Nguyễn Thị Giao (SN 1987) vốn có sức khoẻ, lành lặn như bao người khác.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 1.

Từ khi sinh ra, chị Giao vốn phát triển bình thường, khoẻ mạnh như bao người khác nhưng cơn bạo bệnh đã cướp đi của chị gần như tất cả.

Tưởng rằng cuộc sống đầm ấm, hồn nhiên của tuổi thơ bên gia đình sẽ kéo dài nhưng tất cả mơ ước, hạnh phúc gần như tan biến khi chị lên 8 tuổi.

Hôm ấy chị bỗng lên cơn sốt cao, bố mẹ chị liền đưa vào bệnh viện tuyến huyện cấp cứu, điều trị. Sau cơn sốt, chị Giao bị di chứng phải nằm viện điều trị suốt 2 năm trời. Hồi ấy, gia đình kinh tế khó khăn phải đi vay mượn tiền khắp nơi điều trị.

Sau thời gian nằm viện, chị phải tập đi lại từ đầu vì lưng có dấu hiệu cong vẹo. Dù gia đình đã đưa đi nhiều nơi để tìm cách cứu chữa nhưng không có kết quả.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 2.

Vào năm 8 tuổi, chị lên cơn sốt phải nhập viện rồi điều trị liên miên. Khi bệnh dần ổn định thì lưng chị bị cong vẹo không thể đi lại được.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 3.

Chị phải tập đi từ đầu và làm quen dần với cuộc sống lưng bị cong, biến dạng.

Kể từ đó đến nay đã 25 năm, các anh chị của Giao đều đã đi lập gia đình, chỉ còn lại chị với bố mẹ già yếu. Anh trai chị gặp biến cố gia đình nên cũng bỏ lại đứa cháu nhỏ cho Giao và mẹ chăm sóc, khó khăn càng khó khăn hơn.

Tìm đến căn nhà của chị Giao tại thị trấn Cao Thượng, chị đang ngồi ven đường chăm chú làm việc với chiếc máy khâu cũ mèm.

Lưng cong vẹo với dáng ngồi khắc khổ nhưng đôi tay vẫn nhanh nhẹn, tháo vát chỉnh từng đường kim, mũi chỉ để sửa quần áo cho khách: "Ngày nào cũng ngồi từ sáng đến tối nên tôi quen rồi, cố gắng kiếm từ 50 - 100 nghìn đồng mua mớ rau là được", chị cười nói với chúng tôi.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 4.

Những ngày tháng khó khăn, đau ốm liên miên cứ ập đến và đeo bám nhưng chị chưa bao giờ muốn đầu hàng số phận và tiếp tục theo học đến khi ra làm nghề may để phù hợp với bản thân.

Từ khi lưng bị cong vẹo mất sức khoẻ, chị vẫn cố theo đuổi con chữ dù nhiều khó khăn áp lực đè nặng. Học hết lớp 12, chị đi học nghề với mong muốn phụ giúp bố mẹ kiếm tiền. Sau khi học xong, chị gắng bươn chải bán sách lề đường.

Khoảng 5 năm trở lại đây ngày nào chị cũng ngồi bờ đường từ sáng đến tối để may vá, sửa quần áo cho khách kiếm thêm thu nhập giúp mẹ.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 5.
Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 6.

Suốt 5 năm nay, chị cứ ngồi sửa quần áo với hy vọng kiếm được "dăm bảy chục" mỗi ngày mua mớ rau, bìa đậu.

Khi nhắc đến hoàn cảnh của mình, chị không còn quá đau đớn và tự ti như trước đây: "Trước đây mỗi khi nhắc đến là buồn lắm nhưng giờ cũng quen rồi. Lúc xảy ra tôi luôn tin rằng sẽ có một ngày lưng thẳng trở lại nhưng không ngờ nó cứ kéo dài vậy mãi", chị Giao tâm sự.

"Không dám mơ ước lập gia đình, chỉ cần sức khoẻ để lo cho bố mẹ và cháu"

Từ khi mang trên mình đôi lưng bị cong vẹo, cuộc sống gia đình chị càng trở nên khó khăn hơn. Bố chị sau đó cũng ốm đau mất sức, đi lại phải có người hỗ trợ. Mọi kinh phí mua thuốc điều trị đều do mẹ chị nhờ người thân giúp đỡ và vay mượn khắp nơi.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 7.

Suốt 25 năm, chị vẫn nuôi hi vọng, cố gắng để mong sẽ có một ngày lưng mình thẳng trở lại. Cũng từng ấy năm chị không có lấy một ngày được hưởng niềm vui trọn vẹn của thanh xuân, tuổi trẻ.

"Các anh chị thì gia đình cũng khó khăn nên không giúp gì được. Mấy năm nay, cứ sáng mẹ đẩy xe với máy ra đường cho tôi may còn mẹ đi chợ buôn bán, tối lại đẩy xe về cho tôi. Hai mẹ con gắng làm trả nợ với nuôi bố đau ốm và thằng cháu con anh trai", chị Giao tâm sự.

Mới đây, sau 25 năm chờ đợi, chị và mẹ đã được xuống một bệnh viện ở Hà Nội để thăm khám. Đó là hy vọng cuối cùng của chị Giao nhưng có lẽ mọi thứ gần như đã muộn.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 8.

Khi biết rằng lưng mình có rất ít cơ hội bình phục và nằm ngoài khả năng điều trị của gia đình, đó là lúc chị buồn nhất sau hàng chục năm chờ đợi.

"Các bác sĩ bảo xương sườn và xương chậu đan chéo nhau rồi. Giờ cột sống cũng định hình như một khối bê tông vững chắc. Bệnh viện ở trong nước giờ chưa đủ khả năng để thực hiện phẫu thuật này nên phải chờ có đoàn bác sĩ từ nước ngoài về hội chẩn mới có hi vọng.

Hơn nữa, kinh phí phẫu thuật cao, dù có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến. Dù cho tôi có được tạo cơ hội để thực hiện phẫu thuật thì ca mổ cũng đối mặt với nhiều nguy hiểm khó lường", chị Giao hướng mắt nhìn xa xăm.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 9.

Chị vẫn cố gắng từng ngày, chỉ cần có sức khoẻ để chăm sóc bố mẹ già và cháu nhỏ.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 10.

Cháu chị Giao thường giúp đỡ đưa quần áo đã sửa xong cho khách vì chị đi lại vô cùng khó khăn, bất tiện.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 11.
Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 12.

Dù lưng khó có khả năng bình phục nhưng chị không còn cảm thấy quá buồn vì "đã sống quen với số phận".

Sau đợt thăm khám, chị Giao không còn dám nghĩ đến một ngày lưng mình sẽ bình phục. Nhắc đến việc xây dựng gia đình, chị Giao cười nói:

"Giờ tôi chỉ mong muốn được khoẻ mạnh, số mình vậy rồi. Có sức khoẻ chăm lo cho bố mẹ, cho thằng cháu là tôi vui rồi. Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời lắm, không cảm thấy tự ti nữa. Tôi cũng thường tham gia các câu lạc bộ, hội bạn bè để khi nào khoẻ, có cơ hội là tôi lại ngồi xe khách đi chơi với mọi người.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 13.

Mẹ chị cũng chỉ biết mong con gái có sức khoẻ để sống vui vẻ bên gia đình.

Chuyện cô Giao lưng vẹo bên chiếc máy may: Tôi bị vậy nhưng vẫn yêu đời dù có lẽ không bao giờ đứng thẳng được nữa! - Ảnh 14.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng chị vẫn quyết tâm cố gắng sống thật tốt vì phía sau mình còn mẹ già, bố bệnh tật và thằng cháu đang ở tuổi thơ dại.

Về chuyện gia đình thì tôi không dám mơ ước, thậm chí không dám nghĩ đến. Phụ nữ thường sẽ cần một người đàn ông mạnh mẽ che chở chứ cả hai người cùng bệnh tật, méo mó thì càng làm nhau khổ thêm nên chắc mình cứ ở vậy thôi", chị Giao cười.

Sau 25 năm chống chọi với bạo bệnh, thiệt thòi. Chị Giao chẳng có lấy một ngày được hưởng trọn vẹn hai chữ "thanh xuân" nhưng bằng nghị lực của mình, chị đã cố gắng vượt qua từng ngày. Giờ đây, khi đã ở tuổi 33, chị không còn dám mơ ước gì nhiều. Với chị, chỉ cần được sống, còn đi được vài trăm mét, có sức khoẻ dù là nhỏ nhoi đã là hạnh phúc to lớn.

Bởi vì phía sau chị còn cả mẹ già, bố nằm bệnh và thằng cháu thơ dại mới đi học lớp 4. "Nó còn đi học tôi vẫn sẽ cố cho nó đi học tới cùng", chị Giao nói thế trong lúc cố lết từng bước khó khăn ra giàn hoa thiên lý trước nhà.